Nam mô Đa Bảo Như Lai
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát
The Lotus Sutra/ Kinh Pháp Hoa in English-Viet
Xin tùy hỷ tải về để livestream Pdf: Q1, Q2, Q3, Q4, Q5, Q6, Q7
BBC news and National Geographic documentary
Những điều nghiệm nho nhỏ
Kinh Pháp Hoa được mở đầu bằng Vô Lượng Nghĩa Xứ, ý nói kinh này có thể được diễn giải, ứng dụng theo nhiều trình độ, phương cách khác nhau mà vẫn không rời xa chân lý… Những lời luận bàn sau đây chỉ dựa trên một tầm nhìn căn bản cho tiện việc ứng dụng kinh Pháp Hoa trong đời sống của một người thường.
Ai cũng có ưu và khuyết điểm. Hãy tạo mọi cơ hội để ưu điểm của người khác được thành tựu. Tôi không vì tôi mà vì bạn, bạn không vì bạn mà vì tôi thì cả hai ta cùng thăng hoa vượt bực, hai ta cùng đang xây dựng thiên đàng. Ngược lại là hai ta cùng đang xây địa ngục.
Đạo đức con người là nền tảng ổn định xã hội. Đạo đức có khi không mua nổi một bát mì cho chính mình nhưng lại có thể mua hàng vạn bữa cơm no, áo ấm cho hàng vạn người khác. Khi đạo đức con người trong một xã hội không đủ để ổn định xã hội thì lúc bấy giờ mới cần đến pháp luật để ổn định xã hội. Phải trông chờ vào pháp luật để ổn định xã hội là đã quá trễ. Phải bảo tồn đạo đức con người ngay từ bây giờ
Hãy luôn luôn cố gắng hết mình khuyên bảo, chỉ bày cặn kẽ nhắc nhở những người bạn bè, ruột thịt thân thiết nhất của bạn khi những người đó xa dần đạo đức. Hãy bền bỉ, hãy đừng bao giờ bỏ rơi họ vì họ là những người thân nhất của bạn và họ nhất định sẽ trở thành người hữu dụng dựa trên nguyên tắc trên. Bạn không cần phải đấu tranh cho cái gì to tát hơn thế đâu. Hãy bắt đầu làm những việc nhỏ nhoi đó ngay từ trong vòng quen biết thân thiết của bạn.
Trong thế giới nhị nguyên này, không gì là tuyệt đối. Nhưng nếu bạn thấy điều gì đó là tuyệt đối thì chỉ nên áp dụng nó với chính bạn một cách tuyệt đối. Đừng bắt người khác làm theo cách của bạn. Ngay cả những điều mà tôi nói ra đây bạn cũng không cần phải làm theo. Hãy để tôi làm.
Khi một người đã nhận lỗi của mình, hãy tạo cho họ cơ hội để họ được trả về với tình trạng trước khi họ làm lỗi lầm đầu tiên. Không cần phải áp đặt những hình phạt nặng nề cho họ vì việc đó đã có nhân quả vận hành.
Khi bắt buộc phải nói về một người thứ 3 không có mặt trong cuộc nói chuyện, chỉ nên khen ngợi những gì tốt về họ. Chỉ nên phê bình trực tiếp với người đó khi ta thật sự muốn người đó trở nên hoàn thiện hơn. Nhưng đừng quá bận tâm nơi kết quả.
Phật pháp nằm trong tất cả pháp. Tất cả pháp nằm trong Phật pháp. Ngay cả ở trong những điều mà ta chưa từng nghe qua trong tam tạng kinh điển do một ác tri thức, mà ta cho là tà đạo tuyên thuyết cũng ẩn tàng Phật pháp. Vì vậy phải biết kính trọng và khéo học hỏi những điểm hay của mọi chúng sanh. Không phải bất cứ lời nói nào của một người bạn ác cũng đều không đáng học hỏi. Phải khéo chọn lọc.
Dưới con mắt phàm của chúng ta, chúng ta sẽ không thấy có ai luôn luôn hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy đừng giới hạn mình chỉ học nơi người mà mình cho là tuyệt đối vì bạn sẽ bơ vơ điên đảo khi bạn không cảm thấy người đó là tuyệt đối nữa. Không phải bất cứ lời nói của một người bạn hiền đều là chân lý. Phải khéo chọn lọc.
Khi đối trước một vấn đề cần phải giải quyết, hãy tập làm quen với cách giải quyết vấn đề dựa trên nguyên tắc thời gian vô lượng và không gian vô biên để giải quyết nó. Hãy đặt câu hỏi, nếu ta phải cho ra một giải pháp lâu dài cho hậu thế và giải pháp đó phải mang lại sự lợi ích cho tất cả mọi người, mọi loài mà ta đã từng hoặc chưa từng quen biết thì ta phải làm gì là hợp lý nhất. Sau đó hãy luôn nhớ thực hiện những mục tiêu đó trong một cách thế tương đối mà không để dính mắc vào kết quả cuối cùng. Đó chính là thuận theo trí tuệ tự nhiên. Khi có thể, đừng vội vã giải quyết vấn đề hay đưa ra một câu trả lời chắc nịch trước khi bạn áp dụng nguyên tắc này.
Trí huệ chư Phật là trí huệ tự nhiên. Tự nhiên và trung đạo không phải là con đường cứng nhắc. Nó uyển chuyển theo thời gian và không gian, hoàn cảnh. Nhưng khi con đường giữa (trung đạo) được vạch ra với tầm nhìn thời gian vô lượng và không gian vô biên thì con đường giữa đó sẽ được ổn định hơn.
Hãy chân thật với chính mình. Không chân thật với chính mình đồng nghĩa với không có lòng tin nơi chính mình, thì làm sao có thể có lòng tin nơi người, thì làm sao có thể nói có lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng thì làm sao tu thành Phật quả.
Những pháp thâm diệu, bí mật của chư Phật, khi người nghe chưa đúng căn cơ để được nghe thì ta phải nhẫn nại giúp cho người đó tu hành đạt được tới trình độ trước sau mới tuyên pháp đó, tất cả vì không muốn người đó bị tổn hại công đức chứ hoàn toàn không vì che giấu, tham tiếc trao pháp quý cho người. Hãy chân thật mà hành đạo như vậy.
Tu hành và sinh hoạt theo những nguyên tắc trên chính là bước đầu của thọ trì kinh Pháp Hoa.
Hoa sen nếu mọc lên từ tất cả
Giữa hư không, từ rốn Phật, từ bùn
Chính đó là Liên Hoa thơm tỏa
Của Pháp Hoa diệu lý không cùng
Vô thượng giác nếu thành từ mọi ngả
Từ Nam Tông, Tịnh Độ đến Mật Thừa
Chính đó là Pháp Hoa hành giả
Mười phương chư Phật thuyết ngàn xưa
Trích trong Bộ Pháp Hoa 2 trong daitangkinh.org
- Bồ tát thành tựu được 4 pháp sau thì mới được gọi là phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
- Tâm huyễn: có khả năng biết tất cả pháp (mọi thứ, mọi sự việc, chánh, tà, thiện ác) hoàn toàn không có gì cả nên phát tâm Bồ Đề
- Thành tựu pháp vô cấu: ở giữa oán và thân, tâm từ bi bình đẳng
- Bồ tát trì tịnh giới: xem vật không oán thân, bình đẳng với quần sanh, người thấy không sợ hãi
- Phải nhẫn nhục vững chắc: Sức nhẫn nhục tối thượng, không hạnh nào qua được. Tất cả các công đức, đều trong hạnh nhẫn nhục. Lực bốn ma khó định, sức nhẫn tiêu diệt nó.
- Tất cả pháp Phật đều thâu tóm trong một bài kệ 4 câu:
- Nghĩa do nhân duyên sanh
- Là nghĩa diệt chẳng sanh
- Diệt các nghĩa sinh diệt
- Là nghĩa sinh không diệt
Hay
- Pháp từ phân biệt sanh
- Lại từ phân biệt diệt
- Diệt các pháp phân biệt
- Là pháp chẳng sinh diệt
Nguyện đem công đức này
Cầu bốn ân, ba cõi
Con cùng các chúng sanh
Đồng sanh Cực Lạc Quốc.