Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2
265. Thư trả lời cư sĩ Trương Thự Tiêu (thư thứ tám)
Bao nhiêu kẻ thông minh trong thế gian đều bị lầm lạc bởi “chi, hồ, giả, dã”1, suốt đời chẳng được lợi ích thật sự. Cư sĩ kiếp trước đã gieo huệ căn, thật là khó được; nhưng do lắm tri nhiều kiến, đâm ra thành chướng ngại! Đã tin pháp môn Tịnh Độ, sao chẳng chết lòng tu tập pháp này mà lại tu những pháp Quán “xoay trở lại nghe nơi tánh Nghe, đếm hơi thở, duy thức” v.v… Các pháp ấy đều là pháp môn Đại Thừa, nhưng đều thuộc về tự lực, chẳng thể sánh bàn với lợi ích của pháp môn cậy vào Phật lực được! Nay đã phát tâm niệm Phật, hãy nên lấy “tâm tương ứng với Phật, lúc sống đạt được nhất tâm bất loạn, khi báo thân đã tận liền lên Thượng Phẩm cõi Cực Lạc” làm chí hướng, sự nghiệp, chẳng cần phải cầu đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
Tông môn chú trọng khai ngộ, Tịnh tông chú trọng vãng sanh. Kẻ khai ngộ mà chẳng được vãng sanh trong trăm người có đến chín mươi kẻ. Người vãng sanh mà chẳng khai ngộ thì trong vạn người chẳng có một ai. Chẳng hiểu đúng nghĩa này, chắc sẽ đến nỗi do cầu khai ngộ mà đâm ra chẳng chú trọng vãng sanh, lầm lẫn lớn lắm! Nay tu pháp môn Niệm Phật, hãy nên theo như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy, lòng Thành như con nhớ mẹ, tu thật hạnh “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nếu chết sạch được cái lòng mong ngóng thì nhất tâm bất loạn, Niệm Phật tam-muội sẽ liền có thể đạt được. Niệm Phật tam-muội là vua trong các tam-muội, đừng coi là dễ dàng! Dẫu chẳng đạt được ngay, vẫn chẳng cách xa cho lắm. Nhiếp trọn sáu căn là cách niệm Phật hay nhất. Lúc niệm, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, hãy thường nên lắng tai nghe kỹ. Điều này chính là gộp cả hai nghĩa “xoay cái Niệm để niệm nơi tự tánh” và “xoay cái Nghe lại để nghe nơi tự tánh” để cùng tu.
Xoay tánh Nghe chỉ thuộc về tự lực, xoay cái Niệm kiêm thêm Phật lực, lợi ích lớn lắm. Tâm niệm thuộc Ý, miệng niệm thuộc Thiệt, tai nghe thuộc Nhĩ, mí mắt rủ xuống chỉ thấy chót mũi, thì hai căn Nhãn và Tỵ cũng được nhiếp. Ngũ căn đã cùng gom vào một câu Phật hiệu, lẽ đâu Thân căn chẳng cung kính, nghiêm túc ư? Vì thế, biết “nhiếp trọn sáu căn” được thực hiện nơi Nghe. Nhiếp trọn được sáu căn thì tâm thức ngưng lặng, chẳng chao động, tán loạn nên gọi là “tịnh niệm” bởi lẽ sáu căn đã nhiếp, những niệm tạp vọng v.v… ngầm tiêu. Lại có thể thường giữ cho tịnh niệm liên tục chẳng bị gián đoạn thì sẽ liền đắc Niệm Phật tam-muội. Vì thế, [ngài Đại Thế Chí] nói tiếp: “Đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Đấy chính là giáo hóa của Đại Thế Chí Bồ Tát dành cho hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới, thật sự thích hợp khắp ba căn, chỉ có lợi ích, không có tệ hại. Nếu chịu y theo đó để tu, ắt sẽ đạt được lợi ích như Quán Hạnh, Tương Tự2, v.v…
- (之乎者也) là bốn hư tự (chữ đệm không có nghĩa lý gì) dùng trong Hán văn để âm vận câu văn được êm tai, réo rắt hơn, hoặc tăng thêm ngữ khí, hoặc dùng để nối kết các thành phần của một câu. Cho nên “chi, hồ, giả, dã” thường được dùng để chỉ những lời lẽ sáo rỗng, chẳng có nghĩa lý gì.
- Tức những thứ lợi ích theo khái niệm Lục Tức của tông Thiên Thai, Quán
Hạnh là do tu hành mà thấy được Phật Tánh, Tương Tự là đã chứng một phần Pháp Thân.