Thừa Tướng Trương Thương Anh đời Tống từng hủy báng sang ngộ đạo lớn lao viết quyển Hộ Pháp Luận
Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ – II – Tự – thư 24 – Lời tựa tu chỉnh Cửu Hoa Sơn Chí (1937)
Thương Anh thoạt đầu chẳng biết đến Phật pháp, do đến chơi một ngôi chùa, thấy kinh Phật trang nghiêm thù thắng, giận dữ nói: “Sách của người Hồ lại được trang nghiêm như vậy, sách của bậc thánh nước ta vẫn chưa thể sánh bằng”. Tối đến, cầm bút, rên rỉ, không viết được một bài nào. Phu nhân là Hướng Thị khá tin Phật, thấy vậy bèn hỏi chồng rên rỉ về chuyện gì. Ông đáp: “Ta định viết bài luận [chứng minh] không có Phật”. Phu nhân nói: “Đã là không có Phật, cần gì phải luận nữa! Mà ông đã từng đọc kinh Phật chưa vậy?” Đáp: “Ta đời nào chịu đọc loại kinh ấy!” Phu nhân nói: “Đã chưa đọc kinh của người ta thì dựa vào ý nghĩa nào để luận định đây!” Ông bèn thôi.
Sau đấy, ở chỗ bạn đồng liêu, thấy trên bàn có cuốn kinh Duy Ma Cật bèn ngẫu nhiên mở ra xem, cảm thấy từ lý cao siêu, tuyệt diệu, nhân đấy bèn thỉnh về đọc cho hết. Chưa được quá nửa, bèn sanh lòng hối hận, ngộ đạo lớn lao, phát nguyện hết báo thân này hoằng dương pháp hóa. Đối với Giáo lẫn Tông thảy đều tâm đắc, soạn cuốn Hộ Pháp Luận cực lực tán dương, [luận ấy] được đưa vào Đại Tạng. Ông ta vào triều làm Thừa Tướng đời Tống Huy Tông, lúc ấy hạn hán đã lâu, ngay đêm đó trời liền đổ mưa ngọt lai láng, Huy Tông viết hai chữ to “Thương Lâm” thưởng cho ông. Ấy là lấy ý nghĩa trong thiên Thuyết Mạng của sách Thương Thư: “Nhược tuế đại hạn, dụng nhữ tác lâm vũ” (Như gặp năm bị hạn hán to, dùng ngươi như được trận mưa dầm) để khen ngợi vậy.
Ngẫu Ích Đại Sư khi chưa tu từng hủy báng sang phát tâm xuất thế nhờ thấy được tâm huyết của Bồ Tát khi đọc kinh Địa Tạng
Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ – II – Tự – thư 24 – Lời tựa tu chỉnh Cửu Hoa Sơn Chí (1937)
Chung Đại Lãng người trấn Mộc Độc, Tô Châu, cha mẹ cầu đảo Quán Âm sanh được ông. Thuở nhỏ theo cha mẹ lễ tụng, nhưng đến khi đi học, nghe được cái học của đạo Nho bèn lấy việc hoằng dương đạo Nho làm trách nhiệm của chính mình. Do vậy, chẳng những không lễ tụng mà còn tự tiện viết văn báng Phật. Về sau, đọc bài tựa cuốn Tự Tri Lục của Liên Trì đại sư mới biết hổ thẹn, chẳng còn báng Phật nữa. Đọc Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh, ông liền phát tâm học Phật làm cư sĩ, rồi nghiên cứu các sách của Thiên Thai và Thiền Tông, mỗi mỗi đều có sở đắc, bèn lễ môn nhân của Hám Sơn đại sư xin xuất gia, pháp danh là Trí Húc, tự là Ngẫu Ích. Giới hạnh trong sạch như băng tuyết, kiến địa sáng tỏ như nhật nguyệt, nhưng Ngài chú trọng một pháp Tịnh Độ. Do chúng sanh đời Mạt chẳng nương theo Phật lực, quyết khó thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Cả đời hoằng pháp, chẳng làm Trụ Trì, [do] thường ngụ tại chùa Linh Phong ở núi Bắc Thiên Mục nên người đời sau thường gọi ngài là Linh Phong, chứ thật ra Ngài chẳng phải là chủ nhân của Linh Phong!