Site Overlay

Dâm dục

Đức Phật dạy dục từ tưởng nhớ sinh

Chúng con xin cung kính trích trong

daitangkinh.org

Bộ Bản Duyên 7, T016, số 211-Q4-P35KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

Phẩm 35: DỤ ÁI DỤC

Thí dụ 65:
Thuở xưa, Đức Phật trú tại tinh xá nước Xá-vệ vì hàng trời, rồng, quỷ, thần, vua chúa, quan dân thuyết pháp. Lúc ấy có hai gã lêu lỏng lang thang kết thân với nhau, đi đâu cũng có mặt như hình với bóng. Hai người bàn nhau muốn làm Sa-môn, bèn đến chỗ Phật làm lễ, rồi quỳ xuống chắp tay thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, chúng con muốn xuất gia làm Sa-môn, xin Ngài thâu nhận.
Đức Phật cho phép hai người xuất gia làm Sa-môn, rồi cho ở chung một phòng. Hai người sống chung vì tập khí thế gian còn sâu dày nên suốt ngày chỉ nhớ chuyện ân ái vinh hoa của thế gian. Họ thường xuyên nói đến thân thể mỹ miều của người đẹp mà không xét nghĩ tính chất vô thường, bất tịnh của nó. Do đè nén dục vọng nên dần dần thành bệnh uất kết bên trong. Đức Phật với tuệ nhãn thấy được chuyện này. Ngài biết họ do vọng tưởng, buông lòng do dục niệm nên không tu được. Ngài liền sai một trong hai người đi khỏi, rồi tự hóa thành người đó đến ở chung với vị còn lại. Hóa Tỳ-kheo này nói với vị ở chung:
–Chúng ta cứ nhớ nghĩ hoài đến ân ái, chi bằng hôm nay đi xem thân thể người đẹp ra sao. Ở nhà mà tưởng nhớ suông nào có được gì đâu.
Hai người cùng đến xóm dâm nữ. Đức Phật hóa ra một cô gái điếm ở trong xóm đó. Hai người đến đó vào phòng cô ta rồi nói:
–Chúng tôi là người tu, thọ cấm giới của Phật nên không phạm đến việc ăn nằm. Ý chỉ muốn xem thân thể người nữ thôi, nhưng vẫn trả tiền theo phép.
Cô gái ấy nghe vậy liền cởi bỏ đồ trang sức, y phục đứng khỏa thân cho vị ấy ngắm. Một mùi hôi hám từ thân cô bốc ra. Hai người trông thấy vẻ nhơ bẩn của nó không ai gần nổi.
Hóa Tỳ-kheo nói với vị Tỳ-kheo kia:
–Vẻ đẹp của người nữ chẳng qua là do phấn sáp xông hương, tắm gội nước hoa. Họ mặc y phục màu sắc xinh đẹp là để che chỗ dơ xấu của mình, ướp hoa xông hương là để lấp mùi hôi thân thể. Thật ra nó chỉ như cái túi da chứa phân có gì đáng tham?
Bấy giờ Hóa Tỳ-kheo liền nói kệ:
Dục! Ta biết rõ ngươi
Ngươi từ nhớ tưởng sinh
Ta nếu không nhớ tưởng
Ngươi tự sẽ không còn.
Trong tâm thích, là dục
Đâu chỉ năm dục ngoài
Bỏ ngũ dục được ngay
Là người đại dũng lực.
Vô dục thì vô úy
An lạc chẳng lo chi
Dục hết, kết sử giải
Sinh tử mãi thoát ly.

Hóa Tỳ-kheo nói kệ xong, hiện lại thân Phật tướng hảo quang minh. Vị Tỳ-kheo trông thấy hổ thẹn ăn năn, năm vóc sát đất đảnh lễ Đức Phật. Đức Phật lại thuyết pháp cho ông. Ông nghe xong hoan hỷ tỏ ngộ chứng quả A-la-hán.
Cả hai trở về tinh xá. Lúc ấy vị Tỳ-kheo được Phật sai đi cũng trở về. Vị ấy thấy bạn mình thần sắc hoan hỷ hơn mọi khi, bèn hỏi nguyên nhân. Tỳ-kheo liền kể chuyẹn Đức Phật đã từ bi độ mình như thế nào và mình nhờ Đức Phật được thoát khỏi các khổ. Nói xong vị Tỳ-kheo lại nói kệ:
Ngày đêm tưởng nhớ dục
Ý dong ruổi không ngừng
Thấy nữ dục nhớp nhơ
Hết tưởng, hết buồn khổ.
Vị Tỳ-kheo bạn nghe kệ xong, tự tư duy quán chiếu, đoạn dục diệt tưởng chứng được pháp nhãn.

Chánh dâm cũng cần có giới hạn

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2

335. Thư trả lời cư sĩ Trần Sĩ Mục (thư thứ sáu)

Trong Nhất Hạnh Cư Tập, chỉ một đoạn nói về chế ngự tà dâm là chẳng nể nang hai chúng tại gia thuộc tông Thiên Thai. Sợ ông chưa xét tường tận, chẳng hiểu được bản ý của ông ta (tức Bành Thiệu Thăng). Nay cũng không cần phải tìm tòi, kiểm lại. Giới ấy do đức Phật chế, ngài Thiên Thai đề cao Phật mà soạn lời sớ giải; Bành cư sĩ nào dám nêu bừa ý kiến ức đoán! Chẳng qua tự mình muốn thực hành tuyệt dục, thật sự khế hợp sâu xa tâm Phật. Như vì muốn có người nối dòng mà làm chuyện vợ chồng thì cũng chẳng trái nghịch Phật giới. Nhưng để cầu có con nối dòng thì mỗi năm làm một lần, hễ có con nối dòng bèn nên thôi. Nếu viện cớ Phật chẳng ngăn cấm chánh dâm, hằng ngày thường làm, thì đối với đạo, với Phật, với danh phận của chính mình đều trái nghịch! Ý nghĩa của chữ “thiện túc” (khéo ngủ) chính là thường ngủ một mình, hoặc vì để cầu con mà tạm chung đụng một phen. Sao ông lại chấp chết cứng là “ngủ chung với nhau như chuyện ăn cơm, uống trà bình thường trong nhà?” Sao lại chẳng biết đạo lý tới mức thế ấy?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *