Site Overlay

Toa chế thuốc hoàn tiêu đờm chữa ho

Do Ngài Đức Sâm ghi thêm

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tục Biên quyển Hạ, phần III

Cách chế tạo:

Dùng Kinh Giới, Cát Cánh, Tử Uyển, Bách Bộ, Bạch Tiền, Trần Bì, Tang Bạch Bì, Cam Thảo[1], mỗi thứ một lạng, đều để tươi nghiền nát thành bột mịn, lại thêm vào hai lạng hạt củ giền[2] tươi để nghiền. Lại dùng một lượng lá Tỳ Bà[3] nấu nước để lọc nước cốt hạt củ giền, rồi thêm vào hai lạng nước cốt củ giền tươi, hòa [chất bột của những thứ thuốc nói trên] với nước cốt củ giền vò thành hoàn, thêm vào hai hay ba lạng bách luyện mật[4] nữa là được. Mỗi hoàn nặng hai tiền năm phân[5].

Cách uống:

Dùng nước sôi để chiêu thuốc, mỗi lần uống một hoàn, trẻ nhỏ thì giảm xuống một nửa. Mỗi ngày sáng dậy lúc chưa ăn gì và lúc tối sắp đi ngủ, uống mỗi lúc một lần.

Bài thuốc này vốn trích từ sách Y Học Tâm Ngộ Nghiệm Phương Tân Biên nhưng thiếu Trần Bì, Cam Thảo. Hơn nữa, mỗi thứ đều sao rồi mới chế thuốc, uống vào sợ rằng gây khô háo[6], nay thêm vào Tang Bạch Bì, và lại dùng lá Tỳ Bà, hạt củ giền, nước cốt củ giền, vò thành hoàn. Các thứ thuốc đều nghiền tươi. Từ đấy áp dụng không ai chẳng công hiệu, phong – hàn – đàm – nhiệt đều thích hợp! Nhiếp Vân Đài ghi.

Tôi bị trúng gió ho húng hắng, xin được từ chỗ cư sĩ Vân Đài mười mấy hoàn, uống mấy hoàn liền khỏi bệnh. Những hoàn thuốc còn lại cùng với số xin thêm từ Tam Lạc Xã đem gởi tặng cho người khác, họ đều khen là linh nghiệm. [Do vậy] đặc biệt ghi thêm toa thuốc vào đây. Nguyện người đọc dựa theo toa chế thuốc nhằm tạo tiện lợi cho người khác thì công đức vô lượng. Đức Sâm ghi thêm.


[1] Kinh giới (Schizonepeta Tenuifolia) là một loại rau thơm thuộc họ Bạc Hà, có vị hơi the, thường được dùng như rau thơm ăn chung với rau muống chẻ, nhất là khi ăn bún riêu! Cây này được dùng rất phổ biến trong các bài thuốc Nam để chữa ho, cảm lạnh, xông hơi v.v…

Cát Cánh (Balloon Flower – Platycodon grandiflorus) là một loại thân thực vật, hoa màu từ tím đậm đến nhạt, hình như hoa loa kèn, có năm cánh, ta thường gọi là Hoa Chuông Tím, thân có chất nhựa thơm dịu.

Tử Uyển (Tatarian Astert – Asteris Radix) thuộc họ Cúc, thân ngầm. Bộ phận chính để làm thuốc là phần thân ngầm và rễ, có vị ngọt đắng và thơm nhẹ, chủ yếu dùng để trừ đàm trong Đông Y.

Bách Bộ (Stemona Root – Radix Stemonae) là một loại thực vật lá to, bóng mượt nhưng hẹp và dài, mọc rất chậm nên còn gọi là Mạn Sanh Bách Bộ, phần để làm thuốc chính là phần thân ngầm của nó.

Bạch Tiền (Willowleaf Swallowwort – Cynanchum stauntonii) là một loài thực vật có thân hình trụ dài, cành thường cong quẹo, có màu trắng ngả vàng hoặc vàng nâu, phần để làm thuốc chính là phần thân ngầm và rễ.

Trần Bì: Vỏ cam hay quýt.

Tang Bạch Bì: Chất vỏ trắng lấy từ rễ cây dâu tằm (Mulberry tree).

[2] Nguyên văn La Bặc. Theo từ điển Hán Việt, chữ La Bặc thường dịch là củ cải trắng; thế nhưng theo Wikipedia phiên bản tiếng Hán, chúng tôi thấy chữ La Bặc được dùng để chỉ ba loại khác nhau: Bạch La Bặc (củ cải trắng), Thanh La Bặc (củ su hào) và Anh Đào La Bặc (củ radish, ta thường gọi là củ giền, hay củ La Đì). Do trong đoạn dưới ông Nhiếp Vân Đài nói dùng La Bặc để giảm tính khô nóng của các vị thuốc nên chúng tôi dịch là củ Radish vì củ cải trắng quá hàn và hạt củ cải trắng lẫn hạt su hào đều có chất độc có thể gây chết người, có lẽ không thích hợp để chữa bệnh ho.

[3] Tỳ Bà (Japanese plum, Loquat – Eriobotrya Japonica), còn gọi là Lô Quất, thường thấy ở Trung Hoa và Nhật Bản, là một loại cây thân mộc, xanh tươi quanh năm, lá to xanh thẫm, bóng mướt, mặt dưới lá nâu nhạt, thuôn dài như hình dáng giống thân đàn tỳ bà, hoa có mùi thơm ngọt, năm cánh, sắc trắng. Trái có hình bầu dục hoặc thuôn như trái lê, mọc thành chùm, dày đặc, sớ thịt của trái Tỳ Bà hơi giống thịt trái lê, có vị ngọt nhẹ, hơi chua.

[4] Bách Luyện Mật: Mật ong được đun sôi riu riu cho bốc hơi bớt chất nước, nhằm cô đặc lại.

[5] Một Tiền 3,73 gram, một Tiền gồm 10 Phân. Như vậy, hai Tiền năm Phân là 2,5 x 3,73 gr = 9,325 gram.

[6] Nguyên văn là Táo, ý nói người bệnh uống vào cảm thấy nóng, bức rức, uống nhiều nước vẫn thấy khát, ta thường gọi là “khô háo”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

%d bloggers like this: