Site Overlay

Lời giảng của chư Tổ về Bốn cõi Tịnh Độ

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 1

30. Thư trả lời pháp sư Hằng Tàm (thư thứ nhất)

Câu hỏi này thường được giải thích trong Văn Sao, nay lại trình bày đại lược. Cõi Phật có bốn, tức là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ, Thường Tịch Quang Độ.

          1) Phàm Thánh Đồng Cư Độ: Thế giới Sa Bà tuy thuộc uế độ, nhưng cũng có Phật, Bồ Tát, thánh nhân Nhị Thừa cùng sống trong ấy. Tuy vậy, cảnh được thấy cũng như sự thọ dụng giữa thánh và phàm khác biệt vời vợi một trời, một vực! Ở Tây Phương, luận theo phía những người đới nghiệp vãng sanh thì họ sẽ sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ, nhưng cõi ấy vi diệu thanh tịnh như đã nói trong A Di Đà Kinh và Vô Lượng Thọ Kinh. Cõi ấy tuy là chỗ của người đới nghiệp vãng sanh sống, nhưng cũng có Pháp Thân Bồ Tát và Phật cùng sống trong ấy, thuyết pháp cho họ, nên cũng gọi là Phàm Thánh Đồng Cư độ. Nhưng do cõi ấy là cõi dành cho người vãng sanh Tịnh Độ, nên tuy chưa thể thù thắng nhiệm mầu như trong sự thấy biết và thọ dụng của Phật, Bồ Tát, nhưng khá giống nhau về mọi phương diện, chẳng hoàn toàn khác biệt như trong cõi Sa Bà. Cõi này cũng chia thành chín phẩm. Nếu là sáu phẩm Trung Hạ thì phần nhiều cần phải mất cả thời kiếp [mới giác ngộ], còn ba phẩm Thượng thì sẽ ngộ Vô Sanh Nhẫn nhanh chóng (ngộ Vô Sanh Nhẫn mới vào được cõi Thật Báo), chứng địa vị Bất Thoái, chứng nhập Thật Báo, Tịch Quang.

2) Phương Tiện Hữu Dư Độ: Chính là cõi dành cho người đã đoạn Kiến Hoặc, Tư Hoặc, nhưng chưa phá được vô minh. Nói “Phương Tiện” là vì những gì họ tu đều thuộc về phương tiện trước khi chứng nhập Chân Thật. Nói “Hữu Dư” là vì tuy đã đoạn Kiến Hoặc, Tư Hoặc, nhưng chưa phá vô minh (Trần Sa không có thể tánh, nói hay không nói đều được. Nếu nói thì người thuộc vào chín phương tiện này đã phá được Trần Sa Hoặc rồi), vì thế gọi là “Hữu Dư”. Nếu phá vô minh thì được gọi là Phần Chứng Vô Dư. Nếu vô minh hết sạch (chín phương tiện chính là Nhị Thừa trong Tạng Giáo, Tam Thừa trong Thông Giáo1, Tam Hiền2 trong Biệt Giáo3, Thập Tín trong Viên Giáo. Chín hạng người này cùng đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chưa phá vô minh) sẽ là Vô Dư rốt ráo.

          3) Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ: Chính là báo độ được cảm bởi phước huệ trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát.

          4) Thường Tịch Quang Độ: Chính là lý tánh được chứng bởi Phật, Bồ Tát.

          Hai cõi này (tức Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ và Thường Tịch Quang Độ) vốn thuộc về cùng một cõi. Nếu nói theo cõi do quả báo cảm được thì gọi là Thật Báo, nếu luận trên lý tánh đã chứng thì gọi là Tịch Quang. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo mới phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Tam Đức, liền nhập cõi Thật Báo, cũng gọi là Phần Chứng Tịch Quang. Nếu đạt đến Phật quả Diệu Giác thì là Thượng Thượng Thật Báo, Tịch Quang rốt ráo vậy. Muốn cho người khác dễ ngộ nên những vị giảng kinh mới gộp “người phần chứng” về Thật Báo, gom “người rốt ráo chứng” về Tịch Quang. Chứ thật ra, hễ Phần Chứng thì hai cõi đều Phần Chứng, rốt ráo thì hai cõi đều rốt ráo vậy.

Cõi Thật Báo thì chỉ có người phá vô minh, chứng pháp tánh thấy được, há nên cho rằng người đới nghiệp vãng sanh sẽ sanh vào Thật Báo ư? Sanh về cõi Đồng Cư là do tín nguyện niệm Phật, được Phật tiếp dẫn mà sanh [về đấy]. Tuy họ chưa đoạn được Phiền Hoặc, nhưng do trong được nương vào sức tự tánh của đức Phật trong tâm, ngoài được sức từ bi của A Di Đà Phật cảm ứng đạo giao, nên tuy chưa đoạn được Phiền Hoặc mà Phiền Hoặc chẳng còn có tác dụng nữa! Vì thế được sanh về cõi Đồng Cư thanh tịnh tột bậc!

Ông nghi “sẽ sanh về cõi chẳng thanh tịnh và chẳng thể thấy ngay được sắc thân thắng diệu của Phật A Di Đà và những chúng sanh cõi ấy” là vì ông tưởng cách hiểu của ông là đúng, còn thệ nguyện của đức Di Đà, ngôn giáo của Phật Thích Ca, những trước thuật nhằm nêu tỏ của các vị Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức đều sai be bét, chỉ có hiểu như ông mới là đích xác nhất, cao siêu nhất! Ông thấy biết như vậy tức là báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, tương lai sẽ cùng Đề Bà Đạt Đa hưởng Cực Lạc trong đại địa ngục A Tỳ, vui sướng chẳng thể nào ví dụ được! Sợ rằng đến hết đời vị lai vẫn thọ dụng chẳng gián đoạn những sự vui sướng ấy! Ông muốn hưởng sự vui ấy, xin hãy y theo tri kiến của ông mà nói; còn nếu chẳng muốn hưởng sự vui ấy, dẫu cho bị oai thế bức bách cũng chớ nên nói [những lời lẽ ấy].

Hạ Phẩm Hạ Sanh là hạng tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cực nặng, do khi lâm chung tướng địa ngục đã hiện, sanh lòng sợ hãi lớn lao, gặp thiện tri thức dạy niệm Phật, do cái tâm sợ khổ cầu cứu mạnh mẽ, tha thiết cùng cực, nên tuy niệm không nhiều, mà trong một niệm tâm quang đã cảm được Phật. Vì thế, đức Phật liền rủ lòng tiếp dẫn để ứng, bèn được vãng sanh. Họ ở trong hoa [sen] mười hai đại kiếp là vì lúc sống tội nghiệp nặng nề, thiện căn nông cạn, vì thế hoa sen chậm nở nhất; nhưng sự sung sướng của những người ấy ở trong hoa còn hơn sự vui trong Tam Thiền Thiên! (Sự vui trong thế gian thì Tam Thiền thật là bậc nhất), nào có thiếu sót, tiếc nuối chi đâu? Cõi Thật Báo chỉ hàng Pháp Thân Đại Sĩ mới thấy được, cố nhiên không phân chia Sa Bà, Cực Lạc! Thệ nguyện từ bi của đức Phật chính là vì kẻ chưa đoạn Hoặc không có cách gì liễu sanh tử được, nên riêng lập ra pháp môn đặc biệt “cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương” này để những ai có tâm sẽ tu được, phàm những ai có tín nguyện niệm Phật đều được vãng sanh. Đấy chính là tâm đại từ bi phổ độ chúng sanh của đức Thích Ca và Di Đà. Nghĩ đến điều này sẽ cảm kích cùng cực, rơi lệ, lẽ nào còn rảnh rỗi để suy cuồng nghĩ loạn, cậy vào những thứ tri kiến của chính mình để bắt bẻ nữa ư?

  1. Thông Giáo là một trong bốn giáo do Tông Thiên Thai thành lập, coi những giáo pháp thuộc thời Phương Đẳng và Bát Nhã đều thuộc về Thông Giáo. Theo cuốn Tứ Giáo Nghĩa của Trí Giả đại sư thì chữ Thông gồm tám nghĩa:

    1) Giáo thông: Ba thừa cùng vâng nhận giáo pháp này.

    2) Lý thông: Ba thừa cùng thấy lý thiên chân.

    3) Trí thông: Ba thừa cùng được Nhất Thiết Trí khéo độ.

    4) Đoạn thông: Ba thừa cùng đoạn những Kiến Hoặc, Tư Hoặc trong tam giới.

    5) Hạnh thông: Ba thừa cùng tu những hạnh khiến Kiến Hoặc, Tư Hoặc đều không còn sót thừa.

    6) Vị thông: Ba thừa cùng trải qua những địa vị từ Càn Huệ cho đến Bích Chi Phật.

    7) Nhân thông: Ba thừa cùng lấy chín thứ vô ngại làm nhân.

    8) Quả thông: Ba thừa cùng đắc hai thứ Niết Bàn giải thoát

  2. Địa vị Tam Hiền trong Đại Thừa là những quả vị trước khi chứng được mười địa vị thuộc về hàng Thập Địa Bồ Tát. Như vậy Tam Hiền gồm ba mươi địa vị thuộc Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng.
  3. Theo Tông Thiên Thai, Biệt Giáo bao gồm những giáo nghĩa chỉ dành riêng cho căn cơ Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v… Những pháp ấy hàng Nhị Thừa không thể lãnh hội hoặc tin nhận được nên gọi là Biệt. Giáo pháp ấy riêng vì hàng Bồ Tát mà nói ra hằng sa lý Tục Đế, dùng Đạo Chủng Trí đoạn Trần Sa Hoặc và những Kiến Hoặc, Tư Hoặc ở ngoài tam giới, phá Vô Minh Hoặc, tu các Ba La Mật để tự hành hóa tha… Do giáo pháp này không dành cho Nhị Thừa nên còn gọi là Bất Cộng Giáo. Biệt Giáo chú trọng dạy về những Sự vượt ngoài tam giới, nhưng sự lý chưa viên dung tương tức như trong Viên giáo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *