Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2
376. Thư trả lời cư sĩ Trác Trí Lập (thư thứ ba)
Trong kinh Kim Cang thường nói: “Nếu có thiện nam tín nữ thọ trì kinh này cho đến bốn câu kệ v.v…” ấy chính là nói thiện nam tín nữ trì kinh hoặc một quyển, hoặc nửa quyển, cho đến tối thiểu là bốn câu, ba câu, hai câu, một câu đều được, bởi trước hết nói “thọ trì kinh này” rồi sau đó nói “cho đến”, rồi nói “vân vân”. Nếu chỉ nói một mình chữ “kệ” thì mới nên hiểu là kinh dạy “thọ trì bốn câu kệ nào đó trong kinh này”, chứ chẳng nên trước hết nói “thọ trì kinh này”, sau đó lại nói “cho đến” rồi “vân vân”. “Cho đến” chính là từ ngữ diễn tả ý lược bớt, “vân vân” là từ ngữ để diễn tả ý chỉ liệt kê tượng trưng. Người đời chẳng hiểu “[toàn bộ] ý nghĩa rốt ráo được dạy trong kinh chính là ‘một kệ’”, chứ không phải là [chữ “kệ” được nói trong câu kinh Kim Cang này] chuyên chỉ loại kệ tụng giống như thơ [trong kinh]. Trong Văn Sao, qua bài tựa sách Kim Cang Kinh Tuyến Thuyết và bài tựa sách Kim Cang Kinh Thứ Hỗ, tôi đều đã nói qua ý này; sao ông lại trọn chẳng biết mà còn hỏi tôi vậy?
Người đời chẳng khéo hiểu kinh văn nên chấp chết cứng [“bốn câu kệ”] là kệ tụng. Nếu vậy thì trọn bản kinh không có công đức, chỉ kệ tụng mới có công đức thôi sao? Kẻ mở banh mắt mà nói mớ chẳng biết là bao nhiêu, cũng đáng buồn lắm! Bốn câu kệ “sắc kiến, thanh cầu”1 nhằm khiến cho con người ngộ được lý “Pháp Thân Thật Tướng”, chứ nào phải dạy con người vứt bỏ chuyện tu trì các thứ pháp môn ư? Phần trước kinh chẳng nói như thế này hay sao? “Bồ Tát chẳng trụ vào Sắc mà bố thí, chẳng trụ vào Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà bố thí” ([Trong câu này, kinh chỉ nói đến] Bố Thí là chỉ nêu tượng trưng. Với lục độ vạn hạnh đều chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà hành, chứ không phải chỉ có mình Bố Thí mà thôi). Ấy chính là dạy Bố Thí chẳng trụ vào Sắc, Thanh v.v… cũng chẳng trụ vào Bố Thí để hành Bố Thí, chứ không phải là dạy con người chẳng hành Bố Thí, [ấy là] “làm mà chẳng trụ!” Kẻ tà kiến chẳng biết ý sâu này, hễ nghe lời phá chấp bèn bỏ thật hạnh, chẳng đáng buồn sao?