Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 2
297. Thư trả lời cư sĩ Đức Bồi (thư thứ tư)
Trong Mật Tông, nếu chưa được A Xà Lê truyền dạy, chẳng được tụng chú, kết ấn. Nếu không, sẽ bị coi là trộm pháp. Điều này nhằm thể hiện ý nghĩa tôn trọng [Mật pháp] tột bậc. Nếu có vị A Xà Lê đạo đức, cố nhiên nên thỉnh vị ấy truyền dạy. Nếu không, chính mình chí tâm chân thành niệm tụng, ắt sẽ có cảm ứng. Đã có cảm ứng, chẳng đến nỗi mắc tội. Nếu nhất quyết là có tội, [chấp rằng] “chưa được truyền dạy mà niệm tụng, kết ấn đều sẽ gặp họa” thì nay tôi nêu một thí dụ. Như có người đọc sách, làm theo những điều sách dạy, sẽ trở thành học trò của thánh hiền, lấy thân mình làm gương cho mọi người, khiến cho ai nấy đều giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, đấy chính là “chẳng nắm giữ địa vị mà dạy dân” và cũng thay đổi được phong tục, bù đắp chỗ khuyết thiếu trong sự cai trị, chẳng có kẻ nào chê người ấy sai trái được!
Nếu tự cho chuyện mình đã làm vượt trỗi chuyện do quan địa phương làm, bèn phát hiệu lệnh để thực hành đạo “yêu dân, chuyên cần việc công” thì sẽ gần như là kẻ phản loạn, ắt sẽ bị hình phạt của quốc gia giáng xuống! Xin hãy suy nghĩ cặn kẽ để chính mình khỏi nghi ngờ, lầm lẫn! Đang trong lúc nhân dân khốn khổ, gian nan, không nơi nương tựa này, kẻ chẳng cậy vào sức kinh chú của Phật, Bồ Tát mà được yên ổn thì hiếm hoi lắm. Nếu chấp chết cứng “chưa được truyền dạy mà niệm chú, kết ấn đều phạm tội trộm pháp” thì nhân dân và cô hồn chưa được truyền dạy đều chẳng được hưởng pháp ích (lợi ích từ nơi Phật pháp). Những ai đã được hưởng pháp ích ắt sẽ chẳng đến nỗi do nương theo đấy tu trì mà gặp họa. Nếu suy luận theo lẽ này, hai đằng đều ổn thỏa, chẳng trái nghịch nhau! (Ngày mồng Năm tháng Sáu)