Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2
369. Thư trả lời cư sĩ Trí Chương
Tâm tánh của chúng sanh và tâm tánh của Phật không hai. Phật rốt ráo đoạn hết Phiền Hoặc nên được đại thọ dụng, pháp nào, chuyện nào cũng đều tự tại. Chúng sanh thì toàn thể trong mê, nên ngược ngạo dùng sức công đức của Phật tánh để làm cái gốc khởi Hoặc tạo nghiệp, chẳng đáng buồn ư? Dẫu có ai hiểu được nghĩa này, ý muốn trái trần hiệp giác, chí tâm niệm Phật, nhưng vì chỗ chín quá chín, chỗ sống quá sống, nên cũng chẳng dễ tương ứng với Phật! Nếu thân sa vào cảnh hoạn nạn, thật sự có thể một mực dốc lòng thành, không ai chẳng được cảm ứng ngay lập tức. Do khổ não bức bách, nhất tâm cầu cứu, hết thảy những tình kiến khác đều chẳng hiện tiền. Vì thế cảm ứng mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn!
Các pháp thế gian trọn không có tướng nhất định. Họa – phước dựa dẫm lẫn nhau, tổn hại hay lợi ích chỉ do con người tự chuốc lấy. Người khéo được lợi ích thì không gì chẳng có ích; kẻ cam chịu tổn hại thì không gì chẳng phải là tổn hại. Nếu ông có thể thường giữ được ý niệm “gặp nạn sắp chết [cho nên phải sốt sắng] niệm Phật” trong lòng, chắc chắn sẽ có thể vào lúc báo thân này sắp mất, giã biệt Sa Bà, cao đăng Cực Lạc, làm đệ tử của Phật Di Đà, làm bạn lành trong hải hội. Nguyện học trò tôi là Trí Chương thường giữ được cái tâm dè dặt kinh sợ để hòng chẳng phụ ơn Di Đà Thế Tôn một phen đại từ bi hiện thân cứu khổ thì may mắn lắm thay! (Tháng Tám năm Mậu Thìn – 1928)