Quy củ Phật Thất của Tổ Ấn Quang
Chúng con xin cung kính trích trong
– AQVS Tục Biên, quyển Thượng – phần 1: Thư từ – thư 91 cư sĩ Hứa Huệ Phảng (1933)
Nếu sinh kế trong gia đình dư dả thì có thể đến núi Linh Nham dự một Phật thất, hoặc thỉnh mười lăm, hai mươi, ba mươi người đều được. Linh Nham là chỗ sốt sắng tu hành bậc nhất trong vùng Giang – Chiết, niệm Phật quanh năm giống như lối đả Phật thất thông thường1. Có thí chủ mời bao nhiêu người đả thất thì vẫn niệm Phật theo lệ thường, chẳng qua là đối trước Phật, đối trước bài vị, hồi hướng thêm ba lần mà thôi. Bất luận đả thất hay không đả thất, đều niệm giống hệt như nhau, chẳng qua là thỉnh bao nhiêu đó người thì sẽ được công đức của bấy nhiêu đó người! Hiện thời, Niệm Phật Đường có hơn ba mươi người. Nếu đả thất sẽ lập một bài vị Cởi Gỡ Oán Kết2 bằng giấy, ngày Phật thất viên mãn sẽ đốt đi. Nếu chính mình lập một bài vị “trường sanh lộc vị” thì làm một bài vị bằng gỗ, thờ vĩnh viễn trong Niệm Phật Đường thì thêm năm mươi đồng. Nếu không làm thì cứ tính mỗi người là mười đồng. Như mười lăm người thì là một trăm năm mươi đồng; ba mươi người là ba trăm đồng. Đây chẳng phải vì Linh Nham mà tổ chức Phật Thất; mà là do bệnh tình ông trầm trọng nên chẳng ngại gì mà nói đến biện pháp này. Ông hãy tự châm chước, nếu không có sức, chớ nên miễn cưỡng!
Các mẫu sớ của Pháp Hội Niệm Phật
- Poster 18 x 24 (inches) quy định chung: word, pdf
- 8.5 x 11 màu đỏ, sớ cầu an cho các vị liên hữu hôn mê nguy kịch: word, pdf
- 8.5 x 11 màu hồng, sớ cầu an tinh tấn cho các vị chuyên tu Tịnh Độ: word, pdf
- 8.5 x 11 màu cam, sớ cầu siêu cho oán thân trái chủ (Dương thượng là chỗ ghi tên người đại diện): word, pdf
- 8.5 x 11 màu vàng, sớ cầu siêu cho thân nhân xa gần: word, pdf
Xếp sớ theo chiều dọc, phần giữa hơi lớn hơn 2 bên một chút. 2 bên được gấp ra sau để phần giữa hiện ra trước. Ở trên đầu, có thể gấp 2 vạt 2 bên ra sau để thành hình nóc tháp.
Tam thời hệ niệm
Bản gốc có thể xem ở:
https://tinhtong.org/main/taiLieu/kinh-PDF/phuTro/TTHN_ver3_5-17_Final.pdf
Thời 1.1
Thế giới duyên gì tên Cực Lạc?
Chỉ vì các khổ chẳng hề xâm,
Nẻo về nếu muốn tìm cho được,
Hãy đối trần lao liễu tự tâm.
Tánh chất óng ánh của vàng, mát mẻ của nước không hề sai biệt ở khắp nơi Đông, Tây dẫu cách xa vạn dặm.
Khả năng giác ngộ của phàm Thánh đồng nhau không khác qua mọi thời gian, không gian.
Mặt trăng trong mát, hễ chỗ nào có nước đều hiện bóng.
Tánh giác ngộ uyên nguyên, hễ chỗ nào có tâm đều hiển hiện
Nhờ sức niệm Phật dũng mãnh của năm lực tín, tấn, niệm, định, huệ của một câu hồng danh A Di Đà Phật mà phá tan ngã chấp và pháp chấp
Nghĩ suy mãi không cùng, chi bằng niệm một câu niệm Phật sẽ thấy ngay lối về
Nói cho cùng thì Phật nào phải ngoài tâm, phân minh chỉ ngay trước mắt
Được như vậy thì chẳng phải là “Đích thân được Phật thọ ký hay sao?”
Thời 1.2
Các khổ đều từ tham dục khởi,
Từ đâu dục khởi biết chăng là?
Do quên tự tánh Di Đà Phật,
Dị niệm lăng xăng trọn hóa ma.
Trong giáo pháp có nói: “Sanh nhưng vô sanh, Pháp tánh lặng trong, vô sanh mà sanh”. Sanh chính là dấu vết sanh diệt của chúng sanh. Vô sanh chính là tâm tánh tịch diệt của chư Phật. Pháp tánh chính là tánh lặng lẽ nhưng tỏ rõ, không gì không có, huyền diệu chân thường mà ai nấy đều có đủ sẵn. Chỉ vì một tích tắc động tâm, tưởng vọng là chân, khởi lòng tham luyến, mê mất bản thân, chạy theo vật ngoài, vọng chìm trong vọng, từ nghiệp sanh nghiệp, lưới nghiệp quấn trói, lưu chuyển các đường, thăng trầm sanh tử, từ xưa đến nay, chưa hề ra khỏi.
Nên biết: sanh phải nhờ duyên sanh, nhưng Pháp tánh thì không. Tử cũng tại vì duyên diệt, và Pháp tánh cũng chẳng diệt theo duyên. Do vậy mới nói: Pháp tánh là tự nhiên. Đó chính là ý nghĩa của “sanh mà vô sanh”. Vô sanh mà sanh là vì chúng sanh mê vọng nhập tâm lầm thấy sanh diệt.
Pháp tánh về bản thể giống như gương sáng không tỳ vết, ánh sáng của gương vốn thanh tịnh, soi rõ cảnh vật, chẳng sai chạy, đến, đi, hiện, ẩn như nhân quả phân minh. Do vậy, trong sự sanh diệt rành rành, chư Phật chỉ thấy vô sanh. Trong vô sanh tự nhiên, chúng sanh chỉ thấy sanh, diệt. Đó cũng bởi mê-ngộ sai khác đến nỗi hiện lượng khác nhau, chứ thật ra: Sanh không có tự tánh, vô sanh cũng không có tự tánh. Hễ ngộ thì sanh diệt đều là vô sanh, còn mê thì vô sanh đều thành sanh diệt. Do vậy, lìa khỏi cái này không còn gì khác, đấy chỉ là một thể mà tên gọi khác nhau.
Xét như vậy, A Di Đà Phật chính là tâm ta, tâm ta chính là A Di Đà Phật. Tịnh Độ chính là phương này, phương này chính là Tịnh Độ. Đó chẳng phải do mê ngộ nên tự khác nhau sao? Nào có Thánh- phàm sai biệt! Vậy nên hiện tiền đại chúng, hãy đem A Di Đà Phật nơi tự tánh cùng với cái lưỡi của đại chúng, cùng nhau xoay chuyển rộng khắp muôn loài vạn vật.
Sanh diệt vô sanh, sanh chẳng sanh,
Cực Lạc sanh về há cấm ngăn?
Hồng trần muôn trượng nào ai biết:
Búp sen xòe nở rạng trăng thanh.
Thời 1.3
Bản thân ai nấy vốn sẵn Di Đà, trong tâm mỗi người đều là Tịnh Độ. Hiểu thì thời thời thấy Phật, ngộ thì bước bước Tây Phương. Nhưng nếu muốn nhập vào cảnh giới Tịnh Độ thì cũng phải chí tâm sám hối phát nguyện:
Kể từ vô thỉ cho đến đời này, một niệm trái nghịch chân, sáu căn đuổi theo vọng, theo tình tạo nghiệp, buông lung cái Ngã làm quấy.
Thân nghiệp thì giết, trộm, tà dâm.
Lỗi nơi miệng là nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói thô ác.
Ý ác thì thường nổi tham – sân, sanh lòng yêu mến si mê sâu xa. Do ba nghiệp này, vọng duyên lôi trói, thường chìm lỉm trong trần lao, chỉ mờ mịt cùng năm tháng.
Nghĩ muốn thoát lìa lưới nghiệp, chỉ có cách nhờ vào sức huân tu sám hối. Mong những tội lỗi nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ngay lập tức nhanh chóng tiêu tan; khiến cho phù trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ngay lập tức thanh tịnh.
Lại cầu sanh Cực Lạc, hoàn toàn nhờ vào phát nguyện. Ngưỡng mong toàn thể đại chúng, khác miệng cùng âm, kính vì chư vong linh… chí tâm sám hối phát nguyện.
Thời 1.4
Hễ ai đầy đủ tín hạnh nghuyện đều được vãng sanh. Tín – Hạnh – Nguyện ba điều, như ba chân của cái đảnh, chẳng thể thiếu một.
Tin là tin có Tây Phương Tịnh Độ, tin có chuyện A Di Đà Phật nhiếp thủ chúng sanh. Tin rằng chúng ta và chúng sanh có phần được vãng sanh.
Dù nói là Di Đà nhiếp thủ chúng sanh vãng sanh, phải tin đấy chỉ là tùy tâm tự hiện, cảm ứng đạo giao, rốt ráo chẳng phải do từ bên ngoài mà có. Tin như thế mới là chân tín.
Hạnh thì như kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai”.
Kinh A Di Đà nói: “Một khi nghe nói đến A Di Đà Phật, liền chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn.
Người ấy lúc mạng chung, A Di Đà Phật và các thánh chúng hiện ở đằng trước. Người ấy khi mạng chung, tâm không điên đảo, liền được sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà”. Hành như thế thì gọi là Chánh Hạnh.
Nguyện thì phải tương ứng với bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, phải tương ứng với từng nguyện một. Đấy là đại nguyện vậy.
Tín – Hạnh – Nguyện: Nguyên là chính mình vốn sẵn đủ. Tánh đức sẵn có như thế, nay chỉ là quang minh của bổn tánh tỏ lộ mà thôi.
Thời 2.1
Dẫu về thành Phật bữa nay,
Lạc bang hóa chủ chê bai trễ rồi!
Muốn còn bàn luận khơi khơi,
Luân hồi giữ mãi biết đời nào ra!
Vốn trọn khắp mười phương là thế giới Cực Lạc. Muôn sự, vạn vật đều biểu hiện ánh quang minh của A Di Đà Phật. Tự mình không thâm nhập, thâm nhập liền được. Tay vàng đêm ngày thường rủ, chỉ đợi mình quyết tâm.
Bạch ngọc hào quang xưa nay chẳng tối, toàn nhờ vào Tín – Hạnh – Nguyện gánh vác. Vì thế mới nói: Muôn pháp là tâm quang, các duyên chỉ do tánh chiếu rạng, vốn không có kẻ mê, người ngộ, chỉ cần ngày nay liễu giải.
Thời 2.2
Tâm này là Phật đem tâm niệm,
Niệm đến tâm không, Phật cũng không,
Thõng tay quay về lại kiểm điểm,
Hoa chen trắng đỏ lẫn xanh vàng.
Trong giáo pháp đã dạy: “Luận về tâm, Phật cũng thế; luận về Phật, chúng sanh cũng thế. Tâm, Phật và chúng sanh là ba thứ không sai biệt”.
Nói đến tâm thì tâm có nhiều thứ, như: Nhục đoàn tâm (quả tim thịt) [tức quả tim] hiện đang ở trong cái thân do huyết khí cha mẹ sanh ra chính là cái tâm ấy.
Hoặc Duyên Lự Tâm, tức cái tâm nay đang phân biệt mọi thứ cảnh giới thiện ác, thuận nghịch vậy.
Còn Linh Tri Tâm chứa đựng ngàn thứ sai khác nhưng chẳng loạn, trải khắp ba đời nhưng chẳng đổi dời. Riêng chiếu rạng ngời, đứng riêng không hòa lẫn. Nơi Thánh chẳng tăng, nơi phàm không giảm. Chư Phật ngộ rồi, giả gọi là duy tâm. Chúng sanh mê nên thành vọng thức.
Do vậy, Phật chính là chúng sanh, chúng sanh chính là Phật, nhưng ngoài tâm không Phật, cũng không có chúng sanh. Chỉ do mê hay ngộ mà có sai biệt. Vì thế, phàm – thánh sai khác, há biết tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ không sai biệt.
Nói chung, cõi Tây Phương Cực Lạc, đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp chẳng ngoài duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di Đà mà có được.
Xét như thế, nên nói: Lìa tâm, Phật, chúng sanh này ra, còn có chỗ thương lượng nào khác nữa hay không?
Thời 2.3
Từng nghe: Trống rỗng mà có tiếng đáp ứng, tịch nhưng không có tướng hình ảnh. Thế nhưng, hang dội tiếng vọng là tự nhiên, không bao giờ kêu mà chẳng đáp. Phật thân vô tác, không bao giờ gõ mà chẳng hiển bày.
Xin nguyện công huân Tam Thời Hệ Niệm thù thắng hôm nay, gieo vào trong biển đại nguyện của Như Lai, sanh ra công đức. Chuyên vì chư vong linh… rửa trừ nghiệp cấu, tăng trưởng thiện căn, bỏ báo duyên này, sanh về Tịnh Độ.
Thời 2.4
Với tâm chí thành sám hối cho quá khứ, phát nguyện cho tương lai, thực hiện đầy đủ như vậy như người đủ đôi mắt, được luôn sáng tỏ như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, đèn đóm. Nương theo ánh sáng chiếu tỏ mà thấy phân minh, hành giả mới hòng thấu hiểu nước Phật tại đây.
Do vậy, người niệm Phật nếu không phát nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, dẫu có công hạnh cũng trở thành đặt bày hư huyễn, vì không thuận theo Phật vậy. Nay các vong linh hãy biết ý này.
- Nguyên văn “phổ thông Phật thất”: Gọi như vậy để phân biệt với Tinh Tấn Phật Thất. Tinh Tấn Phật Thất là niệm Phật suốt 24 tiếng đồng hồ, ai mệt hoặc đuối sức cứ lui ra, khi nào khỏe sẽ lại theo đại chúng niệm Phật, nhưng không được viện cớ để trốn tránh, biếng nhác. Còn Phổ Thông Phật Thất chỉ chia một ngày thành sáu thời niệm Phật, có công khóa sáng tối, có định giờ cho đại chúng nghỉ ngơi. Khi đã nói đến Phật Thất là phải cử hành niệm Phật tối thiểu bảy ngày (Thất là bảy ngày, chứ không có nghĩa là cái nhà, cái thất như trong chữ Nhập Thất). Nếu chỉ niệm Phật một hai ngày, không thể gọi là Phật Thất được! Nếu như chỉ cử hành ba ngày hay một ngày, người Trung Hoa sẽ gọi là Phật tam, hoặc Phật nhất, hoặc chỉ gọi là Niệm Phật Cộng Tu.
- Đây là một bài vị viết “Phật Quang chú chiếu, phục vị tín chủ mỗ giải oán thích kết, hồi hướng siêu độ oán gia chi vị” (Phật Quang tưới gội, bài vị kính vì thí chủ… cởi gỡ oán kết, hồi hướng siêu độ cho oán gia).