Site Overlay

Ham cao chuộng xa hay tự ty đều chẳng vãnh sanh được

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2

385. Thư trả lời cư sĩ Châu Trí Mậu (thư thứ bảy)

Còn như ông đã nói trước đây “chỉ cầu chẳng đọa ác đạo là được rồi”; lời ấy ngàn vạn phần chớ nên để manh nha trong lòng, thốt ra ngoài miệng, hay viết ra. Nếu có ý niệm ấy, sẽ chẳng vãng sanh được! Vãng sanh hoàn toàn cậy vào tín nguyện quyết định. Giữ ý niệm ấy chính là không có tâm quyết định cầu sanh. Có tâm quyết định chẳng cầu sanh sẽ có hại chẳng nhỏ đâu! Đã đánh mất tông chỉ Tịnh Độ, làm sao hưởng lợi ích chân thật là vãng sanh Tịnh Độ cho được?

Còn như Hóa Tam nhất tâm niệm Phật, thề sanh Cực Lạc, được vãng sanh hay không vãng sanh đều chẳng màng tới, đến nỗi không vãng sanh cũng tốt! Đấy chính là cái tâm xa lìa lo nghĩ, chính là học đòi kiểu ăn nói lớn lối của bên Tông, bên Giáo! Nếu ông là Pháp Thân đại sĩ thì lời ấy mới là thật nghĩa. Nhưng bậc Pháp Thân đại sĩ muốn lợi ích phàm phu cũng chớ nên thốt ra lời ấy! Nếu là phàm phu sát đất lại còn cầu sanh Tây Phương mà thốt ra lời ấy tức là nói nhăng, nói càn, tự lầm, lầm người, gây hại há thể cùng cực? Ngàn vạn phần chớ nên thuận theo! Thuận theo sẽ chẳng có phần vãng sanh đâu nhé!

Phàm phu vãng sanh hoàn toàn cậy vào tâm niệm chí thành tha thiết. Kẻ phó hết thảy cho vô niệm làm sao cảm ứng đạo giao được! Sự cảm ứng đạo giao ấy hoàn toàn do chí thành khẩn thiết quyết định niệm. Bậc chứng vô niệm mới có thể nói lời ấy, chứ kẻ chưa chứng vô niệm mà thốt ra lời ấy đều thành lầm lạc như Tô Đông Pha lúc lâm chung, chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng đau ư? Còn như nói: “Đừng nói là nghiên cứu luận Khởi Tín, hãy tùy sức kham làm được mà đọc rộng rãi Tam Tạng mười hai bộ”. Lời ấy đem nói với bậc thượng trí thì là lời tốt lành, khế lý, khế cơ; chứ bảo với bậc trung hạ sẽ phạm lỗi tràn lan, lẫn lộn, thiếu phương hướng! Nói dễ dàng sao? Thử hỏi ông và Hóa Tam có phải là căn tánh ấy hay không?

Tông môn dạy người khán một câu chẳng có ý nghĩa gì! Tịnh Độ dạy người chuyên trì Phật hiệu, bởi tóm gọn sẽ dễ đắc lực, hễ thênh thang sẽ khó được lợi ích! Ngay như bên Giáo, tuy nói “không giảng diễn rộng rãi sẽ không được”, nhưng vẫn cần phải “chuyên nghiệp” (dốc sức nghiên cứu chuyên tinh một kinh luận nào đó) thì mới là thật tu! Thêm nữa, coi kinh thì có kẻ nhằm để gieo thiện căn, có kẻ để mở mang tri kiến, có kẻ lấy đó làm công khóa khác nhau. Để gieo thiện căn thì [các kinh luận trong] Tam Tạng giống như nhau, không phân đây – kia! Để mở mang tri kiến, hãy chọn lấy loại vừa dễ hiểu lại vừa khế cơ. Để làm công khóa thì chuyên tâm thọ trì một hoặc hai thứ, chí thành, khẩn thiết, cứ thẳng đường mà đọc, hiểu cũng chẳng phân biệt, không hiểu cũng chẳng phân biệt, xem lâu ngày chầy tháng sẽ được nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước dầy. Lời Hóa Tam đã nói chính là “ham cao, chuộng xa!” Xin hãy đưa thư này cho Hóa Tam xem, ngõ hầu có thể quở trách được cố tật của ông ta.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *