Chúng con xin cung kính trích thêm trong
BẢO VƯƠNG TAM-MUỘI NIỆM PHẬT TRỰC CHỈ, QUYỂN HẠ
Khuyên Không Sát Sinh
Ngài tướng quốc Bùi Hưu từng viết bài tựa của sớ kinh Viên Giác có ý tóm tắt thế này: hễ thuộc loài có khí huyết thì tất có hiểu biết, hễ có hiểu biết thì tất đồng thể. Đó gọi là chân tịnh minh diệu, hư triệt linh thông, cao vót mà riêng còn. Do cái quán đó mà biết các loài bò bay máy động đến các loài siêu vi bé xíu và các loài có thân to lớn như sư tử, voi, rắn rít… cùng một diệu tâm viên giác của mười phương chư Phật, hư triệt linh thông, đồng một thể chân tịnh thì sao có thể phân biệt là hơn kém. Chúng sinh và Phật đã đồng nhau, thì người dù là loài chí linh há chẳng phải cùng với các loài ấy đồng một thể tánh, cùng bẩm chất là tứ đại, năm hành và đồng sinh sống trong khoảng trời đất này, như các loài chuột hoang, yến núi trên ứng với càn tượng giống như cả mặt trời mặt trăng, có thể giữ việc họa phước cho người, đâu không bằng người ư? Lý này đã rất sáng tỏ, bèn biết rằng người cùng loài vật có tính đồng thiên luân, đây kia đều không khác. Há lại ỷ mình một lúc đang thời mạnh bạo thừa lúc các loài kia yếu kém mà mặc tình giết hại sao? Lại các loài ấy có khác với người, chỉ vì từ vô thủy chúng có vọng tưởng quá nặng, bị nghiệp ác lôi kéo, nên mê mờ không biết không hay, thay hình đổi dạng thọ sinh làm loài khác, chứ không thể bảo rằng tâm thể có khác. Thể đã không khác lại cùng các loài ấy cùng ở trong sinh tử, cớ sao lại bảo nên chẻ xương lột da, thọc huyết lóc thịt, móc gan ruột… hoặc đem cân đo mua bán, nấu nướng trăm món đủ điều, mặc tình ăn nuốt. Chế biến đủ thức ngon, ăn uống thỏa thuê vừa miệng đầy bụng mà không hề đoái hoài lo sợ cái đau khổ nhiều kiếp ở ác đạo sắp tới, lầm lỗi lắm thay. Loài người tuy bảo là có hơn các giống vật ấy, đó là vì nghiệp báo quả dữ chưa đến đó thôi, đâu phải là thật sự hơn chúng. Huống chi các loài ấy khi nghiệp báo đã hết sẽ có loài lại sinh làm người, làm trời cũng có khi là chính các Thánh nhân, chư Phật, Bồ-tát thị hiện ra thân loài ấy. Ta vì bị mê chướng nên không biết mà thôi. Sao ta lại nỡ giết hại thân mạng rất quý trọng kia để thỏa mãn khoái khẩu trong chốc lát, chợt khi nghiệp báo làm người đã hết thì lại chịu thân còn thua các loài ấy. Sao lại bảo rằng thú vật là món ăn của loài người mà cho rằng nó không bằng ta. Huống lại từ kiếp xa xưa thân ta đồng loại với chúng, chúng đồng loại với ta. Trong các loài ấy biết đâu không phải cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè thân thuộc. Do vì hình thể thay đổi, tâm luôn mê mờ mù mịt nên không biết nhau, do đó mà dối bảo chúng là kém ta. Nay ta giết hại chúng để ăn thịt, tức là đã giết hại ông bà cha mẹ bà con thân thuộc của ta từ nhiều kiếp trước đây. Vả lại thân ta do tứ đại tạo nên thì cũng là giết hại thân tứ đại cũ của mình vậy.
Lại như Đức Phật có nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đời vị lai tất sẽ thành Phật, còn phải nên cúng dường, hầu hạ, tưởng như cha mẹ ruột, sao lại nhẫn tâm giết hại. Nếu giết đi thì cũng chính là giết Phật vị lai, đâu chẳng sợ ư? Than ôi người thời nay ưa giết hại, không biết nhân đời trước, trong lúc thân thiết thương yêu gặp phải hoàn cảnh trái ngang đã nhiều phen tạo bao ngang trái. Rồi từ thân thành oán, từ oán kết hận thù, oán thù chồng chất mãi lên nhau đời đời không mất. Do đó mà cùng sinh ra, cùng giết hại nhau, xoay vần mãi không thôi. Như nước triều kia hết lên rồi xuống, hết đầy rồi vơi, qua lại mãi không tự dứt được. Nghĩ về mình rồi xét kỹ chúng đâu chẳng đau xót lắm sao? Trong kinh Phạm Võng: “Đã cấm tự mình giết hại cho đến việc bảo người khác giết, giúp phương tiện, khen ngợi vui thích hoặc nguyền rủa trù ẻo… việc giết hại và các pháp nghiệp nhân duyên đều phải dứt hẳn. Đây là lời dạy rất nghiêm khắc chân thành của Phật vậy. Nếu ta không ngưng nghỉ mà cứ mãi ăn thịt lẫn nhau thì sẽ giúp những kẻ làm các việc ác như săn bắn bẫy rập câu lưới… càng thêm nhiều, khiến tất cả chúng sinh không nơi ẩn trốn. Khi chẳng may lọt vào tay người thì tất cả lông, cánh, vảy, mai… đều bị vặt sạch, lột trụi, tiếng kêu la rên siết inh ỏi chưa dứt mà chúng đã bị ăn nuốt rồi. Hoặc đem trao đổi mua bán các vật khác để nuôi thân, đâu không biết rằng tất cả loài vật đều biết ham sống sợ chết giống y như ta. Nếu ai biết rõ đó là những thân nhân từ nhiều đời trước mà bỏ hẳn nghiệp giết hại thì chính là kẻ hiếu đạo hoàn toàn. Kinh nói rằng hiếu tức là giới, tức cấm sát sinh là hiếu vậy. Vả lại các loài vật ấy đủ tánh biết trước nhưng vì tránh không đúng lúc, trốn chẳng đúng nơi. Huống lại trời đất bao la cũng phải tự tìm chỗ để kiếm sống, vì không thể tự nuôi sống được nên cả hai bên cùng phải gặp nhau, nên nay phải lọt vào tay người, ấy là vì nhân kiếp trước nên không trốn thoát được. Nhân ở kiếp trước đã không thể trốn thoát thì nhân ở đời nay tự mình phải suy xét kỹ lưỡng để tránh mọi đau khổ. Nếu như không ngăn cấm thì nghiệp giết hại giữa hai bên sẽ lôi kéo xoay vần đổi chỗ cho nhau, đâu thể trốn đi được. Kinh nói: Giả sử trải cả trăm ngàn kiếp, thì nghiệp tạo ra kia vẫn không mất, đến khi nhân duyên gặp nhau thì tất phải gánh lấy quả báo ấy, đâu phải lời nói suông. Cho nên đức Thế Tôn, đấng Tịnh giác hoàn toàn của chúng ta, hóa hiện ra tướng người ở trong các pháp hội đều khuyên dạy giới sát này, đinh ninh khuyến cáo răn cấm đến nhiều lần. Vả lại lấy giới sát này làm đầu, trong các phạm hạnh thì đều rất là nghiêm khắc. Lại còn thị hiện việc vua Lưu Ly tàn sát giòng họ Thích, Đức Phật cũng bị đau đầu và bị báo kim thương là để làm gương cho đời. Đó là vì muốn người biết việc nhân quả khó tránh thoát để cùng ngăn cấm việc giết hại, khá chẳng tin sao. Có kẻ bảo Phật không có việc đó nhưng vì chúng sinh mà thị hiện ra việc này, thì Thánh nhân có lỗi lừa dối người. Phật đã không có lỗi thì việc này đâu lại chẳng phải sự thật. Đã là sự thật mà Đức Phật còn phải chịu như thế huống là loài người chúng ta, cho nên biết rõ cái lý của Sự báo đền như bóng theo hình. Lại như người đời trong cuộc sống ngay cả đối với bạn thân chỉ cần một lời sơ suất trái ý nhau hoặc bội bạc điều gì, còn oán hận suốt đời cho đến chết, huống lại banh thây xé thịt ăn uống no say, thù hận đó dễ quên được sao. Vả như sách thế tục còn dạy không nên bao vây, không tấn công thình lình, chỉ câu mà không lưới, săn bắn mà không bắn ban đêm. Lại dạy khi nghe tiếng kêu la mà không nỡ ăn thịt… cũng giống như ba tạng tiệm giáo của Phật cũng nói là cho ăn ba thứ tịnh nhục. Tuy không bằng Đại thừa phương đẳng ngưng hết nghiệp sát thì dần dần cũng dừng cả việc sát hại. Dần dần ngưng việc giết hại còn có chí đức và loài cầm thú ngợi khen. Huống là ăn uống chay tịnh, mặc sô gai, lòng chuyên việc từ bi nhẫn nhịn, không hề đối xử tàn bạo với một vật nào khiến chúng đều sống an ổn. Há chẳng phải là đức hoá vô biên đáng khen ngợi ư?
Vả như người xưa còn không hề chịu được việc để xương khô phơi ngoài sương nắng, dẫu xương khô, nào có biết gì mà lòng còn bất nhẫn đành phải đem chôn lấp kín đáo thay. Huống là vật có mạng sống, có máu thịt đồng tánh linh mà có thể giết để ăn thịt được sao? Lão tử có nói: “Săn bắn dọc ngang khiến lòng người phát cuồng.” Lại nói bắn chim rượt đuổi muôn thú, phát quang làm kinh sợ muôn thú, mặc tình giết hại, vô cớ phanh thây nấu nướng, cho đến đi đứng nằm ngồi đều tàn hại sinh vật. Trong khoảng trời đất có quan tra xét, thừa lệnh đức hiếu sinh của Thượng đế, tùy tội nặng nhẹ đều ghi chép kỹ càng, một sợi tóc cũng không sót, khiến kẻ gây tội phải bị giảm tuổi thọ và chiêu cảm các điều trái ý. Đến khi chết phải bị đọa vào địa ngục chịu mọi thứ khổ hình như núi dao rừng kiếm, chặt xả nấu ram, kéo ruột móc phổi, lột da ăn thịt, chẻ xương nạo tủy, đập đầu móc mắt, thiêu đốt tay chân, ở khắp các địa ngục lớn không nơi nào là không trải qua. Quét đá mòn thành bụi thì cũng không thể lấy thời gian dài lâu đó mà dụ cho số năm ở trong địa ngục được. Dẫu cho khi nghiệp báo trong các ngục lớn đã hết thì lại phải đọa làm loài ngạ quỷ cả trăm ngàn kiếp, rồi lại đọa làm loài súc sinh cũng với số kiếp ngần ấy. Trong loài súc sinh thì giết một mạng sẽ báo đền một mạng. Nhưng nếu tâm sát quá nặng thì giết một sẽ có báo gấp ngàn vạn lần cho đến vô tận mới gặp lại người cùng ta giết nhau như trước đã gặp để hoặc giết hoặc ăn hầu đền trả cái nợ đời trước, dù mảy may cũng không sai sót. Nếu như kiếp trước có chút ít lành, nay được sinh làm người thì vẫn phải chịu đời đời nghèo hèn cùng khổ, cô quả, nhiều bệnh, chết yểu, điên khùng thất chí, đui điếc câm ngọng, ghẻ lở, ung thư, máu mủ… trăm ngàn khổ não, vướng víu đầy thân, tất cả bao nhiêu cảnh oán thù đều tập họp trên người, bà con thân tộc đều lánh xa bỏ rơi không thể chịu đựng nổi. Đây là do nghiệp sát đã quá sâu dày cho nên phải gánh chịu các khổ cùng cực đến thế. Ấy là lấy từ thiên sách dạy giới sát của Tử Đồng đế quân. Kinh Thư cũng nói: Ai làm ác thì cả trăm tai họa sẽ giáng xuống đầu, chẳng phải thế sao? Vả lại dầu khác loài cũng có nhân tâm, đúng lý đâu nên giết. Có lễ hiếu hạnh thì như dê con còn biết quỳ xuống cho dê cha mẹ bú, quạ hiền biết đút mồi nuôi cha mẹ. Còn về trung nghĩa thì như loài giải trại bất khuất, loài chó Hồ biết bảo vệ chủ. Loài ong kiến còn có chúa có tôi, loài uyên ương thì chỉ một vợ một chồng, loài chim nhạn khi bay thì biết nhường anh em, kêu gọi bạn bè… xem các loài quần sinh như thế thì có khác chi người. Loài người tuy là vật chí linh nhưng nhiều kẻ suy ra lòng thương xót đồng loại lại không bằng cả loài hàm thức, lại đi giết chúng mà ăn uống để nuôi sống riêng mình. Như thế mà đáng gọi là chí linh, là nhân từ được sao?
Lại quan Lục Tuyên (Hoàn) đại phu hỏi Ngài Nam Tuyền rằng: “Đệ tử nên ăn thịt hay không nên ăn?” Ngài Nam Tuyền đáp: “Hễ ăn thì là lộc của đại phu mà không ăn thì là phước của đại phu.” nghĩa đã khá rõ. Dầu kẻ thế tục ở đời có thiết tiệc đãi khách hoặc gặp khi thiết lễ cúng tế đâu không thể dùng các thứ rong rau quả, phần đông dâng cúng các vật ngon cho nghi thức này thì phải bảo toàn đạo trai giới.
Lại như kinh có nói thuở xưa có con một người đồ tể muốn xin đi xuất gia vì không thích sát sinh. Người cha đưa dao và dê cho đứa con rồi đóng kín cửa lại bảo: “Nếu mày không giết dê thì cứ giết mày.” Thế là người con tự sát. Do công đức ấy nên người con được sinh lên trời hưởng khoái lạc trong nhiều kiếp. Thế mới biết người không sát sinh đã được sinh vào chỗ tốt, thân được sung sướng mà đời đời lại được báo sống lâu, lại hay để đức cho con cháu nhiều đời. Nhưng hiện nay Phật pháp sắp diệt như chín đảnh to treo sợi chỉ mành, phần lớn có nhiều đệ tử Phật không thể hiện được đức Từ bi của Phật, ăn uống vô độ. Thấy người chay tịnh thì chê là Tiểu thừa, là ma đầu, thậm chí có lúc còn sánh với trâu dê ngỗng lợn. Hạng người này tâm quá độc ác, trăm điều ngụy biện để che dấu tội lỗi của mình. Đám ác nhân này thần Thánh thấy đều giận ghét, bảo đó là đám quỷ La-sát ăn thịt người. Thật ra đám quỷ kia còn thật thà ngay thẳng hơn hạng người ấy nhiều. Rõ ràng đây là điềm Phật pháp sắp diệt mất không thể không biết. Còn như ông Tử Sản còn phát hiện được việc cá biết than thở, vua Tề bất nhẫn khen đó là lời không gây thương tổn cho thuật nhân, còn ông Đái Ký thì chê việc giết thú là bất hiếu. Có kẻ thư sinh nhân cứu bầy kiến mà được đỗ khoa cao, cho nên biết việc giết hại và không giết hại thì chiêu lấy những tổn hại và ích lợi rất rõ ràng. Huống cho bọn ta tứ chúng đệ tử Phật lại làm nghiệp sát hay sao? Kinh Lăng-nghiêm có nói vì người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết làm dê, đây đền mạng cho kia, kia phải trả nợ cho đây. Do nhân duyên đó mà trải suốt trăm ngàn kiếp luôn ở mãi trong sinh tử. Lại bảo rằng đời đời kiếp kiếp trở lại ăn thịt lẫn nhau, đồng tạo ác nghiệp cùng tận đến hết cả bờ mé vị lai cũng chưa dứt. Kinh Pháp Hoa nói những kẻ săn bắn, lưới cá vì lợi mà giết hại, mua bán thịt cá để nuôi sống, chớ nên gần gũi họ. Lại có kệ rằng nếu khi muốn sát sinh, hãy tự quán thân mình. Thân mình không nên giết, mạng vật có khác chi? Những lời dạy chân thành tha thiết này há chẳng đúng thật ư? Có kẻ tà kiến bảo rằng các loài chúng sinh kia chỉ vọng sống vọng chết, tội phước vốn không, giết đi chẳng có quả báo gì, vậy sao lại không bảo bọn ta cũng vọng cầu vọng ăn, mùi vị ở lưỡi vốn không, ăn chỉ vô ích. Chính đây là do tâm tham gây ra, đâu không có báo cảnh. Nếu bảo rằng loại này không ăn thì dùng để làm gì. Như vậy rắn rít bọ cạp đều là vô dụng sao không ăn nuốt đi. Những việc nêu trên chính là xét mình mà suy ra loài vật đều bình đẳng không nên giết hại thì ai nấy đều thật hành đạo nhân từ. Nay kẻ xuất gia chúng ta muốn tu pháp môn niệm Phật Tam-muội thì Tam nghiệp cần phải thanh tịnh, cởi bỏ hết mọi oán thù để sinh về cõi Tịnh độ, há không bỏ nghiệp giết hại để ăn uống, để đến lúc lâm chung phải bị tai chướng ư? Trong các đại tạng kinh đều rộng nêu các giáo chỉ của chư Phật, một lời trước sau đều không khác. Các lời khuyên dạy trong ba tạng Thánh giáo kinh luật luận đều rõ ràng, ghi chép đầy cả sách vở khó thể trích dẫn hết được. Chỉ mong cả pháp giới chúng sinh khi nghe hiểu nghĩa thú này thì thể đạo hiếu sinh, đồng lên bậc nhân thọ, đều sống trọn hết tuổi trời, tránh khỏi hết các oán kết, lại hay đúng pháp khuyên dạy người, hoàn thành đầy đủ đạo từ bi cứu khổ của Thánh nhân, khiến mình và người đều chứng được từ tâm, quyết cùng tạo nên cõi Liên hoa, đồng thành quả chánh giác vậy.