Site Overlay

“Nghe” chính là pháp “nhiếp trọn sáu căn”

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2

307. Thư trả lời cư sĩ Bái Trúc (thư thứ ba)

Thượng Bân đau khổ vì là người tàn phế, nhưng mỗi ngày chỉ niệm Phật hai ba ngàn câu; cớ sao mong mỏi lớn lao mà tu tập lại nhỏ nhoi đến thế? Hãy nên thường niệm suốt ngày, sẽ tự có thể đi lại như người mạnh mẽ được. Nói đến chuyện niệm Phật có lắm vọng tưởng thì hãy nên nhất tâm niệm, lắng tai nghe kỹ từng chữ từng câu, đừng để luống qua, lâu ngày chầy tháng, tâm tự quy nhất. Đấy là pháp niệm Phật tuyệt diệu nhất. Chương Đại Thế Chí [Niệm Phật] Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. “Nghe” chính là pháp “nhiếp trọn sáu căn”. Pháp này bất luận người thượng trung hạ căn sử dụng đều có lợi, không có điều tệ. Phàm với hết thảy mọi người đều nên lấy chuyện “lắng nghe” để bảo ban. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không viết cặn kẽ (Ngày mồng Năm tháng Mười năm Giáp Tuất – 1934).

Tam-ma-địa (Samadhi) chính là tên khác của tam-muội, cõi này (Trung Hoa) dịch là Chánh Định hay Chánh Thọ; ý nói nhất tâm niệm Phật, chẳng bị ngoại cảnh lay động, chẳng bị tạp niệm xâm lấn. Vì thế, gọi là Chánh Định, Chánh Thọ.

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2

308. Thư trả lời cư sĩ Bái Trúc (thư thứ tư)

Tịnh Độ Ngũ Kinh chính là căn bản của pháp môn Niệm Phật, hãy nên tặng cho người thông hiểu văn lý, có tín tâm, biết cung kính. Đọc kỹ hai lời Tựa và một lời Bạt của Quang sẽ liền biết được duyên do của pháp môn Tịnh Độ; rồi đọc năm kinh ấy sẽ biết được pháp ấy rộng lớn, cao sâu, phàm lẫn thánh đều cùng hướng về. Niệm Phật vọng niệm nhiều thì hãy nên lắng tai nghe kỹ. Đức Đại Thế Chí nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” chính là ý này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *