Site Overlay

Tánh tướng không thể thông thì nên niệm Phật về Tây Phương trước rồi sẽ được khai ngộ sau

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên, quyển 3

Thư 14. Lời đề từ và bài tựa cho sách Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Giảng Nghĩa

Thế pháp, xuất thế pháp,

Chỉ do một tâm tạo.

Tâm sanh thì pháp sanh,

Tâm diệt, pháp bèn diệt.

Muốn hiểu cách diệt tâm,

Phải biết cội nguồn pháp.

Hễ hiểu cội nguồn pháp,

Pháp diệt, tâm chẳng còn.

Ngũ Uẩn đã không tịch,

Nhất Chân cũng chẳng lập.

Viên mãn Bồ Đề đạo,

Độ hết thảy khổ ách.

Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận là do Thiên Thân Bồ Tát muốn cho người đời đều biết bản thể bất sanh, bất diệt, thường trụ bất biến của cái tâm, nên tạo ra luận này nhằm giảng rõ: “Tất cả các pháp thế gian hay xuất thế gian nếu gom về số mục đại cương thì có một trăm pháp”. Trong một trăm pháp ấy, chỉ có một pháp Chân Như là chủ thể, những pháp khác đều nương theo Chân Như mà lập. Nếu hiểu rõ hết thảy các pháp vốn tự bất sanh thì hết thảy các pháp đều là Chân Như. Như vậy thì pháp nào cũng viên thông, sự gì cũng là đạo. Tịch – chiếu cùng dung thông, đâu đâu cũng gặp nguồn. Nếu tùy theo căn cơ để lợi sanh thì vạn đức phô bày trọn vẹn. Nếu tâm ngầm khế lý thì một pháp chẳng lập!

Quán Thế Âm Bồ Tát dùng Bát Nhã sâu xa để soi thấy Ngũ Uẩn đều không. Ngũ Uẩn là danh xưng đại lược của trăm pháp. Đã thấy chúng đều là không thì Ngũ Uẩn đều trở thành Bát Nhã sâu xa. Như Phật quang vừa chiếu đến thì mọi tối tăm đều tiêu, không một tí tẹo đen tối nào còn lưu lại được! Người học đạo hiểu được chỗ quan yếu này thì Tánh hay Tướng, Hiển hay Mật đều hệt như nhau. Nếu không, sẽ chấp vào lời lẽ, trọn chẳng có chỗ chỉ quy; vào biển đếm cát, uổng công nhọc nhằn! Cư sĩ Quý Thánh Nhất túc căn sâu dầy, quyết chí siêng học, thân cận pháp sư Đế Nhàn chùa Quán Tông đã lâu, đã hiểu được tâm yếu của tông Thiên Thai, lại còn đọc rộng rãi các kinh luận thuộc Tánh – Tướng, hiểu trọn vẹn các đế lý Chân và Tục. Khi trước đã chú giải Tâm Kinh, nay lại chú giải luận này để mong sao Tánh Tông lẫn Tướng Tông đều như nước hòa với sữa, tu trì đơn hay kép tùy theo ý mình ưa thích. Ông ta dùng những từ rõ ràng dễ hiểu để xiển dương khiến cho [người đọc có thể] hiểu được lý sâu.

Ấy là vì muốn cho người đọc đều cùng mở mang tri kiến chân chánh, cùng ngộ pháp môn duy tâm, cùng chứng được Chân Như sẵn có trong trăm pháp, cùng thấy được tướng Không của các pháp nơi Ngũ Uẩn. Nếu người học từ chỗ rộng rãi thấy được chỗ ước lược, biết được cái chủ yếu trong mọi điều thì chẳng những các pháp chẳng thể đạt được mà ngay cả Chân Như, tướng Không cũng chẳng thể đạt được! Có như vậy thì mới vui sướng cuộc đời, không còn có chuyện gì phải vướng mắc nữa! Nếu như căn cơ kém hèn, chẳng thể đạt được như vậy; cố nhiên hãy nên sanh lòng tin phát nguyện, niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, như ngài Vĩnh Minh đã dạy: “Nhược đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ” (Nếu được thấy Di Đà, lo chi chẳng khai ngộ) chính là vì ý này. Do Quang mong trở về mà chưa được, thường nghĩ đến những ai đang còn rong ruổi nên mới nói lời này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *