Site Overlay

Đốt Kinh là công hay tội

Đốt Kinh là công hay tội

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tục Biên quyển Thượng, phần 1 – Thư từ

124. Thư trả lời cư sĩ Tống Đức Trung hỏi đốt kinh là công hay tội

(năm Dân Quốc 20 – 1932. Đính kèm nguyên thư)

          Trong mục lục sách vở của Phật Kinh Lưu Thông Xứ của Thượng Hải Công Đức Lâm, nơi trang tám mươi ba có nói đến tám công dụng của việc thiêu kinh Kim Cang viết bằng chữ son. Đức Trung cho rằng những hành vi được nói trong hạng mục này trái nghịch ý chỉ đức Phật, công ít, tội nhiều, kính thỉnh đại sư giải thích.

          Kinh Phật trọng nơi thọ trì, chưa từng nghe dạy đem đốt đi! Dù bảo là đốt đi sẽ có ích cho cô hồn và cho người đã khuất đang được cầu siêu, vẫn là chuyện công chẳng bù được lỗi, huống hồ là vô ích! Vì sao nói như vậy? Phàm những kẻ thiêu kinh phần nhiều đều thiêu trong dụng cụ để đốt giấy vàng mã, tro ấy lại đem bán lẫn với tro giấy vàng mã. Những kẻ mua tro đó đem về, gạt bỏ sạch hết tro giấy đi, chỉ giữ lại tro vàng mã. Như vậy thì tro kinh chẳng thể không bị quăng vào rác rưởi hay sao? Có ai chịu phí công lập riêng một đồ đựng, phía dưới lót giấy thiếc, đặt kinh vào giữa, phía trên lại bịt những tờ giấy thiếc. Đốt giấy thiếc, kinh sẽ cháy theo, do phía trên có bọc giấy thiếc nên tro kinh chẳng đến nỗi bay lung tung ra ngoài. Đợi đến khi cháy hết, đã nguội rồi, hốt tro ấy bỏ vào trong túi vải mới, bỏ thêm cát sạch hoặc đá sạch vào trong, may miệng túi lại. Nếu có thân hữu hết sức đáng tin cậy đem ra biển, hoặc đem ra sông lớn, tới chỗ sâu nhất gieo xuống thì chẳng mắc lỗi khinh nhờn. Nếu chiếu theo cách đốt vàng mã bình thường, rồi lại còn bán tro giấy, tôi sợ rằng mắc tội vô lượng, công chẳng được mấy!

          Phàm làm các Phật sự đều phải làm bằng lòng thành kính thì mới có sự cảm thông. Những kẻ thiêu kinh kia chỉ biết thiêu mà thôi, có bao giờ nghĩ đến chuyện này? Các kinh Đại Thừa đều khen ngợi công đức biên chép, thọ trì, đọc tụng, chẳng hề nghe khen ngợi thiêu kinh có công đức! Nếu thật sự có công đức, vẫn chẳng nên duy trì phong tục này; vì rất có thể là kẻ vô tri hiểu lầm sẽ chú trọng thiêu kinh, chẳng chú trọng thọ trì! Kinh Kim Cang đã thiêu được, lẽ nào các kinh Đại Thừa khác chẳng thể thiêu được? Kẻ giàu có nhưng vô tri ắt sẽ tạo nghiệp thiêu kinh vô cùng vậy! Chuyện này Bất Huệ hoàn toàn chẳng tán thành, tuy nghe người ta nói có đại cảm ứng, vẫn chẳng thốt ra một tiếng nào tán dương, bởi sợ tạo thành mối tệ vô cùng!

Thế gian thường hay đem chú Vãng Sanh viết thành hình tròn, đem khắc rồi in ra, đặt tên là Vãng Sanh Tiền, lắm kẻ đem thiêu [tiền ấy] thí cho cô hồn. Năm Quang Tự mười sáu (1890), tại chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh, vào buổi sáng sớm Quang ra ngoài cửa tam quan, thấy trong đống tro giấy và tro vàng bạc của lễ Phóng Diệm Khẩu hồi đêm có một xấp giấy Vãng Sanh Tiền dày hai tấc chỉ cháy một nửa. Nếu tôi không thấy thì người hầu quét dọn, sợ rằng cũng bị quét vào đống rác luôn! Do vậy, biết được rằng: Cái lỗi thiêu chú ấy không chỗ nào chẳng có! Có vị Tăng phóng Mông Sơn, dùng ngân phiếu và tiền giấy kẹp tiền Vãng Sanh vào trong, xếp thành hình một đầu to đầu nhỏ, đợi đến khi Xuất Sanh[1] sẽ đốt. [Khi lửa cháy] gần tới tay sẽ quăng xuống đất. Trong ấy thường có chữ chưa cháy hết. Dù cháy hết, tro ấy hoàn toàn bị quăng xuống đất, há không có lỗi hay sao? Đây chính là điều chính mắt Bất Huệ trông thấy.

Vì thế, biết rằng: “Một pháp đã lập, trăm mối tệ chen chúc nẩy sanh” chính là lời chân thật vậy! Phàm mọi chuyện phải lo sao cho lâu ngày về sau chẳng có điều tệ thì mới tốt lành, thỏa đáng được. Thiêu kinh dẫu có công đức, chỉ sợ do kẻ chẳng cẩn thận lo liệu thì chuyện công đức đâm ra thành chuyện tội lỗi, huống chi chưa chắc đã thật sự có công đức ư? Bất Huệ hiểu biết như thế đó. Đối với bậc đại thông gia thì hết thảy vô ngại, pháp nào cũng viên thông, chứ đối với cái trí hèn kém, thấy biết nhỏ nhoi của Bất Huệ thì chẳng thể nào như vậy được. Những gì Bất Huệ nói chỉ là ước theo phân lượng của Bất Huệ để làm chuẩn mà thôi!


[1] Xuất Sanh là một thuật ngữ thường dùng trong Thiền Lâm: Khi chúng tăng đến trai đường dùng bữa, vị Đường Chủ hoặc Trụ Trì sẽ lấy ra một ít cơm (gọi là “sanh phạn”) từ chén của mình bỏ vào một đồ đựng riêng (gọi là Xuất Sanh Đài hay Sanh Đài) để thí cho Đại Bằng Kim Xí Điểu, chúng quỷ thần Khoáng Dã, Ha Lợi Đế Quỷ Tử Mẫu v.v… Chữ “sanh phạn” ngụ ý cơm này dùng để nuôi mạng sống của chúng quỷ thần; do vậy, mới có từ ngữ Xuất Sanh. Vị thị giả sẽ mang cơm ấy ra phía ngoài trai đường, đặt nơi đất sạch, trong bóng râm, đọc kệ Xuất Thực. Sở dĩ phải thí thực cho chúng quỷ thần vì khi đức Phật hàng phục quỷ Khoáng Dã, Quỷ Tử Mẫu, đã khuyên các loại quỷ thần ấy không nên ăn máu thịt chúng sanh nữa, và hứa khi nào Phật pháp còn tồn tại, Tăng chúng sẽ hằng ngày cúng dường thực phẩm cho họ được no đủ. Không hiểu vì lý do gì, Phật giáo Trung Hoa, nhất là tại Hoa Nam, lại thêm vào chuyện đốt giấy tiền vàng bạc mỗi khi Xuất Sanh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *