Site Overlay

Toa trị bịnh cùi

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2

299. Thư trả lời cư sĩ Doãn Toàn Hiếu (thư thứ hai)

Còn bệnh cùi1 là bệnh từ xưa đến nay trong ngoài nước đều chẳng trị được (Chỉ có thể giảm nhẹ, chứ chẳng thể lành bệnh hoàn toàn). Năm Dân Quốc 21 (1932), một đệ tử là ông Bàng Tánh Tồn tìm được phương thuốc có thể trị lành bệnh hoàn toàn. Hiện thời các tỉnh đều có loại thuốc cao2 [chế theo toa thuốc ấy] để giúp người. [Toa thuốc ấy] được chép thêm vào cuối sách Sơ Cơ Tiên Đạo. Nói chung đã nêu lên cách chế biến, sử dụng thuốc, nhưng ít nói [cặn kẽ] về lúc sắc thuốc: Phải dùng một miếng ván dài, rộng hơn một hai tấc [làm đũa khuấy], phía dưới vát xéo góc [và miếng gỗ phải đủ dài] sao cho đụng đến đáy nồi. Phải thường cạo khuấy tới tận đáy để thuốc khỏi bị cháy khét dưới đáy nồi, mất công hiệu. Sắc thuốc liên tục sáu tiếng đồng hồ, bỏ bã (xác) thuốc. Lại đem nước thuốc cô đặc trong sáu tiếng đồng hồ nữa. Nếu chẳng cạo khuấy tận đáy, ắt thuốc sẽ đọng lại cháy khét ở đáy nồi. Thuốc này còn trị được bịnh phong thấp, chứ không phải chỉ bệnh cùi. [Chỉ dùng] một vị thuốc là cỏ Thương Nhĩ3, chẳng thêm một vị thuốc nào khác nữa! Nếu chẳng nhận biết được loại cỏ này thì vào mùa Hạ đến tiệm thuốc mua dăm hạt Thương Nhĩ cầm về, xem loại cỏ nào có hạt giống như loại hạt ấy thì nó chính là cỏ Thương Nhĩ. Tôi đã bảo chép toa thuốc này vào sau cuốn Niệm Phật Khẩn Từ (Ngày Ba Mươi tháng Mười)

  1. Thông thường, trong các tự điển chữ “đại ma phong” được dịch là “bệnh cùi”. Từ trước đến giờ chưa thấy tài liệu nào nói Trung Quốc chữa tuyệt căn bệnh cùi cũng như dược điển không ghi Thương Nhĩ chữa được căn bệnh nan y này, chỉ thấy Thương Nhĩ trị bệnh lác và các chứng lở loét ngoài da rất công hiệu. Chúng tôi đoán “đại ma phong” được nhắc đến ở đây chỉ là một chứng lở loét ngoài da hay bệnh lác.
  2. Nguyên văn “ngao cao” (熬膏), là một loại cao chế bằng cách ép dược liệu lấy nước, lọc xác, rồi cô đặc. Hoặc ngâm dược liệu vào rượu, đun liu riu cho đến khi dược chất tan hết vào rượu rồi cô đặc từ từ.
  3. Thương Nhĩ (tên khoa học là Xanthi Sibiricum), còn được gọi là Quyển Nhĩ, Tước Nhĩ, Địa Quỳ, Dương Phụ Lai, Đạo Nhân Đầu, Tiến Hiền Thái, Dã Gia v.v… là một loại thảo mộc thuộc họ Cúc, thường mọc hoang, trổ hoa vào khoảng giữa Hạ sang Thu, có trái hình trứng, khắp thân cây mọc đầy gai rất cứng. Loại thực vật này có chất độc, đôi khi có thể gây ra tử vong. Theo Đông Y, Thương Nhĩ tánh ôn, vị cay và đắng, có tác dụng đi vào kinh Phế, thường dùng để chữa phong thấp, đau đầu do cảm mạo, trừ các chứng ghẻ lở, ngứa ngáy, mụn nhọt, ù tai… Tuy thế, liều lượng sử dụng phải hết sức cẩn thận. Trong khoảng 1960-1962, tại Trung Quốc đã có 30.119 trường hợp bị ngộ độc, trong số đó có 405 người chết vì dùng Thương Nhĩ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *