Site Overlay

So sánh sự hơn kém giữa cõi Tây phương và Đâu-suất

Chúng con xin cung kính trích trong

daitangkinh.org

Bộ Chư Tông 11

Tịnh Độ Luận Quyển Hạ

CHƯƠNG VII

Hỏi: Cõi Đâu-suất Thiên cung và Tịnh độ của Đức Phật A-di-đà, hai cõi này đều là cõi mà kinh Phật tán thán, nhưng tôi chưa biết cõi nào hơn, cõi nào kém?

Đáp: Hai cõi này đều có ba nghĩa, chưa biết ông hỏi về nghĩa nào.

Ba nghĩa đó là:

Hóa chủ: Là Phật.

Xứ sở: Là thế giới.

Chúng sinh được hóa độ: Là người vãng sinh.

Nếu nói về nghĩa Hóa chủ thì hai Phật (Phật A Di Đà và Phật Di Lặc) như nhau, đồng là đấng Pháp vương, đều được tôn xưng là Đấng Thiện Thệ, thân tướng đầy đủ muôn đức, cõi nước vạn điều tốt đẹp cũng đều để hóa độ chúng sinh. Nếu như ở cõi uế thì gò nổng đầy khắp mọi nơi, còn ở cõi Tịnh thì các vật báu lạ khắp chốn. Nhưng nếu muốn so sánh về công đức thì hai Phật không có hơn kém, còn luận về cõi nước thì có sự hơn, kém. Vả lại Thiên cung cõi Đâu-suất thì được thành lập trên không, còn thế giới Cực lạc thì được an lập trên đất. Thế thì chỗ ở hư không (Đâu-suất) và đất (Tịnh độ) khác nhau, nẻo người, trời sai biệt. Nếu căn cứ cõi này (Sa-bà) để luận về việc thác sinh, thì cõi trời là ưu việt, cõi người là hạ liệt. Còn luận về sự tịnh, uế thì Đâu-suất tuy là thiên cung nhưng vì có người nữ nên gọi là uế, cõi Cực lạc tuy là địa giới nhưng vì không có nữ nhân nên gọi là tịnh. Tịnh và uế này có mười loại khác nhau:

  1. Có người nữ và không có người nữ khác nhau: Cõi Đâu-suất nam và nữ ở lẫn lộn, còn cõi Cực lạc chỉ có nam không có nữ.
  2. Có dục và không dục khác nhau: Đâu-suất có thượng tâm dục, nhiễm trước cảnh, còn cõi Cực lạc không có thượng tâm dục nên thường phát tâm Bồ-đề.
  3. Thối, bất thoái khác nhau: Cõi Đâu-suất có thoái chuyển, còn cõi Cực lạc thì không thoái chuyển.
  4. Thọ mạng khác nhau: Cõi Đâu-suất thọ mạng bốn nghìn năm nhưng vẫn có thể chết yểu giữa chừng, còn cõi Cực lạc thọ mạng vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, không có người chết nửa chừng.
  5. Tâm có ba tánh khác nhau: Cõi Đâu-suất thì tâm có ba tánh xen khởi nên ác tâm khiến đọa địa ngục, còn cõi Cực lạc chỉ có người thiện tâm sinh về đó nên vĩnh lìa ác đạo.
  6. Ba thọ tâm khác nhau: Cõi Đâu-suất ba thọ xen khởi, còn cõi Cực lạc chỉ có lạc thọ.
  7. Sáu trần cảnh khác nhau: Sáu trần cõi Đâu-suất khiến người phóng dật, còn sáu trần cõi Cực lạc khiến người phát tâm Bồ-đề.
  8. Thọ sinh khác nhau: Đối với cõi Đâu-suất thì nam sinh trên đầu gối cha, nữ trên đầu gối mẹ, còn cõi Cực lạc thì thọ sinh trên hoa sen trong ao bảy báu.
  9. Thuyết pháp khác nhau: ở cõi Đâu-suất chỉ có Phật và Bồ-tát thuyết pháp, còn ở cõi Cực lạc nước, chim, rừng, cây đều có thể thuyết pháp.
  10. Chứng quả khác nhau: Người sinh về Đâu-suất hoặc chứng Thánh hoặc không, còn người sinh về Cực lạc nhất định chứng vô thượng Bồ-đề.

Nếu đứng về nghĩa này mà so sánh thì cõi Tây phương rất ưu việt, cõi Đâu-suất rất kém cỏi vậy. Còn như luận về người vãng sinh thì vãng sinh về Tây phương dễ, sinh lên Đâu-suất khó. Sự khó và dễ này cũng có bảy loại khác nhau:

Xứ khác nhau: Cực lạc là cõi người, Đâu-suất là cõi trời. Thế thì sinh lên cõi trời (Đâu-suất) khó, sinh về cõi người (Cực lạc) dễ.

Nhân khác nhau: Đối với cõi Cực lạc người chỉ giữ năm giới cũng được vãng sinh, còn cõi Đâu-suất phải tu đủ mười nghiệp thiện mới được sinh lên.

Hạnh khác nhau: Đối với cõi Cực lạc người niệm Phật nhẫn đến mười niệm thành tựu liền được vãng sinh (rút trong kinh Quán), còn đối với cõi Đâu-suất phải đủ ba pháp Bố thí, trì giới, tu nhân mới được sinh lên (trong kinh Di-lặc).

Tự lực, tha lực khác nhau: Đối với cõi Cực lạc hành giả nương tha lực bốn mươi tám đại nguyện của Đức Phật A-di-đà để vãng sinh, còn sinh về cõi Đâu-suất không có nguyện để nương, chỉ sinh lên nhờ tự lực.

Có thiện tri thức, không thiện tri thức khác nhau: Cõi Cực lạc có hai vị đại Bồ-tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí thường đến Sa-bà khuyến tấn vãng sinh, lúc lâm chung tay bưng đài Kim cang đến đón rước hành giả, hết lòng tán thán khuyến tấn tâm mình, liền được vãng sinh. Còn cõi Đâu-suất không có hai vị Bồ-tát này, chỉ do sự nỗ lực để được sinh lên.

Kinh luận khuyên vãng sinh nhiều ít khác nhau: Đối với cõi Cực lạc trong các kinh đều tán thán, trong các luận đều khuyên vãng sinh, còn đối với cõi Đâu-suất không những trong kinh ít tán thán mà trong luận cũng ít khuyên sinh lên.

Xét các Đại đức xưa nay, hướng về nhiều ít khác nhau: Đối với cõi Cực lạc các bậc đại trí, danh tăng từ thời thượng cổ đến nay hướng về đó rất nhiều, cón đối với cõi Đâu-suất, các bậc đại đức từ thời thượng cổ đến nay nguyện sinh lên thì ít.

Do nghĩa này nên vãng sinh Tây phương thì dễ, còn sinh lên Đâu-suất thì hơi khó vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

%d bloggers like this: