Đại Thế Chí Bồ tát thực hành phương pháp Trì Danh niệm Phật ra sao? Xin thưa là nhớ, nhớ, nhớ… Phật…
Chúng con xin cung kính trích trong
Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm
ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG
Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử, cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có đức Phật ra đời, danh hiệu là Vô Lượng Quang. Trong một kiếp có mười hai đức Như Lai kế nhau thành Phật, vị thành Phật sau cùng danh hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật kia chỉ dạy con pháp Niệm Phật Tam Muội. Thí như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, hai người như thế, nếu có gặp nhau cũng như không gặp, dầu có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người đều tưởng nhớ nhau, cả hai người càng nhớ càng khắc sâu trong lòng. Như thế từ đời này cho đến đời khác, như hình với bóng, không cách xa nhau. Mười phương Như Lai, thương nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, tuy rằng tưởng nhớ chẳng có ích gì? Nếu con nhớ mẹ, như mẹ thường nhớ con, mẹ con đời đời kiếp kiếp không cách xa nhau. Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ. Như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Pháp tu nhân địa của con là chuyên tâm niệm Phật, chứng nhập pháp Vô Sanh Nhẫn. Nay ở cõi Ta Bà này, rộng độ những người niệm Phật, vãng sanh về Tịnh Độ. Phật hỏi về chứng đắc viên thông, con không lựa chọn, đều nhiếp lục căn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam Ma Địa, đó là thù thắng nhất.
25 Pháp tu viên thông của Kinh Lăng Nghiêm
Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 2
Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia – 7
Kinh Lăng Nghiêm, nếu người không biết pháp Tịnh Độ đọc đến sẽ cho kinh này là công thần bậc nhất để đả phá Tịnh Độ; còn người đã biết Tịnh Độ sẽ thấy kinh này là hướng dẫn tốt lành cho Tịnh Độ. Vì sao nói thế? Dùng tự lực để ngộ đạo khó lắm, còn vãng sanh Tịnh Độ lại dễ. Nhân quả của mười pháp giới, mỗi mỗi phân minh. Nếu chẳng cậy vào Phật lực, dù phá được một hai Ấm, vẫn có thể bị ma dựa, trở thành chủng tử địa ngục.
Đã thế, hai mươi bốn công phu Viên Thông, người bây giờ ai có thể tu tập được? Chỉ có niệm Phật như con nhớ mẹ, hễ ai có tâm đều phụng hành được. Hễ tịnh niệm tiếp nối bèn tự chứng được Tam Ma (Chánh Định). Người biết tốt – xấu đọc đến có còn chịu chỉ cậy vào tự lực, chẳng nương vào Phật lực hay chăng?
Pháp Trì Danh bao gồm cả 3 pháp niệm Phật kia
Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1
70. Thư trả lời cư sĩ Ngô Hy Chân (thư thứ hai)
Được dự pháp hội Lăng Nghiêm, mừng rỡ, may mắn khôn ngằn! Một pháp quán tưởng nếu không hiểu rõ đạo lý, không thông thuộc quán cảnh, tâm vọng động mong gấp đạt được, không có chí vững vàng chẳng dời, ắt sẽ bị tổn hại nhiều, lợi ích ít. Còn về Thật Tướng Niệm Phật chính là diệu hạnh theo đường lối thông thường của hết thảy pháp môn trong cả một thời giáo hóa [của đức Phật]. Như pháp Chỉ Quán của tông Thiên Thai, pháp Tham Cứu Hướng Thượng của nhà Thiền đều là nó cả, tức là niệm đức Phật Thiên Chân (Pháp Thân) nơi tự tánh vậy. Kinh Lăng Nghiêm thật sự là pháp niệm đức Phật nơi Thật Tướng thiết yếu nhất. Lại như Trì Danh Niệm Phật, quyết chí cầu sanh Cực Lạc là vô thượng đại giáo, sao có thể nói gì cho được? Mới thoạt đầu mà đã nêu bày cái tâm, biện định cái thấy, thì chỉ e coi vọng là chân, hiểu lầm tin tức. Đợi đến khi ngộ rồi hãy chỉ bày Ấm, Nhập, Giới, Đại đều là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh, bèn biết pháp nào, sự nào cũng đều thuộc Thật Tướng. Đã ngộ Thật Tướng thì trọn chẳng thể tìm được cái tướng của Ấm, Nhập, Giới, Đại, mà Ấm, Nhập, Giới, Đại bày ra la liệt cũng chẳng ngại gì. Hai mươi lăm pháp Viên Thông đã dạy đó, ngoại trừ pháp Viên Thông của ngài Thế Chí là pháp dạy thẳng vào Trì Danh và kiêm cả ba pháp niệm Phật kia, những pháp khác đều là pháp môn Niệm Thật Tướng Phật. Còn như nhân quả của bảy đường (lục đạo và Tiên đạo), địa vị Tứ Thánh (Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác), cảnh Ngũ Ấm Ma, không pháp nào chẳng hiển thị duyên do thuận – nghịch, mê – ngộ lý Thật Tướng.
Niệm đức Phật nơi Thật Tướng như thế nói có vẻ dễ dàng, nhưng tu chứng thật là khó nhất trong những điều khó. Nếu không phải là bậc đại sĩ tái lai, ai có thể tự chứng ngay trong đời này? Do khó như vậy nên đặc biệt khuyên nhủ, khen ngợi pháp Trì Danh Niệm Phật. Hiểu rõ điều này rồi mà vẫn muốn cậy vào Tự Lực để đoạn Hoặc chứng Chân, khôi phục tâm tánh vốn có, chẳng chịu sanh lòng tin, phát nguyện, chấp trì Phật hiệu cầu sanh Tây Phương, quyết chẳng có lẽ ấy! Do Thật Tướng trọn khắp hết thảy pháp, một pháp Trì Danh là một đại pháp môn “Sự chính là Lý, tuy cạn mà sâu, tu chính là tánh, tâm phàm phu chính là tâm Phật” vậy. Do Trì Danh biết được Thật Tướng ngay nơi Thể, lợi ích ấy rộng sâu. Ngoài cách Trì Danh, cứ chuyên tu Thật Tướng thì trong vạn người khó được hai, ba kẻ thật chứng; nếu được quả báo như Tô Đông Pha, Tăng Lỗ Công, Trần Trung Tú, Vương Thập Bằng v.v… vẫn còn là bậc thượng! Một sự liễu sanh thoát tử há có thể dùng chí to, lời lẽ lớn lao để hoàn thành được ư? Hãy nên tự suy xét cặn kẽ thì biết lý Thật Tướng chẳng thể không biết, dứt lòng nghiên cứu Lăng Nghiêm thì phàm – thánh, nhân – quả, mê – ngộ, tu – chứng dù Sự hay Lý đều rõ như xem ngọn lửa. Tự lực, Phật lực, Trì Danh – Thật Tướng lợi ích lớn – nhỏ cũng rõ ràng như xem ngọn lửa. Vì thế, dù là mình hay người, đều mong lấy Trì Danh để tu Thật Tướng, quyết chẳng đến nỗi ham cao chuộng xa, bỏ pháp Trì Danh tu Thật Tướng khiến cho uổng có tâm tu, nhưng chẳng chứng quả!