Site Overlay

Quy tắc lập ngôn, trước tác, trích lục

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 1

65. Thư gởi cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ mười bảy)

Đạo lập ngôn muôn vàn khó khăn, dẫu học vấn uyên bác, nhưng muốn trước tác hoặc trích lục những câu danh ngôn, ắt phải suy xét, châm chước kỹ càng.

Phần lớn những trước tác của người thông minh trong đời sau phần nhiều đều có chỗ không suy xét kỹ càng, tài sức có thừa mà chẳng chịu châm chước đôi ba phen, viết lách cẩu thả! Tuy có thể làm lợi cho người khác, người ta tưởng mình là bậc thông suốt bèn dựa theo đó đem sai lầm lưu truyền sai lầm thì lỗi ấy cũng chẳng phải nông cạn!

Chú giải của Tâm Kinh rất nhiều, bản đang được lưu thông hiện thời là bản tổng hợp lời chú giải của năm vị [thiện tri thức] gộp thành một bản. Những bản chú giải khác được thấy ở các nơi hoặc trong các sách; nhưng kinh nghĩa vô tận, tùy theo sự thấy biết của mỗi người mà soạn lời chú thích. Các hạ phán định là “sai lầm, tùy tiện rất nhiều” khôn ngăn khiến cho người khác kinh hồn vỡ mật.

Tịnh Độ Tông Nhật Bản coi ngài Thiện Đạo là Sơ Tổ, lý lẽ ấy không xác đáng cho lắm. Vì một pháp Tịnh Độ từ Viễn Công trở đi thì đời nào cũng chẳng thiếu người cực lực hoằng truyền, xiển dương. Ngay như nước ta chọn ngài Thiện Đạo làm Nhị Tổ cũng là chuyện ngẫu nhiên; chứ không phải là sau ngài Viễn Công, không có một ai hoằng dương tông này! Đối với tiết mục này có lẽ nên y theo xưa, theo lệ của nước ta. Há nên đem sai lầm truyền bá sai lầm, đến nỗi gây nghi ngờ bàn định cho người đời sau ư?

Người đại thông minh, đại danh nhân, lập ngôn ắt phải suy xét kỹ càng, chớ nên cẩu thả bởi người ta sẽ lấy mình làm mẫu mực. Nếu kẻ bình thường có chỗ sai lầm thì người khác còn dễ biết, dễ sửa. Nếu là danh nhân, ắt người ta sẽ tưởng sai là đúng, truyền bảo sai ngoa cho nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *