Site Overlay

Ăn nghỉ sao cho dưỡng sinh

Ăn nghỉ sao cho dưỡng sinh

Chúng con xin cung kính trích trong

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, phần 7

Thư thứ 405. Thư trả lời cư sĩ Thái Khế Thành (thư thứ nhất)

Tiên Thiên lẫn Hậu Thiên đều suy nhược thì hãy nên chú trọng khéo bảo dưỡng. Nếu muốn dựa vào thức ăn để bồi bổ thì người ăn chay nên ăn nhiều lúa mạch1. Sức [bồi bổ] của lúa mạch cao hơn sức bổ dưỡng của gạo không biết mấy lần. Quang ăn ròng mì thì tinh thần tráng kiện, khí lực sung túc, tiếng nói to rõ. Ăn gạo chỉ no bụng, chứ không có hiệu quả như thế. So với sâm, lúa mạch có sức bổ dưỡng còn cao hơn gấp mấy lần. Kẻ có tiền uống sâm là vì không biết dùng tiền nên làm chuyện hao phí ấy, chứ không phải là [nhân sâm] thật sự có thể bồi bổ con người.
Thêm nữa, dầu mè Đại Ma2 cũng bổ dưỡng cho con người; dầu mè Tiểu Ma do bị chưng cho đặc sánh lại nên sức bổ dưỡng mất đi một nửa! Con người chỉ biết quý mùi hương, chứ thật ra đấy là mùi của dầu bị cháy! Hạt sen, Quế Viên, Hồng Táo, Khiếm Thực, Ý Mễ3 đều có thể dùng để bồi bổ. Há cứ phải cần tới huyết nhục mới bồi bổ được ư? Nói chung, sức bổ dưỡng đều chẳng lớn bằng lúa mạch. Nếu chẳng ăn được thì hãy nên ăn kèm, lâu ngày sẽ tự biết, mà cũng cảm thấy ăn ngon miệng được. Bài kệ về chuyện ăn trứng gà do kẻ dối trá bịa ra, chớ nên tin theo!

Trong pháp bảo dưỡng [thân thể] thì thứ nhất là quả dục (ít ham muốn). Nếu chẳng biết tốt – xấu, mặc lòng phóng đãng, kỳ hạn chết sẽ đến, tiên đan cũng chẳng linh nghiệm! Dẫu không phóng đãng thì đối với vợ trong nhà, cũng phải nên nói rõ nguyên do bảo dưỡng thân thể, tạm ngưng ân ái một hai năm. Nếu không, hoặc nửa năm mới gần gũi một lần, hoặc một quý (ba tháng) mới gần gũi một lần. Nếu ngày ngày ăn nằm thì tinh tủy khô kiệt, làm sao không chết cho được?
Người tiết dục sanh ra con cái thân thể mạnh mẽ, ít bệnh, dễ thành người. Kẻ đa dục hoặc
chẳng thể sanh con do tinh lỏng, chẳng thể thụ thai. Dẫu có thể sanh ra con, chắc sẽ chết
yểu. Dẫu cho chẳng chết yểu, cũng tàn tật, yếu đuối, không nên cơm cháo gì! Không biết ông đã cưới vợ hay chưa? Nếu chưa cưới, hãy nên thong thả rồi hãy cưới. Nếu đã cưới, quyết phải tạm thời đừng ở cùng một phòng để mong thân thể bình phục. Đấy lời thiết thực Quang nói với ông. Ông khéo hiểu được ý Quang thì sẽ tự được phước thọ miên trường, con cháu phát đạt (Ngày mồng Sáu tháng Giêng năm Dân Quốc 12 – 1923)

  1. barley (https://issf.vn/barley-la-gi/)
  2. Nguyên văn “ma du” tức là dầu mè, do cách chế biến khác biệt mà chia thành hai loại:
    1) Đại Ma (dầu chưa tinh chế): Tức hạt mè đem ép lấy dầu bằng cối đá, loại bỏ xác mè. Loại dầu này có mùi thơm rất nhẹ, màu nhạt, gần như trong suốt, chủ yếu dùng để làm bánh.
    2) Tiểu Ma (dầu mè tinh chế, còn gọi là Hương Du): Mè được xay bằng máy nên xác mè gần như vụn nát. Dầu ép ra có chứa nhiều tạp chất (nhất là xác mè), nên phải tinh luyện bằng cách chưng nước nóng: Dầu mè thô được đổ vào một nồi đựng nước nóng 80 độ C để váng dầu nổi lên mặt nước, tạp chất chìm xuống đáy. Gạn lấy váng dầu ấy rồi tiếp tục đun nhẹ cho nước bốc hơi, dầu đặc lại. Loại dầu này rất thơm, màu sắc gần từ vàng trong cho đến vàng sậm, thường dùng để xào nấu.
  3. Quế Viên (Dimocarpus Longan) còn gọi là Long Nhãn, Á Lệ Chi, hay Yến Noãn. Vị thuốc Nhãn Nhục chính là phần thịt của loại nhãn này.
    Hồng Táo (Ziziphus Jujuba): Ta thường gọi là “táo Tàu”, để phân biệt với táo Tây (bôm, apple). Trái to nhất bằng ngón chân cái, khi chín ngả dần sang màu đỏ nâu. Thường được phơi khô để dùng trong các toa thuốc bổ của Đông Y với tên gọi là Đại Táo. Nhân của hạt táo này cũng được dùng để làm thuốc.
    Khiếm Thực (Euryale Ferox Salisb), còn gọi là Kê Đầu, là một loại thực vật thuộc họ Súng (có sách giảng Khiếm Thực chính là củ Súng, nhưng căn cứ trên hình chụp và miêu tả, nó chỉ giống với hoa Súng bên ta, chứ không hoàn toàn tương đồng). Phần củ thường mập ngắn, có rễ trắng, lá có hình thuôn tròn, màu xanh đậm, mặt dưới màu tía, nổi gân rất rõ, gần như hình trái tim, nổi trên mặt nước chứ không vươn khỏi mặt nước như lá sen. Kích thước của lá khá to,
    có lá to đến 1m30. Hoa sắc tía, thường nở vào khoảng Hạ – Thu, chỉ nở vào ban đêm, mỗi búp hoa có bốn cánh đài, rất nhiều cánh hoa, trông từa tựa như hoa Súng, nhưng đẹp hơn. Phần làm thuốc chính là phần củ. Đông Y cho rằng Khiếm Thực có tác dụng bồi bổ thận tạng, khiến cho tinh dịch đậm đặc hơn, bổ tỳ, chống tiêu chảy. Vị thuốc này chủ yếu dùng chữa các chứng bịnh di tinh, hoạt tinh, bạch đái, tỳ hư, đi tiểu lắt nhắt v.v….
    Ý Mễ chính là Ý Dĩ (Coix Lacryma-jobi) là một loại cỏ, lá như lá cỏ tranh, có nhiều hạt nhỏ, màu trắng. Hạt Ý Dĩ thường được tin là có tác dụng bồi bổ bao tử, lợi tiểu, trị bệnh phong thấp, nhức gân, giải nhiệt v.v… Nó thường được nấu chung với Long Nhãn, Phổ (Thổ) Tai, sương sa (rau câu) v.v… thành một món giải nhiệt thường được biết với tên gọi Sâm Bổ Lượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *