Site Overlay

Đức Phật thuyết về sức thệ Nguyện

Chỉ có một lần muốn quả vị Bích Chi Phật nhưng không được

Chúng con xin cung kính trích trong

KINH ĐẠI BẢO TÍCH, tập 5

PHÁP HỘI PHÚ LÂU NA THỨ MƯỜI BẢY

Phẩm 7 – PHẨM ĐÁP NẠN THỨ BẢY

Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Này Tượng Thủ! Từ lúc ta bắt đầu phát tâm Vô Thượng Bồ Đề đến nay, chẳng hề có lúc nào tâm ta thối chuyển, ta cũng chẳng nhớ có tham ưa Thanh Văn thừa hay Bích Chi Phật thừa cùng mong được pháp ấy. Chỉ có một lần ta muốn dạy đệ tử cầu Bích Chi Phật.

Này Tượng Thủ! Thuở quá khứ xa xưa, lúc ấy ta làm ngoại đạo tiên trí huệ sáng lẹ học rộng biện tài được thông pháp nhẫn. Bấy giờ có năm trăm Bà La Môn tuổi trẻ thấy lỗi họa ngũ dục tại gia và thấy sự lợi ích xuất gia nên đồng xuất gia học đạo đến chỗ ta nghe pháp được đạo quả Bích Chi Phật đủ lực thần thông tâm được tự tại thành tựu như ý túc, thường dùng thần lực bay vào thành ấp tụ lạc khất thực cúng dường ta. Bấy giờ ta tự nghĩ rằng chư thánh nhơn đại trí thanh tịnh ấy ta chẳng nên thọ sự cúng dường của họ. Ta giáo hoá họ mà họ được đạo quả ấy còn ta thì chẳng được.

Này Tượng Thủ! Vì muốn chứng đạo pháp Bích Chi Phật ấy ta nên siêng tu tinh tiến. Trời Tịnh Cư liền hiện đến bảo ta rằng chớ tham quả Bích Chi Phật, Ngài nên được quả Vô Thượng Bồ Đề, Ngài phải độ vô lượng vô biên chúng sanh. Ta nghe lời trời Tịnh Cư dạy rồi chẳng tiếp tục hành đạo ấy, trong tâm được sự hoan hỉ khoái lạc đệ nhứt, tịnh tọa suốt nửa tháng khoái lạc khắp toàn thân.


Sức thệ Nguyện

Chúng con xin cung kính trích trong

KINH ĐẠI BẢO TÍCH TẬP 8- LIV. PHÁP HỘI HẢI HUỆ BỒ TÁT THỨ NĂM MƯƠI BỐN

Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Nầy Hải Huệ! Như cây ta la có người chặt gốc đã đứt rồi thì theo chỗ bị chặt đó mà ngã.
Cũng vậy, đại Bồ Tát tu tập tam muội thường hướng đến Bồ đề .
Giả sử có người kêu to rằng cây ta la nầy chớ ngã từ chỗ bị chặt đứt! Cây ấy vẫn ngã theo chỗ bị chặt đứt!
Cũng vậy, đại Bồ Tát chỗ tu hành pháp lành muốn chẳng hướng đến Vô thượng Bồ đề thì không bao giờ có, tại sao, vì pháp tánh như vậy.
Đại Bồ Tát chỗ tu pháp lành chỉ vì chẳng dứt chủng tánh Tam bửu, vì thanh tịnh Phật độ, vì trang nghiêm thân ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, vì trang nghiêm khẩu lúc thuyết pháp chúng sanh thích nghe, vì trang nghiêm tâm xem tất cả chúng sanh bình đẳng không hai, vì được Phật pháp chư Phật tam muội. Dầu Bồ Tát chẳng tham những pháp như vậy nhưng tự nhiên có thể được những pháp ấy, tại sao, vì sức thệ nguyện vậy.
Nầy Hải Huệ! Ví như nhà lò gốm, lúc khối bùn còn ở trên vòng khuôn chẳng được có tên món vật. Lúc đã thành món vật rồi thì tùy theo món vật mà có tên.
Cũng vậy, pháp lành của Bồ Tát lúc chưa phát nguyện thì chẳng được tên Ba la mật, vì vậy nên tất cả pháp lành của Bồ Tát cần phải phát nguyện.
Nầy Hải Huệ! Ví như nhà thợ vàng, lúc vàng chưa thành món vật cũng chẳng được có tên, đến lúc thành món vật rồi được tên anh lạc.
Cũng vậy, pháp lành của Bồ Tát lúc chưa phát nguyện thì chưa được có tên Ba la mật.
Ví như Tỳ Kheo lúc muốn nhập diệt tận định, trước lập thệ rằng, nay tôi nhập định nếu tiếng chuông khánh kêu mới sẽ xuất định. Mà trong định ấy không có tiếng chuông khánh, do vì sức thệ nguyện nên lúc gõ chuông khánh thì Tỳ Kheo ấy liền xuất định.
Cũng vậy, đại Bồ Tát vì thương mến chúng sanh nên phát nguyện rằng: người chưa được độ tôi sẽ độ họ, người chưa giải thoát tôi sẽ giải thoát họ. Lúc tu tập Bồ đề, đại Bồ Tát nhập thâm tam muội, do sức đại bi nên nhớ các chúng sanh mà chẳng chứng Thanh Văn thừa và Bích Chi Phật thừa. Vì vậy mà đại Bồ Tát dầu tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà chẳng chứng đạo quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *