Site Overlay

Niệm kèm thêm câu “con nguyện sanh Tây Phương Cực Lạc” có nên không?

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2

313. Thư trả lời cư sĩ Huệ Chiêu (ngài Ấn Quang bị bệnh cảm lạnh hơn cả tuần vừa xong)

Nói đến chuyện ông Mã quán tưởng hữu hiệu thì cũng là do ông ta kiệt lòng thành, cạn lòng kính mà ra, chứ có lạ lùng, đặc biệt gì đâu! Do một mình ông Mã [quán tưởng] được tương ứng, ông bèn nẩy sanh ý niệm nghi ngờ đối với pháp do chư tổ Liên Tông thường dạy người (tức pháp Trì Danh) thì có còn đáng gọi là người tin Phật, tin Pháp được chăng? [Phép] Quán Tưởng vốn do đức Phật khai thị, nhưng do người đời thường chưa thể triệt để dứt bặt vọng tưởng, dùng cái tâm bộp chộp, lầm lạc muốn mau chứng đắc để tu Quán sẽ rất nguy hiểm. Đa số những kẻ xưa nay bị ma dựa là vì lẽ này. Vì thế, cổ đức nói: “Cảnh tế, tâm thô, quán khó thành tựu, có thể dấy lên ma sự”, chứ không phải là trọn chẳng cho người khác tu Quán, cũng chẳng hề nói: “Tu Quán đều bị ma dựa!”

Nay vì một mình ông Mã [tu Quán] hữu hiệu bèn nghi ngờ lời lẽ chân thật vì người của chư tổ sư từ trước đến nay, đủ thấy ông và các bạn đều thuộc phường “trọng nay, khinh xưa!” Có kiến giải giống như thế, ắt sẽ thấy lạ, nghĩ khác, tìm cầu những cái được gọi là “huyền diệu, đặc biệt, lạ lùng”. Mai sau có kẻ đề xướng những pháp huyền diệu cao siêu khác để gạt người, [thốt] lời cuồng vọng “khiến cho [người hành theo pháp ấy] có thể thành Phật đạo trong một thời gian ngắn”, chắc ông sẽ thuận theo lời hắn bỏ pháp này tu pháp ấy. Như bèo không rễ, bềnh bồng [trôi nổi] theo gió, “tin đạo chẳng chuyên dốc, làm được gì đâu? ” Khổng Tử đã sớm dự đoán điều này, cần chi Quang phải rườm lời nữa ư? Chỗ hay của ông Mã là thành khẩn. Tuy chẳng biết đến nghi thức phát nguyện, nhưng do quán niệm một trăm lẻ tám câu Phật hiệu, lại nói thêm câu “tiếp dẫn con đến Tây Phương” thì đấy chính là “có nguyện”. Nhưng cái kiểu kèm thêm như vậy để niệm, chớ nên bắt chước! Người đời nay hễ thấy một pháp nào hữu hiệu bèn chẳng buồn chọn lựa, hoàn toàn tập hành theo, đến nỗi chưa được lợi ích thật sự mà trước hết đã bị tổn hại lớn lao rồi! Ví như ăn quả dưa thì phải bỏ vỏ và hạt, không phải là hoàn toàn ăn hết, mà cũng chẳng phải là hoàn toàn bỏ hết. Đấy là do người học đạo khéo dụng tâm mà thôi! Xin hãy sáng suốt suy xét thì may mắn lắm thay!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *