Sớ [1]trùng tu ao phóng sanh chùa Cực Lạc ở Nam Tầm[2]
Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Chánh Biên, quyển 2, phần 3, Sớ 1
Kiêng giết phóng sanh về mặt Sự thì nông cạn, dễ thấy; nhưng về mặt Lý lại sâu xa, khó hiểu rõ. Nếu chẳng hiểu rõ Lý, dù có làm chuyện này, trong tâm chắc chắn chẳng chí thành, thương xót thiết tha, phước điền lợi ích cũng do tâm lượng mà trở thành nhỏ nhoi, nông cạn. Nếu gặp phải kẻ vô tri ngăn trở, phỉ báng, [người phóng sanh] sẽ bị kẻ đó xoay chuyển, khiến cho một dạ thiện tâm vì đó bị tiêu diệt chẳng còn. Do vậy, chẳng ngại lắm lời giãi bày ý nghĩa, để những loài vật đều được gội từ ân, loài người đều được vun bồi nền phước, ngõ hầu khẩn thiết động đến lòng nhân sâu xa, diệt được sát báo cho ta lẫn người, cùng đều được về cõi thọ, cùng vui tuổi trời. Lại nguyện đem công đức này hồi hướng Tây Phương để vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt thoát tam giới, làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn tốt trong hải chúng. May ra sẽ được người đọc chú ý vậy! Nhất niệm tâm tánh của chúng sanh sống trên đất hay dưới nước, vốn quả thật chẳng hai, chẳng khác gì với tam thế chư Phật; nhưng vì sức ác nghiệp đời trước chướng lấp nên diệu minh chẳng thể hiển hiện, trầm luân trong dị loại, đến nỗi sự hay biết hèn kém, ngoại trừ chuyện tìm cái ăn, tránh cái chết ra, trọn chẳng biết đến điều chi khác nữa!
Ví như tấm gương đồng quý báu lớn, trải bao kiếp bị bụi lấp, chẳng những không có mảy may quang minh nào, ngay cả chất đồng của gương cũng chẳng thể hiển hiện được, khác gì phế vật! Chợt gặp được người trí, biết là gương báu sẵn có đủ vô biên quang minh chiếu trời soi đất, bèn ngày ngày chăm chú giồi mài. Thoạt đầu bèn lộ chút chất gương, dần dần tỏa ra ánh sáng. Mài đến cùng cực thì ánh sáng chiếu trời soi đất bèn hiển hiện toàn thể; người vô trí mới bèn quý trọng, xem là vật quý báu nhất. Phải biết: Ánh sáng ấy gương vốn sẵn tự có, nào phải do mài mà có! Tuy là tự sẵn có, nhưng nếu không có duyên giồi mài thì từ kiếp này sang kiếp khác cũng chẳng có ngày tỏa ra quang minh. Tâm tánh của hết thảy trời – người chúng sanh lục đạo đều giống như vậy. Do Hoặc nghiệp từ vô thỉ đến nay che lấp nên chẳng thể tỏ lộ diệu minh sẵn có, mê trái chân tánh, tạo nghiệp sanh tử. Đức Đại Giác Thế Tôn biết nhất niệm tâm tánh của các chúng sanh bằng với chư Phật; do vậy, [dùng] đủ mọi phương tiện tùy cơ thuyết pháp, khiến cho khắp mọi loài đều tu đạo Giới – Định – Huệ, ngõ hầu đoạn Hoặc chứng Chân, khôi phục cái mình sẵn có, trọn vẹn phước huệ để chứng Pháp Thân.
Lại dạy người đời phát tâm từ bi, kiêng giết, phóng sanh; ấy là vì ta và hết thảy chúng sanh đều ở trong luân hồi, từ vô thỉ đến nay lần lượt sanh ra nhau, xoay vần giết lẫn nhau. Bọn họ cố nhiên là cha mẹ, anh em trai, chị em gái, con cái của ta, mà ta cũng là cha mẹ, anh em trai, chị em gái, con cái của mỗi một người trong bọn họ. Bọn họ nhiều phen do ác nghiệp lực mà sanh trong loài người hoặc sanh trong dị loại[3], bị ta giết chóc; ta cũng nhiều phen do ác nghiệp lực mà sanh trong loài người hoặc sanh trong dị loại, bị họ giết chóc. Trải bao kiếp lâu xa, sanh ra nhau, giết lẫn nhau, trọn không ngơi ngớt! Phàm phu không biết, Như Lai thấy thấu suốt. Hễ không nghĩ thì thôi, nếu nghĩ đến ắt khôn ngăn hổ thẹn, thương xót! Nay ta may nhờ phước thiện đời trước, sanh trong loài người, cố nhiên nên cởi gỡ mối oán kết, kiêng giết, phóng sanh, khiến cho hết thảy những loài có sanh mạng đều được yên ổn; lại vì họ niệm Phật hồi hướng Tịnh Độ, khiến cho họ được độ thoát. Nếu họ nghiệp nặng chưa thể vãng sanh ngay, ta bèn nhờ vào công đức từ thiện này, quyết cầu lâm chung vãng sanh Tây Phương. Đã vãng sanh ắt sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, dần dần chứng được Phật quả.
Vả nữa, yêu thương loài vật, phóng sanh thì bậc cổ thánh tiên hiền đều làm chuyện này. Vì thế, kinh Thư có đoạn văn chim, thú, cá, ba ba đều được sống yên vui[4], Văn Vương ân trạch thấm đến xương khô, huống chi loài vật có tri giác. Như Giản Tử thả chim cưu, Tử Sản[5] nuôi cá, Tùy Hầu giúp rắn[6], Dương Bảo cứu chim sẻ[7]. Đấy là tâm thánh hiền cùng dùng lòng nhân đối đãi với loài vật, dẫu họ không biết đến những nghĩa lý: “Những loài có tri giác, có cử động đều có Phật tánh, lần lượt thăng lên, đọa xuống, làm kẻ oán người thân lẫn nhau, và tương lai quyết định thành Phật”. Đến khi đại giáo truyền sang Đông, thì nhân quả ba đời và lý “chúng sanh, Phật, tâm, ba thứ bình đẳng không hai” sáng lòa trong thế gian. Phàm là bậc đại thánh đại hiền, không ai chẳng kiêng giết, phóng sanh, nhằm vãn hồi sát kiếp để vun bồi quả phước, làm nền tảng để dứt nạn binh đao, vui hưởng tuổi trời. Cổ nhân nói: “Dục tri thế thượng đao binh kiếp, tu thính đồ môn bán dạ thanh” (tạm dịch: “Muốn biết đao binh trong cõi thế, hãy nghe lò mổ giữa đêm thanh”). Lại nói: “Muốn cho thế gian không còn nạn đao binh thì trừ phi chúng sanh không ăn thịt”. Do vậy, biết rằng: Kiêng giết, phóng sanh chính là khuôn mẫu tốt đẹp để nhổ rễ lấp nguồn [tai nạn], cứu đời.
Vì thế, Trí Giả đại sư đời Trần mua hơn sáu mươi chỗ ở Lâm Hải, Giang, Hỗ, Khê, Lương, cả hơn bốn trăm dặm làm ao phóng sanh, xin sắc chỉ lập bia cấm ngặt đánh cá. Kẻ nào bắt trộm làm càn sẽ bị mắc vạ. Đến niên hiệu Trinh Quán đời Đường (triều vua Đường Thái Tông) vẫn còn như thế. Đến năm Càn Nguyên thứ hai đời Đường Túc Tông (759), vua hạ chiếu truyền các châu trong thiên hạ lập ao phóng sanh, sai Nhan Chân Khanh[8] soạn bài văn bia và viết bằng bút son; trong ấy có câu: “Đức vua ta lấy cả thiên hạ làm ao, hết thảy [các loài] trong toàn cõi đều nhờ phước, nương sức Đà La Ni gia trì, cạn bờ mé phiền não sanh tử; suy đến tận ngàn xưa, chưa hề phảng phất giống được như vậy”. Năm Thiên Hỷ nguyên niên (1017) đời Tống Chân Tông, hạ chiếu truyền thiên hạ lập ao phóng sanh, Tây Hồ ở Hàng Châu cũng trở thành ao phóng sanh của vua Tống. Đời Minh, đại sư Liên Trì lập ao phóng sanh ở hai nơi là Thượng Phương và Trường Thọ. Bài Giới Sát Phóng Sanh Văn của ngài lưu truyền khắp thiên hạ. Cho đến nay đã hơn ba trăm năm, những người thông hiểu trong hàng Tăng – tục đều ngưỡng mộ cao phong, từ bi cứu tế loài vật không thể tính kể.
Như có kẻ nói:
– Kẻ quan quả cô độc[9], bần cùng hoạn nạn đâu đâu cũng có, sao không châu cấp, lại gấp rút lo lắng cho loài dị loại chẳng liên quan gì đến ta? Đấy chẳng phải là điên đảo nơi chuyện thong thả – gấp rút, nặng – nhẹ đó ư?
Đáp:
– Ông chưa biết nguyên do đức Như Lai dạy người kiêng giết, phóng sanh. Tuy người và vật khác nhau, nhưng Phật tánh vốn đồng. Do ác nghiệp nên chúng bị trầm luân trong dị loại, ta do thiện nghiệp may được thân người. Nếu chẳng xót thương, giúp đỡ, cứ mặc tình giết hại, ăn nuốt, thì một mai kia nếu phước ta hết rồi, tội của chúng đã trả xong, khó tránh khỏi phải đền trả từ đầu, [đem thân mình] thỏa miệng bụng của chúng. Phải biết đao binh đại kiếp đều do sát nghiệp đời trước cảm thành. Nếu không có sát nghiệp, dẫu thân gặp phải giặc cướp, chúng cũng sẽ khởi lòng lành, chẳng giết hại mình. Huống chi những tai nạn bất ngờ như ôn dịch, nước, lửa thì người kiêng giết, phóng sanh rất ít gặp phải. Do vậy, biết rằng: Che chở loài vật chính là tự che chở mình. Kiêng giết sẽ khỏi bị trời giết, quỷ thần giết, trộm cướp giết, [khỏi bị] oán – thân giết nhau báo thù trong tương lai. Những kẻ quan quả cô độc bần cùng hoạn nạn cũng nên tùy phần tùy lực châu cấp cho họ, chứ nào phải người kiêng giết phóng sanh hoàn toàn chẳng hành những điều công đức ấy! Tuy người quan quả cô độc rất đáng thương, nhưng họ chưa đến nỗi lâm vào tử địa, còn loài vật nếu không bỏ tiền chuộc mạng, sẽ lập tức phải lên chảo, thớt để thỏa bụng miệng con người!
Lại có kẻ nói:
– Loài vật vô tận, phóng sanh được mấy?
Đáp rằng:
– Phải biết chuyện phóng sanh thật ra nhằm để phát khởi thiện tâm tối thắng “bảo vệ sanh mạng mọi loài vật” của mọi người, ngõ hầu lãnh hội được ý nghĩa của chữ “Phóng” (thả), trong tâm đã động lòng trắc ẩn, ắt chẳng nỡ ăn nuốt. Đã không có người ăn nuốt thì người đánh bắt sẽ phải thôi, khiến cho hết thảy loài vật dưới nước, trên mặt đất, trên hư không đều tự tại bay, chạy, bơi lội trong nơi sinh sống của chúng. Như vậy, thành ra không phóng sanh mà hóa ra là phóng sanh khắp tất cả. Đấy chẳng phải là “cả thiên hạ biến thành một cái ao” ư? Dẫu không phải ai cũng đều như vậy cả, nhưng một người chẳng nỡ ăn thịt thì vô lượng sanh mạng trên đất liền, dưới nước khỏi bị giết chóc; huống chi nào phải chỉ có một người! Lại vì hiện tại, vị lai hết thảy đồng nhân đoạn trừ cái nhân của quan quả, cô độc, hoạn nạn, bần cùng, tạo cái duyên trường thọ, không bệnh, phú quý, an lạc, cha con đoàn viên, vợ chồng giai lão cho họ. Đấy chính là làm chuyện châu cấp, cứu tế sẵn để đời đời kiếp kiếp trong vị lai mãi mãi chẳng bị những nỗi khổ quan quả cô độc v.v… hưởng thụ dài lâu những niềm vui sống lâu, giàu sang v.v… Đấy chẳng phải là “toàn nước được hưởng phước” ư? Há có nên coi thường gác bỏ? Ông hãy nghĩ kỹ đi, kiêng giết, phóng sanh rốt ráo là khăng khăng vì con người hay là khăng khăng vì loài vật, điên đảo nơi chuyện thong thả – gấp rút, nhẹ – nặng vậy?
Phía ngoài chùa Cực Lạc ở Nam Tầm từ trước đã có ao phóng sanh, nhưng do bờ vách chưa xây nên bị sụp lở, lại thêm nhiều năm chưa được khơi vét, bùn lầy đầy ứ. Thường có những người lành phải ra sông phóng sanh, dù phát thiện tâm nhưng sanh vật khó được hưởng lợi ích. Sáng vừa được thả, chiều lại bị bắt, quá nửa là như vậy. Nếu gần sông to thì dĩ nhiên nên thả xuống sông, nơi sông nhỏ trọn chớ nên thả xuống. Viên Lâm đại sư lòng bất nhẫn, muốn đào sâu ao đó, phía ngoài đắp tường vây bọc bảo vệ để có chỗ phóng sanh mà kẻ bắt cá trộm cũng không làm gì được! Ý ấy cũng rất tốt lành, nhưng chưa tiến hành, đến khi Giác Tam đại sư từ Phổ Đà đến đó, vừa trông thấy liền hợp ý, trở về chùa bàn bạc chuyện ấy, nhưng tôi đã buông xuống vạn duyên, chuyên tu Tịnh nghiệp rồi [nên không thể cáng đáng việc ấy]. Thầy Giác Tam kế thừa đầu mối cũ, muốn sự ấy chóng thành, nhưng công trình rộng lớn, sức một mình Sư khó thể thành tựu, tính quyên mộ thiện tín toàn trấn cùng giúp cho việc thù thắng, xin tôi viết lời tự (phần sau lược đi).
[1] Sớ: Theo từ điển Từ Hải, chữ Sớ có hai nghĩa:
1) Trình bày rõ ràng từng điểm một.
2) Chú thích ý nghĩa của sách vở.
Ngoài ra, Sớ còn được dùng để chỉ những công văn hoặc tờ trình lên thượng cấp, lên vua. Do vậy, những bài văn được tuyên đọc trong khi tụng kinh với mục đích cầu đảo, giãi bày ý nghĩa của pháp hội đang làm cũng được gọi là Sớ. Ở đây, chữ Sớ được dùng theo nghĩa thứ nhất. Những bài Sớ trong phần này được viết nhằm trình bày rõ ý nghĩa sự việc để cổ động mọi người tham gia, ủng hộ.
[2] Thị trấn Nam Tầm thuộc thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang.
[3] Dị loại: Khác chủng loại. Do loài vật không thuộc loài người nên thường được gọi là Dị Loại.
[4] Nguyên văn: “Điểu, thú, ngư, miết hàm nhược”. Trong bài tựa cho cuốn Vệ Sinh Tập, Tổ đã giải thích: “Nhược là thuận. Hàm Nhược có nghĩa là đều được thuận theo thiên tánh, chẳng vướng mắc nỗi khổ bị sát hại”. Ở đây, chúng tôi chỉ dịch tóm gọn là “chim, thú, cá, ba ba đều được sống yên vui”.
[5] Tử Sản (không rõ năm sinh -522 trước Công nguyên), tên thật là Công Tôn Kiều, tự Tử Sản, hiệu là Tử Khương, sống vào thời Xuân Thu, người nước Trịnh. Ông chính là dòng dõi của Trịnh Mục Công, nổi tiếng thông minh từ nhỏ, rất giỏi về cai trị, làm chức Khanh đời Trịnh Giản Công, chấp chính suốt hai mươi ba năm, rất nhân từ. Ông tiến hành nhiều cải cách quan trọng, chỉnh đốn quyền tư hữu ruộng đất của quý tộc để nông dân có ruộng làm, định lại sắc thuế cho hợp lý hơn. Ông là người đầu tiên cho biên soạn hình luật và cho khắc tân luật lên một cái đỉnh to đặt trong cung vua để mọi người đều được biết luật. Ông chủ trương thuyết Nhân Bản, và cũng được coi là một trong những Nho Gia điển hình trước thời Khổng Tử. Không rõ chuyện nuôi cá của ông ta được trích từ điển tích nào.
[6] Đời Xuân Thu, Tùy Hầu (vua nước Tùy) đi ra ngoài chơi thấy một con rắn bị người ta đánh gần chết, vứt trên vệ đường, động lòng thương xót, liền sai tùy tùng đem thuốc cứu rắn, rồi đem thả đi. Ít lâu sau, rắn từ sông ngoi lên, nhả tặng vua một viên minh châu để báo ân cứu mạng. Do vậy, viên ngọc ấy thường được gọi là Tùy Hầu Châu, hoặc Linh Xà Châu. Sách Sưu Thần Ký mô tả viên ngọc ấy như sau: “Kích thước tròn trặn chừng một tấc, trắng muốt, ban đêm tỏa ánh sáng, có thể soi sáng cả gian phòng”.
[7] Có lần Dương Bảo vào Hoa Sơn thấy con chim sẻ bị thương rơi xuống đất, máu me bê bết, cảm thương ông liền đem về băng bó, chăm sóc, khi chim lành bèn thả đi. Chim tha đến bốn cái chén ngọc, lại nói: “Mong con cháu ông sẽ trắng trong, tinh thuần như bạch ngọc”. Đêm ấy, ông mộng thấy một vị trời mặc áo vàng đến bảo: “Tôi là con chim sẻ vàng được ông cứu mạng. Tôi vốn là sứ giả của Tây Vương Mẫu, bị thương giữa đường. May được ông cứu giúp, nay được trở về Nam Hải nên đến đáp tạ”. Về sau, con cháu ông đều nổi tiếng đức hạnh, hiển đạt.
[8] Nhan Chân Khanh (707-784), tự Thanh Thần, thường được gọi là Lỗ Công (vì ông được phong chức Lỗ Quận Khai Quốc Công), là một thư pháp gia nổi tiếng thời Đường. Tuy cũng là thi nhân, thơ ông không nổi tiếng như các nhà thơ khác thời Thịnh Đường. Tài thư pháp của ông được người đương thời bình luận: “Phóng khoáng nhưng không buông tuồng, dễ dãi nhưng không vụng về, đặt bút viết xuống là được ngay”. Lối viết Khải Thư của ông được coi là mẫu mực cho mọi hành giả viết chữ Khải Thư về sau. Ông còn được coi là truyền nhân của Trương Húc về lối chữ Thảo.
[9] Quan quả cô độc: Quan là góa vợ, quả là góa chồng, cô là mất cha mẹ, độc là không con cái.