Câu chuyện về em bé chết yểu giúp người Cha già giác ngộ xuất gia thành A La Hán
Chúng con xin cung kính trích trong
daitangkinh.org, T016 BẢN DUYÊN VII số 211-Q3-P21 Lão Mạo-Pháp Cú Thí Dụ
Phẩm 30: Đạo Hạnh, Thí dụ 54
Thuở xưa, có một vị Bà-la-môn xuất gia học đạo từ nhỏ, đến năm sáu mươi tuổi vẫn chưa đắc đạo. Theo pháp Bà-la-môn, đến tuổi này chưa đắc đạo thì trở về lấy vợ làm ăn. Ông này cũng như vậy, trở về lập gia đình, sinh được một đứa con trai khôi ngô dễ mến. Lớn lên cậu ta tỏ ra thông minh hơn người, học hành giỏi giang, biện luận lưu loát. Đến năm bảy tuổi, vào một đêm cậu ta bỗng lâm bệnh nặng, đột ngột qua đời. Ông Bà-la-môn đau buồn khôn xiết, cứ phủ phục ôm xác con than khóc đến ngất đi tỉnh lại. Thân tộc thấy thế tìm lời khuyên ngăn, giành lấy xác đứa bé tẩm liệm rồi đem chôn ngoài thành.
Ông Bà-la-môn tự nghĩ: “Ta nay kêu khóc nào có ích gì? Chi bằng hãy đến chỗ vua Diêm-la đòi mạng con mình lại.” Nghĩ xong, ông tắm gội trai giới, chuẩn bị hành lý mang hương hoa rời nhà ra đi. Đến đâu ông cũng hỏi chỗ ở của vua Diêm-la, như thế cứ đi mãi suốt mấy ngàn dặm. Một hôm, ông đến một vùng núi sâu, gặp các Bà-la-môn đắc đạo hỏi thăm.
Các Bà-la-môn hỏi:
–Ông hỏi thăm chỗ vua Diêm-la là muốn cầu điều gì?
Đáp:
–Tôi có một con trai thông minh, biện bác hơn người. Thế mà gần đây nó bỗng chết mất, tôi đau thương buồn khổ, không sao quên được, nên muốn tìm đến chỗ vua Diêm-la xin lại mạng sống cho con để nhờ cậy lúc tuổi già.
Các Bà-la-môn thương ông lão ngu si, liền bảo:
–Chỗ vua Diêm-la người sống đâu thể đến được. Chúng tôi sẽ chỉ cách cho ông. Từ đây đi về hướng Tây hơn bốn trăm dặm có một con sông lớn. Trong đó có tòa thành là nơi dừng nghỉ của các Thiên thần khi đi tuần sát thế gian. Vua Diêm-la vào ngày mùng tám hàng tháng đi tuần sát sẽ ghé lại thành này. Ông trì trai giới đến đó vào ngày ấy sẽ gặp.
Vị Bà-la-môn vui mừng vâng theo lời dạy ra đi. Đến con sông lớn, ông thấy chính giữa có một tòa thành tráng lệ, cung điện nhà cửa trang nghiêm như cõi trời Đao-lợi. Ông đến trước cổng đốt hương, cầu nguyện được ra mắt vua Diêm-la và tha thiết trông chờ. Vua Diêm-la cho người đưa ông lão vào rồi hỏi ông có điều gì cầu thỉnh. Bà-la-môn thưa:
–Tôi đã già mới sinh được một đứa con trai, mong sau này sẽ nhờ cậy. Nuôi được bảy tuổi, không ngờ một hôm nó bỗng lâm bệnh chết mất. Xin Đại vương ban ân trả lại mạng sống cho con tôi.
Vua Diêm-la nói:
–Tốt lắm, con ông hiện đang chơi ở khu vườn phía Đông. Ông hãy đến dẫn nó về.
Vị Bà-la-môn liền đến nơi đó, trông thấy con mình đang chơi đùa cùng các đứa bé khác. Ông chạy lại ôm con khóc lóc nói: “Cha ngày đêm thương nhớ con, ăn ngủ không yên. Con có nhớ nghĩ đến cha mẹ đang đau khổ không?
Đứa trẻ giật mình la lớn, trở lại quở ông: “Ông già si mê này không hiểu đạo lý. Tôi chỉ ở nhờ nhà ông chẳng bao lâu đã gọi là con! Đừng nói nhiều lời càn rỡ nữa, hãy sớm đi là hơn. Tôi ở chỗ này cũng có cha mẹ. Chúng ta chỉ tình cờ gặp gỡ, quyến luyến ôm ấp làm chi.”
Vị Bà-la-môn nghe vậy, buồn bã khóc lóc bỏ đi. Ông vừa đi vừa suy nghĩ: “Ta nghe Sa-môn Cù-đàm biết được đạo lý dời đổi của thần thức, vậy thử đến hỏi xem.” Nghĩ xong, ông liền tìm đến chỗ Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú tại tinh xá Kỳ hoàn nước Xá-vệ vì đại chúng thuyết pháp. Ông Bà-la-môn đến gặp Đức Phật liền cúi đầu đảnh lễ, trình bày đầu đuôi câu chuyện. Ông nói:
–Con tôi thật không chịu nhìn nhận tôi, trở lại bảo tôi là ông già si mê, ở tạm không bao lâu lại nhận làm con. Không một chút tình phụ tử như vậy, không biết là do duyên gì?
Đức Phật bảo:
–Ông quả thật ngu si! Khi người ta chết thần thức đi khỏi lại thọ thân mới. Cha mẹ vợ con chỉ là nhân duyên gặp gỡ, như khách trọ qua đêm, sáng thức dậy là chia tay. Thế mà chúng sinh lại ngu mê, chấp cho là thật. Sở dĩ có ưu bi khổ não là do không hiểu được cội gốc này, chìm đắm mãi trong sinh tử không ngày ra khỏi. Chỉ có bậc Trí tuệ không tham ân ái, giác ngộ khổ đế, dứt bỏ tập đế, siêng tu kinh giới, diệt trừ vọng tưởng chấm dứt sinh tử.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Người đời lo vợ con
Chẳng xét lẽ mất còn
Cái chết bỗng chợt đến
Như nước lũ cạnh bên.
Cha con cứu không nổi
Ai khác giúp được nào
Mạng hết cậy người thân
Như mù canh giữ bạc.
Tuệ tri được ý này
Nên tu trì kinh giới
Siêng tu vượt thế gian
Dứt trừ tất cả khổ.
Xa lìa các sa đọa
Như gió thổi mây tan
Vọng tưởng đã lặng yên
Tri kiến liền hiện tiền.
Trí tuệ quý nhất đời
Vui nơi đạo vô vi
Nếu chánh pháp thọ trì
Sinh tử chẳng còn chi.
Vị Bà-la-môn nghe kệ xong, hoát nhiên khai ngộ, biết rõ ràng mạng sống vô thường, vợ con là khách, bèn phủ phục đảnh lễ xin làm Sa-môn.
Đức Phật bảo:
–Lành thay! Râu tóc ông liền tự rụng, pháp y đầy đủ, thành tướng Sa-môn. Ông tư duy ý nghĩa bài kệ, chấm dứt ân ái, không còn vọng tưởng, liền chứng quả A-la-hán ngay tại chỗ.
Một người con trai chết yểu, 3 nơi khóc
Chúng con xin cung kính trích trong
daitangkinh.org, T016 BẢN DUYÊN VII số 211-Q4-Dụ Ái Dục
Phẩm 40: SINH TỬ. Thí dụ 70
Thuở xưa, Đức Phật trú tại tinh xá Kỳ hoàn vì hàng trời, người, vua quan, dân chúng tuyên thuyết diệu pháp. Lúc ấy, bên đường có một gia đình trưởng giả Bà-la-môn giàu có vô số, chỉ sinh được một người con trai, năm nay vừa tròn hai mươi tuổi. Vị trưởng giả mới cưới vợ cho con được bảy ngày. Hai vợ chồng thương yêu ăn ở hòa thuận với nhau. Người vợ nói với chồng muốn ra vườn sau ngắm cảnh thưởng hoa. Chồng chiều ý vợ, hai người đưa nhau ra vườn sau. Lúc ấy đương vào tiết xuân, trong vườn có một cây nại cao to trổ hoa tươi đẹp. Vợ muốn hái hoa song không có người. Người chồng biết ý vợ muốn hoa nại liền trèo lên cây. Hái được một bông rồi, lại muốn hái thêm một bông khác. Leo chuyền dần dần đến một cành nhỏ. Nhánh cây gãy người chồng rơi xuống đất chết ngay.
Cả nhà hay tin vội chạy đến chỗ xác con than khóc kêu trời trách đất đến ngất đi tỉnh lại. Thân tộc trong ngoài đến thăm đông đảo, ai cũng hết sức thương tâm. Người nghe xót xa, kẻ thấy rơi lệ, cha mẹ và vợ trách trời sao tàn nhẫn chẳng hộ độ. Sau đó mọi người tẩm liệm rồi đem anh đi chôn cất. Khi trở về, cả nhà suốt ngày than khóc mãi không thôi. Bấy giờ Đức Thế Tôn thương cho sự ngu muội của họ nên đến thăm hỏi. Cả nhà trưởng giả thấy Đức Phật đến, đau buồn khóc lóc đem hết sự tình ra kể lể. Đức Phật bảo với trưởng giả:
–Xin đừng than khóc nữa, hãy nghe Ta nói: “Vạn vật đều vô thường không thể trường cửu.” Đã sinh thì phải tử, tội phước theo nhau. Đứa con này thật ra phải có đến ba chỗ than khóc vì nó, sự đau buồn hai nơi kia cũng không thua chỗ ông đâu. Nó rốt cuộc là con ai? Ai là người thân của nó?
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Mạng sống như trái chín
Sẽ rụng chẳng bao lâu
Đã sinh là phải khổ
Ai bất tử được đâu?
Do trước tham ái dục
Tưởng dâm nhập bào thai
Thọ thân mạng như điện
Ngày đêm luôn giảm hoài.
Thân này là vật chết
Tinh thần: pháp vô hình
Thân chết, thức tái sinh
Tội phước vẫn không mất.
Trước sau biết bao đời
Do ái si kéo dài
Khổ vui tự mình tạo
Thân chết, thần còn lại.
Trưởng giả nghe kệ xong, chợt thông hiểu không còn đau buồn, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, người con này đời trước gây tội gì mà đời nay phải yểu mạng như vậy? Xin Ngài hãy giảng nói rõ gốc tội.
Đức Phật bảo trưởng giả:
–Đời quá khứ có một đứa bé mang cung tên đến một cây thần chơi. Bên cạnh đó cũng có ba người nữa. Thấy trên cây có con chim sẻ, đứa bé muốn bắn. Ba người kia thấy vậy khuyến khích: “Bắn trúng được con chim sẻ đó, mới thật là bậc tiểu anh hùng.”
Đứa bé nghe vậy thích quá liền giơ cung bắn. Chim sẻ trúng tên rơi xuống đất chết. Ba người kia khen ngợi rồi bỏ đi. Trải qua vô số kiếp trong sinh tử họ lại gặp gỡ và cùng thọ tội. Một người trong bọn có phước nay ở cõi trời. Một người hóa sinh làm Long vương ở trong biển. Còn một người làm thân trưởng giả. Đứa bé cầm tên bắn chim chính là con ông ngày nay. Đời trước nó sinh làm con của người cõi trời, rồi mạng chung sinh làm con của trưởng giả. Giờ đây nó té chết lại sinh làm con của người làm Long vương dưới biển. Ngày nó vừa sinh ra đã bị chim Kim sí điểu vương bắt ăn thịt.
Ngày nay bọn ông ba người ở ba nơi đều vì đứa nhỏ mà buồn khổ than khóc thì có chi đáng nói đâu! Do vì ba ông đã tán trợ thú vui giết chim của đứa bé nên phải chịu báo ứng khổ đau than khóc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Thức tâm tạo ba cõi
Năm chỗ thiện, bất thiện
Thầm làm, thầm đưa đến
Chỗ đến, như tiếng vang.
Dục, Sắc, Vô sắc giới
Tất cả do túc nghiệp
Như giống nào trái nấy
Báo như bóng theo hình.
Đức Phật nói kệ xong muốn khiến trưởng giả giác ngộ, nên đã dùng thần thông khiến cho mọi người thấy túc mạng, những việc đã xảy ra ở cõi trời, cõi của loài rồng. Trưởng giả nghe xong hoan hỷ đứng dậy, ra trước Phật quỳ xuống chắp tay bạch:
–Xin Đức Thế Tôn cho cả nhà chúng con là đệ tử, thọ trì Ngũ giới làm cư sĩ tại gia.
Đức Phật hứa khả, truyền trao Ngũ giới cho họ, rồi lại thuyết pháp về nghĩa vô thường. Mọi người hoan hỷ đắc quả Tu-đà-hoàn.