Trích từ Chí Thành Cung Kính video lúc 1:22:37
Hỏi: Khi con chú tâm tới các hình tượng Phật trong nhà trong lúc niệm Phật thì miệng con liền mỉm cười, lòng con rất ấm áp, nhưng khi con chỉ dùng ý niệm thương Phật, nhớ Phật trong lúc niệm Phật thì thấy lòng con trống trải quá. Con xin Thầy từ bi Khai Thị cho con.
Đáp: Nếu mình nhớ hình tượng mà thấy ấm áp thì cũng không sai nhưng chỉ sợ mình không nhớ được lâu, còn lâm chung thì không phải hình tượng đâu, là phải Ngài mới được. Mình có thể dùng phương tiện nhớ hình tượng trong một thời gian nào đó. Khi mình thấy hoan hỷ ấm áp rồi thì buông ra mà nhớ Phật. Khi mà nhớ Phật quen thì cũng hoan hỷ ấm áp như đối với hình tượng, có thể hoan hỷ hơn nữa. Tại bây giờ mình chưa quen, mình quen hình tượng, nhớ hình tượng mình mỉm cười, mình vui. Mình cũng có thể tập hai thứ một lúc: một cái là hình tượng, một cái là Phật. Lâu rồi mà mình nhớ Phật được rõ ràng rồi thì mình còn vui hơn mình nhớ hình tượng nhiều.
Cũng như Mẹ mà mình coi hình với mình nhớ người thiệt vậy đó. Mình nhớ bà Mẹ mình có thể nhìn cái hình được. Nhìn cái hình mình nhớ Bà. Bỏ cái hình ra, mình vẫn nhớ được. Mình nhớ Bà chứ không phải hình nữa. Nhớ người thiệt vẫn là ấm áp, hoan hỷ, mỉm cười.
Cũng như là mình kêu Mẹ ơi cứu con mà Thầy thường thí dụ. Cái người không hiểu thì đọc “Mẹ!” “ơi!” “cứu!” “con!” rõ từng chữ một mà không thấy cứu, không thấy bà Mẹ đâu, cũng không thấy cầu cứu đâu. Thấy 4 chữ rõ. Còn người thật sự kêu Mẹ ơi cứu con là tâm tình, một cái tâm tư cầu mong, có Tín-Nguyện-Trì Danh ở trong đó. Như đứa bé thơ gặp nạn mà kêu cứu, kêu một cái là đúng hết. Ở trong đó tâm tư của nó vừa tin bà Mẹ, vừa mong mỏi bà Mẹ tới. Đó là Tín Nguyện. Nó vừa nhớ vừa trông bà Mẹ đó từng phút một. Tâm nó lại không có vọng tưởng, mà nó kêu một cái liền đúng. Còn mình thì lại phân tích ra, lúc kêu thì phải có tin, phải có nhớ, phải có mong mỏi, rồi phải nghe rõ, thế là mình khổ. Tại mình phân tích ra cái tâm, có nhiều thứ quá. Còn đứa bé kêu một cái là đúng hết, không cần phân tích mà trong tâm tình của nó là như vậy đó. Đó là niệm Phật. Còn người không biết thì dùng cái âm thanh, không biết dùng cái tâm tình, cho nên dùng cái tâm tình thì mới cảm. Đây gọi là Tín Nguyện.
Đệ tử chúng con cung kính tóm tắt.
Khi chưa gặp người cứu mình bao giờ mà do mình tin tưởng người/kinh sách có uy tín nói cho mình biết thì mình vẫn được cứu khi mình cầu cứu chân thành đúng mức độ của nó.
Người đó chính là các vị Minh Sư hay Thiện trí thức của mình. Có khi cũng là căn lành của mình biết biện biệt được thật giả do nhiều kiếp quá khứ đã từng tán thán phụng sự Tam Bảo