Site Overlay

Tiếc thay cho Ngài Giang Dịch Viên…

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên, quyển 3, phần Tự

Thư 12. Lời tựa cho Hoằng Hóa Nhật Ký

Cư sĩ Giang Dịch Viên ở Vụ Nguyên, tỉnh An Huy, phẩm đức lẫn học vấn đều ưu tú, chí hạnh cao thượng, đảm nhiệm vai trò giáo chức đã lâu, tận tâm giảng dạy. Do quá sức mệt nhọc nên trong năm Dân Quốc thứ 10 (1921) bèn ngã bệnh nặng. Các thầy thuốc ở Thượng Hải đều không chữa trị được. Ông ta vốn chẳng tin tưởng chút nào vào Phật pháp, một người bạn thương ông ta bệnh khổ, khuyên ông ta hãy ăn chay niệm Phật và niệm kinh Kim Cang, lược thuật lợi ích do niệm Phật, niệm kinh. Dịch Viên tin nhận, vâng làm, chẳng thuốc men gì mà bệnh tự lành. Cảm kích tột bậc, lắng lòng nghiên cứu mới biết Phật là đại thánh nhân, giáo pháp của Ngài có những chuyện chẳng thể nghĩ bàn. Từ đấy mới biết tâm pháp của thánh nhân Nho giáo phần nhiều đã bị vùi lấp bởi những thứ văn tự mang nặng tánh chất tri kiến môn đình của tiên Nho, liền chọn lấy pháp môn Tịnh Độ là pháp “thực hiện dễ, thành công cao” để cực lực đề xướng trong làng. Do pháp này thích hợp khắp ba căn, dạy cho ai nấy đều giữ vẹn luân thường, đều trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Vì thế, được hết thảy mọi người tin tưởng.

Ba bốn năm qua, người sanh lòng tin niệm Phật rất đông. Có người mắt đã lòa lại được sáng, có kẻ bệnh ngặt liền lành, có người biết trước lúc mất, ngồi niệm Phật qua đời. Năm trước Vụ Nguyên bị hạn hán, kỳ đảo không linh nghiệm, ông ta bèn suất lãnh mọi người niệm Phật, mưa ngọt liền trút xuống. Do vậy, bèn lập Phật Quang Xã nhằm tuyên truyền xa gần. Người cùng ấp là

Trình Tiểu Bằng, sáng suốt, mẫn tiệp, chuyên dốc, thành thật, là giáo viên, rất ngưỡng mộ học thức, phẩm hạnh của Dịch Viên, nhưng hơi nghi ngờ sự tu trì gần đây của ông ta, chẳng biết [ông Giang] có bị trở thành mê tín hay không, hay là chân chánh thấy được đạo cả; do vậy liền tìm đến thân cận để giải quyết lòng ngờ.

Ông ta được Dịch Viên gần là lấy chính bản thân mình, xa là lấy muôn loài, chứng bằng kinh, ấn bằng tâm, chẳng tiếc sức thừa, uyển chuyển dạy dỗ. Ông Trình liền giống như được nhuần thấm bởi mưa đúng thời, như ngồi hưởng gió Xuân, bèn dốc trọn lòng nghiên cứu, cực lực khuyến hóa. Từ Vụ Nguyên đến Hưu Ninh, cho tới Hấp Huyện, Y Huyện, cho đến Kỳ Môn, thăm viếng khắp những vị cao minh, thông đạt, sẵn lòng tin tưởng, hướng về Phật pháp để lần lượt khuyên dạy. Sau thời gian hơn nửa năm đã giới thiệu hơn bốn trăm người tham dự Phật Quang Xã. Phàm với những nơi đi qua, những người gặp gỡ, những cảnh ngộ từng trải, gặp phải chiến tranh hay không, những chuyện phát khởi lòng tin chân thật tu trì và những lời vấn đáp giữa đôi bên, sự xướng họa giữa chủ và khách, đều chọn lấy những điều trọng yếu để ghi chép đại lược, đặt tên là Hoằng Hóa Nhật Ký.

Bản ghi chép này bất quá tùy nơi chốn, tùy duyên mà ghi chép những điều thấy, nghe, tuyên nói, để mong báo cáo với Dịch Viên nhằm chứng tỏ tấm lòng vui sướng, thật sự tin phục, tận lực hoằng hóa đạo này cũng như tình cảnh: Do “con người có cùng tâm này, tâm cùng một lý này” nên vừa đề xướng đều sanh lòng chánh tín tu trì mà thôi. Thoạt đầu, ông ta không có ý định truyền bá để mong xa – gần đều biết tới. Dịch Viên đọc xong, vui mừng vì thấy ông ta vừa mới nghe Phật pháp liền có được nhiệt tâm, nghị lực ấy. Các nơi trong tỉnh An Huy phong khí [Tịnh Độ] chưa được mở mang, thế mà Tiểu Bằng xướng suất, hướng dẫn trong vòng nửa năm đã khiến cho đa số người đời sanh lòng chánh tín, tu trì Tịnh nghiệp. Nếu chẳng phải ai nấy sẵn có Phật tánh, từng được thọ ân Phật từ đời trước, làm sao có thể đạt được như vậy? Do đó bèn viết lời tựa, giao phó cho thợ in khắc ván để truyền bá bốn phương nhằm mong tạo thành một căn cứ hòng cứu vãn thế đạo nhân tâm. Bất Huệ cùng Dịch Viên giao du thuận thảo, cũng như được mang tiếng ké là một thành viên của Phật Quang Xã, nên cũng gắng soạn một bài tựa để giãi bày nỗi lòng ngu thành của tôi, mong người thấy nghe đều cùng sanh lòng chánh tín, cùng tu Tịnh nghiệp, cùng sanh Tịnh Độ, cùng thành Phật đạo đó thôi!

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên, quyển 3

Theo những điều nói ở đây thì ông X… chính là Giang Dịch Viên. Thoạt đầu Giang Dịch Viên nhiệt tình tin tưởng Tịnh Độ, lập Phật Quang Xã ở Vụ Nguyên, đề xướng rất tích cực, viết rất nhiều sách có giá trị. Về sau do mê cầu cơ đến nỗi coi tổ Ấn Quang là người ương bướng, không nghe theo “thánh giáo” của “chư Phật, chư tiên”!

Do ông ta tôn tổ Ấn Quang làm thầy, nên lời lẽ trong thư của Tổ được coi như lời thầy nhắc nhở, dạy dỗ học trò, nên dùng mỹ từ là “tôn dụ” (lời răn dạy, phủ dụ tôn quý).