Công đức thọ Bát Quan Trai – Ông thọ thần tán thán trai giới
Chúng con xin cung kính trích trong
T016 BẢN DUYÊN VII 211-Q2-P14 Dụ Hoa Hương-Pháp Cú Thí Dụ
Thí dụ 41:
Thuở xưa, Đức Phật thuyết pháp cho các hàng trời người ở tinh xá Kỳ thọ Cấp cô độc nước Xá-vệ. Phía Đông nước này có một nước tên là Uất-đa-la-ba-đề. Nơi đây có năm trăm vị Bà-la-môn định kéo nhau đến sông Hằng vì nghe nói bên bờ sông có ba ao thờ thần nên định tắm nước nơi đó để rửa sạch cấu uế, rồi khỏa thân tu theo pháp của bọn Ni-kiền.
Đi giữa đường họ gặp một cái đầm lớn, lạc lối không làm sao qua được, lại thiếu thốn lương thực. Họ từ xa bỗng trông thấy một cội cây to như có thần khí, tưởng rằng có người ở nên chạy đến bên gốc cây, song chẳng thấy ai cả. Năm trăm Bà-la-môn lớn tiếng than khóc, cho rằng chắc sẽ đói khát chết tại đầm này. Thọ thần liền hiện ra hình người đến hỏi các Bà-la-môn:
–Đạo sĩ các vị từ đâu đến và định làm gì?
Cả nhóm đồng thanh đáp:
–Chúng tôi định đến ao nước thần tắm rửa cầu tu đạo tiên. Nay lạc đường đói khát xin nhờ ông thương xót cứu giúp cho.
Thọ thần liền duỗi tay, một trăm món ăn uống ngon lành từ đó hiện ra. Mọi người được ăn một bữa no nê. Số thức ăn còn thừa đủ để mang theo dọc đường. Lúc sắp ra đi các Bà-la-môn đến chỗ thần hỏi thăm:
–Ngài trước đây tu tạo công đức gì mà được oai lực như vậy?
Thọ thần đáp:
–Tôi thuở trước ở nước Xá-vệ. Lúc đó có một đại thần trong nước tên là Tu-đạt. Ông ấy muốn cúng dường thức ăn cho Đức Phật và chúng Tăng nên ra chợ mua sữa tô lạc. Vì không có ai xách, nên Tu-đạt tìm mướn tôi xách giùm. Về đến tinh xá ông lại nhờ tôi múc ra cúng dường. Sau khi làm xong, tôi nhân đó còn được nghe thuyết pháp. Tôi bỗng sinh tâm hoan hỷ, thọ trì trai giới, nên chiều về nhà không ăn cơm. Vợ tôi lấy làm lạ hỏi: “Ông giận gì mà không ăn cơm?
Tôi đáp: “Tôi không giận gì cả. Hôm nay tôi đi chợ gặp trưởng giả Tu-đạt cúng dường thức ăn cho Đức Phật nơi vườn nên tôi đến đó trì trai. Trai gọi là Bát quan trai.”
Người vợ nghe nói nổi giận bảo: “Ông Cù-đàm làm loạn lẽ thường, đâu đáng cho ông theo! Ông bỏ cả truyền thống thì sẽ gặp tai họa.”
Người vợ cứ cằn nhằn thúc ép mãi, kẹt quá tôi đành phải ăn cơm với vợ.
Đêm đó thọ mạng ta hết, lúc lâm chung vào lúc nửa đêm, thần thức thác sinh vào chỗ này. Vì người vợ ngu si phá hoại trai pháp của tôi, khiến tôi không trọn nghiệp lành nên phải thác sinh làm thọ thần nơi đầm này. Nhờ phước mang sữa lạc cho Đức Phật nên tay có thể hiện ra các món ăn uống. Nếu tôi giữ trai pháp trọn vẹn sẽ được sinh Thiên, hưởng mọi an lạc.
Thọ thần liền nói kệ:
Cầu cúng gieo mầm họa
Dần dần lớn lá cành
Chỉ khổ, hại bản thân
Trai pháp: tiên độ thế.
Các Bà-la-môn nghe xong hết mê lầm, tin nhận, cùng nhau trở về, sang nước Xá-vệ. Trên đường họ đi ngang một nước tên là Câu-lam-ni. Trong nước có một vị trưởng giả tên là Mỹ Âm hay làm phước giúp đỡ mọi người, ai ai cũng tôn kính. Các Bà-la-môn ghé qua nhà ông nghỉ đêm. Trưởng giả hỏi:
–Các đạo sĩ từ đâu đến? Giờ định đi về đâu?
Các Bà-la-môn thuật lại công đức của thọ thần, tỏ ý muốn qua nước Xá-vệ đến chỗ ông Tu-đạt thọ trì trai pháp mong được phước đức.
Mỹ Âm nghe xong vô cùng hoan hỷ, căn lành thuở trước dấy khởi, tin hiểu Phật pháp. Ông bèn thông báo gia tộc ai muốn thì cùng đi theo thọ trai giới. Tất cả có năm trăm người xin theo, oai nghi trang nghiêm cùng nhau đến nước Xá-vệ. Chưa đến tinh xá Kỳ hoàn, giữa đường đoàn người gặp Tu-đạt, song không biết nên hỏi kẻ đi theo ông:
–Đây là ai vậy?
Đáp rằng:
–Đó chính là Tu-đạt!
Bà-la-môn và tất cả mọi người hoan hỷ đuổi theo Tu-đạt nói:
–Nguyện vọng của chúng ta thành rồi. Tìm người gặp người nên đuổi theo để ra mắt.
Khi gặp, mọi người thuật lại đầy đủ việc gặp thọ thần và nghe thọ thần kể chuyện ra sao, xong lại tiếp:
–Thọ thần tán thán công đức ông, nên chúng tôi đến để theo học. Xin hãy dừng xe chỉ dạy cho chúng tôi trai pháp.
Tu-đạt nói rằng:
–Các vị cầu mong điều thiện lớn. Tôn sư của tôi là Đức Như Lai luôn giúp đỡ và độ thoát cho mọi người. Nay Ngài đang ở tinh xá Kỳ hoàn rất gần, xin hãy cùng nhau đến đó.
Nghe xong tất cả đều kính mộ cùng Tu-đạt đến tinh xá Kỳ hoàn. Các Bà-la-môn xa trông thấy Đức Như Lai đều hoan hỷ khôn xiết, vội đảnh lễ sát đất, lui về một bên rồi quỳ bạch Phật:
–Chúng con ban đầu rời nhà định đến ba ao thần tắm rửa cầu đạo tiên. Trên đường gặp Thọ thần kể lại mọi việc, nên đến đây xin theo Ngài tu học. Xin Đức Như Lai khai thị cho pháp vi diệu tối thượng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dựa theo hạnh nghiệp của họ mà nói kệ:
Dầu khỏa thân, cắt tóc
Mặc mãi áo cỏ gai
Tắm gội hay ngồi xổm
Sao hết được nghi hoặc?
Không đánh giết, thiêu đốt
Cũng không lấn lướt ai
Từ bi với mọi người
Đến đâu cũng không oán.
Năm trăm Bà-la-môn nghe kệ hoan hỷ, xin làm Sa-môn đắc được quả A-la-hán. Còn Mỹ Âm và thân tộc chứng được Pháp nhãn.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
–Năm trăm vị Bà-la-môn các vị trưởng giả đời trước tu tạo công đức gì mà nay mau chóng đạt đạo?
Đức Thế Tôn dạy:
–Trong thời quá khứ lâu xa, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp. Ngài thuyết pháp cho các hàng đệ tử về thời ngũ trược vị lai. Lúc đó có một ngàn Bà-la-môn và trưởng giả nghe xong đồng phát nguyện: “Chúng con nguyện gặp Đức Phật Thích-ca Văn.” Các vị Bà-la-môn thuở đó nay chính là các vị Bà-la-môn này. Còn các vị trưởng giả thuở đó là nhóm trưởng giả Mỹ Âm hiện nay. Do nhân duyên này họ gặp được Ta liền giác ngộ.
Các Tỳ-kheo nghe xong hoan hỷ làm lễ y giáo phụng hành.
Công đức thọ Bát Quan Trai – Vơ vua Ưu Điền không bị thương nhờ giữ 8 quan trai giới
Chúng con xin cung kính trích trong
T016 BẢN DUYÊN VII 211-Q4 Dụ Ái Dục-Pháp Cú Thí Dụ
Phẩm 36: LỢI DƯỠNG, Thí dụ 66
Thuở xưa, Đức Phật dẫn các đệ tử đến tinh xá Mỹ âm thuộc nước Câu-đàm-di thuyết pháp cho hàng trời, người, rồng, thần. Lúc ấy, vua nước này tên là Ưu Điền, có một vị đại phu nhân tính tình nhân từ, được khen ngợi là trong sạch. Vua rất yêu quý, kính trọng tiết hạnh của bà. Vua nghe Đức Phật đến thuyết pháp nên cùng phu nhân xa giá đến chỗ Phật làm lễ rồi ngồi qua một bên. Đức Phật vì vua, phu nhân và thể nữ thuyết pháp vô thường, khổ, không; người ta do đâu tái sinh, hội họp rồi phải chia ly, oán ghét gặp gỡ nhau khổ; do phước sinh lên cõi trời, vì ác phải đọa địa ngục.
Vua và phu nhân hoan hỷ tin hiểu, đều thọ Ngũ giới làm Phật tử tịnh tín rồi từ giã trở về cung. Lúc ấy, có một vị Bà-la-môn tên là Kiết Tinh sinh được một người con gái xinh đẹp vô song. Đến năm mười sáu, sắc đẹp của cô thật toàn vẹn không kém khuyết điểm nào. Ông Bà-la-môn treo giải ngàn lạng vàng cho ai phê bình một điểm xấu của con gái mình. Thế mà suốt ba tháng vẫn không có người làm được.
Ông Bà-la-môn nghĩ con gái mình đã đến tuổi lấy chồng, nếu ai khôi ngôi tuấn tú xứng đôi thì sẽ gả cho.
Ông nghe nói Sa-môn Cù-đàm dòng họ Thích-ca, tướng mạo kim sắc hiếm có trên đời, nên dẫn con gái đến gả cho Đức Phật. Ông đưa con gái đến, chào hỏi xong, rồi thưa với Phật:
–Con gái tôi xinh đẹp hiếm có trẹn đời, nay đã trưởng thành phải gả chồng nhưng trên đời này không có kẻ xứng đôi. Ngài Cù-đàm đây đẹp đẽ vô song nên dẫn nó từ nơi xa xôi đến để gả cho Thế Tôn Ngài vậy. Đức Phật nói với Kiết Tinh:
–Nét xinh đẹp của con gái ông là cái đẹp quý của gia đình ông, còn cái đẹp của Ta là cái đẹp quý của chư Phật. Quan niệm về cái đẹp quý của chúng ta khác nhau. Ông tự khen con gái mình xinh đẹp, song Ta xét ra chỉ giống một cái bình tô vẽ đẹp nhưng lại đựng đồ bất tịnh hôi dơ, có gì đáng quý đâu? Sắc vóc xinh đẹp là chỗ dính mắc của năm tên giặc lớn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Tư dung đẹp đẽ là tai họa lớn của thân. Tan nhà nát cửa, giết mình hại thân tộc đều do nữ sắc mà ra. Ta làm Sa-môn sống một mình còn sợ bị tai ách, huống hồ lại phải cưu mang quà tặng chứa đầy tai nạn giặc dữ kia! Ông hãy đem đi, Ta không nhận đâu.
Ông Bà-la-môn nghe vậy nổi giận liền bỏ đi. Ông đưa con gái đến ra mắt vua Ưu Điền, khen ngợi vẻ đẹp của con mình, rồi thưa:
–Con gái tôi đáng bậc vương phi, nay đã trưởng thành nên đưa đến dâng vua.
Vua nhìn nàng đẹp dạ bèn đồng ý và phong làm đệ nhị tả phu nhân, ban cho Kiết Tinh đai ấn, vàng bạc châu báu rồi phong làm quan kề cận giúp vua. Cô con gái sau khi đắc sủng, ôm lòng ganh ghét thường mê hoặc vua. Nhiều lần cô tìm cách gièm pha đại phu nhân, song vua đều quát lớn:
–Khanh chỉ đặt điều yêu mị không thật. Đại phu nhân là người tiết hạnh đáng quý mà lại gièm pha.
Cô này do lòng đố kỵ nên vẫn rắp tâm làm hại đại phu nhân, luôn tìm dịp tâu ra tâu vào khiến vua từ từ cũng xiêu lòng tin theo. Một hôm cô tìm ra một cơ hội, nhân ngày trai giới lại khuyên vua:
–Cuộc vui hôm nay xin mời hữu phu nhân ra dự.
Vua nghe lời ra lệnh hai hậu đều tham dự. Nhưng đại phu nhân vì trì trai giới nên không vâng lệnh. Vua ba lần cho người gọi mà bà nhất định trì trai không ra. Vua nổi giận sai người lôi ra, bắt trói trước điện rồi lấy cung định bắn chết. Đại phu nhân vẫn không sợ hãi, nhất tâm quy y Phật. Vua nhắm phu nhân bắn, không ngờ mũi tên bay lại phía sau vua. Bắn mấy phát liền đều như vậy cả. Lúc ấy vua cảm thấy sợ hãi vội buông cung xuống đích thân cởi trói cho đại phu nhân, rồi hỏi:
–Khanh có pháp thuật lạ gì mà khiến như thế?
Phu nhân trả lời:
–Thiếp chỉ phụng thờ Như Lai, quy y Tam bảo. Sáng nay thiếp thọ trai giới của Phật không ăn quá ngọ. Lại nữa giữ tám giới của Phật không được trang sức. Đây chắc là Đức Thế Tôn từ bi gia hộ khiến được như thế.
Vua nói:
–Lành thay! Sao không nói sớm cho trẫm?
Vua liền đuổi con gái của Kiết Tinh về nhà rồi giao cho đại phu nhân coi quản hết mọi việc trong cung.
Sau đó vua, phu nhân, các phi tần hậu cung và thái tử dẫn theo xa giá đến chỗ Đức Phật. Sau khi làm lễ xong, mọi người ngồi qua một bên chắp tay nghe pháp. Vua liền đem những việc đã xảy ra thuật lại đầy đủ cho Phật nghe. Đức Phật nghe xong bảo:
–Này Đại vương, người nữ yêu tà độc ác có tám mươi bốn phong thái. Trong đó có tám phong thái chính bị người trí tuệ ghét. Đó là:
- Tật đố.
- Giận càn.
- Mắng chửi.
- Trù rủa.
- Trấn áp.
- Keo lận, tham lam.
- Ham trang sức.
- Ôm lòng thâm độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Dầu trời mưa thất bảo
Dục tâm thỏa được nào!
Vui ít khổ biết bao
Ai giác ngộ: Hiền trí.
Dầu dục lạc cõi trời
Trí giả xả không tham
Vui viễn ly ân ái
Làm đệ tử Phật-đà.
Đức Phật nói với vua:
–Người ta làm phước tạo tội, mỗi thứ đều có tính chất riêng. Cho nên thọ quả báo vui khổ cũng khác nhau xa. Nếu thực hành pháp lục trai giới sẽ được phước rất nhiều, chư Phật đều khen ngợi và khi chết sẽ được sinh Thiên hưởng phước an vui.
Đức Phật nói xong, vua, phu nhân, thể nữ và các quan đại thần tâm ý đều khai ngộ, thấy được đạo.