Có nhiều cách để vãng sanh
Chúng con xin cung kính trích trong Sách Tịnh Độ Tông Kinh Luận
Phật Thuyết A Di Dà Kinh
Diêu Tần Cưu Tư Tam Tạng Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung, đức Phật A Di Đà cùng hàng thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh
Đại Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch
Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Chứng nghĩa: Thượng Tọa Thích Nguyên Trí
Lại này Xá Lợi Tử! Nếu có các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân lòng tin trong sạch được nghe danh hiệu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ và thế giới Cực Lạc công đức trang nghiêm như vậy, nghe xong tư duy: Hoặc một ngày đêm, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu, hoặc bảy ngày, hệ niệm chẳng loạn thì các thiện nam tử, hoặc thiện nữ nhân đó lúc lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật và vô lượng Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng của Ngài vây quanh trước sau đến đứng trước mặt, từ bi gia hựu khiến tâm chẳng loạn. Xả mạng xong theo Phật chúng hội sanh vào thế giới Cực Lạc, cõi Phật thanh tịnh của Vô Lượng Thọ Phật.
Vô Lượng Thọ Kinh – Quyển Thượng
Tào Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Khang Tăng Khải phụng chiếu dịch
Việt dịch: Thích Tuệ Đăng
Ðiều nguyện thứ mười tám: Nếu con được thành Phật mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê chánh pháp.
…
Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu của Ngài mà tín tâm hoan hỷ, dốc lòng hồi hướng dù trong một niệm, nguyện sanh sang cõi nước ấy, liền được vãng sanh, trụ vào ngôi Bất Thoái Chuyển, chỉ trừ những kẻ phạm năm nghịch tội và gièm chê chánh pháp.
…
Bậc trên là những người đã bỏ nhà, dứt dục, xuất gia làm sa-môn, phát tâm Bồ Ðề, chuyên niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ, tu các công đức, nguyện sanh sang cõi nước ấy.
…
Bậc giữa là các trời và người trong mười phương thế giới, nếu có ai dốc lòng nguyện sanh về cõi nước của Phật Vô Lượng Thọ, dù chẳng làm được sa-môn, tu công đức lớn, nhưng nếu phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, chuyên niệm danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ, tu thiện được nhiều hay ít, chịu giữ trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường sa-môn, treo phan, thắp đèn, rải hoa, đốt hương, đem những việc đó hồi hướng, nguyện sanh về cõi nước của đức Phật Vô Lượng Thọ.
…
Bậc dưới là các trời và người trong mười phương thế giới, nếu có ai dốc lòng muốn sanh về cõi nước của Phật Vô Lượng Thọ, giả sử chẳng làm được công đức gì, nhưng nhờ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, chuyên niệm danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, nguyện sanh về cõi nước của Ngài. Sau khi nghe pháp sâu xa mầu nhiệm, vui mừng, tin ưa, chẳng sanh nghi hoặc, dù trong một niệm, niệm danh hiệu đức Phật ấy, đem lòng chí thành nguyện sanh về cõi nước của Ngài, nên khi chết đi, mộng thấy đức Phật Vô Lượng Thọ và được vãng sanh. Công đức, trí huệ của người ấy gần bằng bậc giữa.
Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh
Hậu Hán Nguyệt Chi Quốc Tam Tạng Chi Lâu Ca Sấm phụng chiếu dịch
Việt dịch: Thích Nữ Như Phúc
18. Khi con thành Phật, nhân dân nơi các cõi có ai muốn thực hành Bồ Tát đạo, thường nghĩ đến tâm tinh khiết trong sạch của con, đến lúc qua đời sẽ có con và vô số chúng tỳ-kheo bay đến tiếp đón người ấy, cùng đứng trước người ấy. Ngay khi đó, người ấy sanh vào nước của con và được Nhất Thiết Trí. Nếu không như vậy thì con không thành
Phật.
…
Hạng người tối thượng đệ nhất là lìa xa gia đình, từ bỏ vợ con, đoạn tuyệt ái dục, làm sa-môn, thành tựu đạo giải thoát, thường hành đạo Bồ Tát, phụng hành kinh sáu Ba La Mật. Làm sa-môn thì không nên khiếm khuyết, làm mất kinh giới, từ tâm tinh tấn, không có tâm sân hận, không giao hợp cùng người nữ, trai giới thanh tịnh, tâm không tham tiếc, chuyên ròng nguyện ước sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, chí tâm đương niệm không ngưng nghỉ. Trong đời hiện tại – thời gian cầu đạo.
…
Trai giới thanh tịnh, từ tâm tinh tấn đoạn niệm dục. Luôn mong được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, trong một ngày một đêm không gián đoạn. Trong đời hiện tại, người ấy cũng trong giấc mộng thấy Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Đến khi người ấy hết tuổi thọ nơi cõi Dục, Phật Vô Lượng Thanh Tịnh hóa ra cho người ấy thấy cõi nước và Phật Vô Lượng Thanh Tịnh. Người được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh sẽ được trí huệ dũng mãnh.
…
Người thanh tịnh như vậy nhất tâm mong cầu được vãng sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh trong suốt mười ngày đêm không gián đoạn, đến lúc qua đời được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, có trí huệ dũng mãnh, được mọi người tôn kính.
…
Điều cần thiết là nên giữ gìn trai giới, nhất tâm thanh tịnh, luôn nghĩ nhớ ngày đêm là muốn sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, suốt mười ngày đêm không gián đoạn, Ta đều giữ lòng thương xót họ và làm cho tất cả được sanh sang cõi Phật Vô Lượng Thanh Tịnh
…
Người thế gian muốn ngưỡng mộ sự hiền minh nên ở nhà tu thiện, làm việc đạo, sống cùng vợ con trong sự âu lo, nhớ nghĩ ái dục, ân nghĩa; hoặc lắm công nhiều việc, không có thời gian nhiều để trai giới, nhất tâm thanh tịnh. Tuy không được xuất gia, nhưng cũng có lúc rảnh rỗi, lắng tâm chánh niệm, ý nghĩ những điều thiện và chuyên nhất hành đạo trong mười ngày mười đêm, không làm việc gì khác. Như vậy, tiếp tục tư duy thấy sâu xa, mong thân này được độ thoát, chấm dứt suy nghĩ, buông bỏ âu lo, không nhớ đến việc nhà, không ở chung cùng người nữ, tự đoan chánh thân tâm, đoạn trừ ái dục, nhất tâm trai giới thanh tịnh, hết lòng mong được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, trong một ngày một đêm không ngưng nghỉ. Những người này đến lúc qua đời đều được sanh vào nước Phật Vô Lượng Thanh Tịnh, hóa sanh trong ao hoa sen bảy báu, được trí huệ dũng mãnh, nơi chốn nhà cửa bằng bảy báu, hành động tự tại tùy theo ý muốn, cũng như hạng người thứ nhất.
…
Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh – Quyển Thượng
Ngô Nguyệt Chi Quốc Cư Sĩ Chi Khiêm phụng chiếu dịch
Việt dịch: Ban phiên dịch Pháp Tạng
Nguyện thứ bảy: Nếu khi con thành Phật, làm cho chư thiên, nhân dân nơi vô số cõi nước khắp mười phương, hoặc có người thiện nam, thiện nữ nào làm đạo Bồ Tát, phụng hành sáu Ba La Mật, hoặc làm sa môn không phá hủy kinh giới, trai giới thanh tịnh, đoạn trừ ái dục, nhất tâm chánh niệm, muốn sanh vào nước của con ngày đêm không gián đoạn. Đến khi người ấy sắp qua đời, con và các vị Bồ Tát, A La Hán cùng bay đến nghênh đón người ấy; họ sanh ngay vào nước của con làm Bồ Tát Bất Thoái Chuyển, có trí huệ dũng mãnh. Được như lời nguyện, con mới thành Phật; nếu không, con không bao giờ thành Phật.
…
Hạng tối thượng là người từ bỏ gia đình, vợ con, đoạn tận ái dục, sống đời sa-môn thành tựu đạo vô vi, thường làm đạo Bồ Tát, phụng hành kinh Ba La Mật, làm sa-môn thì đối với kinh giới không thiếu mất, tâm Từ tinh tấn, không nên sân hận, không nên giao thông cùng người nữ, trai giới thanh tịnh, không có sự tham luyến
nơi tâm. Chí thành tha thiết, mong được sanh sang cõi Phật A Di Đà, luôn luôn tâm nhớ nghĩ không ngưng dứt.
…
Muốn sanh sang cõi Phật A Di Đà trong suốt một ngày một đêm không ngưng dứt thì ngay trong đời hiện tại cũng được nằm mộng thấy Phật A Di Đà. Khi người này qua đời, Phật A Di Đà liền hóa hiện làm cho được trông thấy Phật và cõi nước của Ngài
…
Chính yếu là phải trai giới, nhất tâm thanh tịnh, ngày đêm luôn giữ ý niệm muốn được sanh sang cõi Phật A Di Đà, suốt mười ngày mười đêm không gián đoạn. Ta thương tưởng tất cả mọi loài nên làm cho họ được sanh vào cõi Phật A Di Đà.
Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh Quyển Thượng
Tây Thiên Dịch Kinh Tam Tạng Triêu Tán Đại Phu Thí Quang Lộc Khanh Minh Giáo Đại Sư Thần Pháp Hiền phụng chiếu dịch
Việt dịch: Thích Nữ Hương Trí
Nguyện thứ 13: Thưa Thế Tôn! Sau khi con đắc Bồ Đề thành Chánh Giác, nguyện cho các chúng sanh sanh vào trong cõi nước con, niệm danh hiệu con, phát tâm chí thành, kiên cố không thoái chuyển, người ấy khi mạng chung, con khiến vô số tỳ-kheo vây quanh trước người đó, trong giây lát liền sanh qua cõi nước con, đều khiến đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
…
Này A Nan! Ý ông thế nào? Muốn khiến chúng sanh nghe được danh hiệu đức Phật đó, nên phát tâm thanh tịnh, nhớ niệm thọ trì, quy y cúng dường, cầu sanh cõi đó. Người đó mạng chung, đều được vãng sanh Cực Lạc thế giới, không thoái chuyển ở nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
…
Lại nữa, này A Nan! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân, sau khi phát Bồ Đề tâm, giữ gìn cấm giới kiên trì không xâm phạm, ích lợi hữu tình, các thiện căn đều thí cho, khiến được an lạc, tưởng niệm Tây phương Vô Lượng Thọ Như Lai cùng cõi nước đó. Người này mạng chung, sắc diện trang nghiêm như Phật, sanh vào cõi Cực Lạc, chúng hiền thánh vây quanh, liền được nghe pháp, không bao giờ thoái chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
…
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Quán Tự Tại Bồ Tát rằng: Ông nay lắng nghe, Ta vì ông nói: Đức Phật Như Lai, trong quá khứ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp về trước, khi còn là Bồ Tát, phát đại thệ nguyện: – Tôi trong tương lai khi thành Chánh Giác, nếu có chúng sanh trong mười phương vô lượng thế giới, nghe danh hiệu Ta, hoặc đảnh lễ nhớ niệm, hoặc khen ngợi quy y, hoặc hương hoa cúng dường v.v… thì những chúng sanh ấy mau sanh vào cõi nước tôi, thấy ánh hào quang, liền được giải thoát.
…
Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, Dược Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, nhân, phi nhân v.v… biên chép cúng dường, thọ trì đọc tụng kinh này, vì người khác diễn nói, cho đến một ngày đêm suy nghĩ công đức thân Phật trong chừng sát-na, người ấy mạng chung liền được sanh qua cõi ấy,
thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đại Bảo Tích Kinh – Vô Lượng Thọ Như Lai Hội
Đại Đường Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chí phụng chiếu dịch
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Nguyện thứ 18: Nếu như khi con chứng đắc Vô Thượng Giác, các loài hữu tình trong những cõi Phật khác nghe danh hiệu của con rồi, đối với tất cả thiện căn, niệm nào cũng đều hồi hướng, nguyện sanh về cõi con, cho đến mười niệm, nếu chẳng sanh về, con chẳng giữ lấy Bồ Đề. Chỉ trừ kẻ tạo ác nghiệp Vô Gián, phỉ báng Chánh Pháp và các vị thánh nhân.
Nguyện thứ 19: Nếu con thành Phật, có các chúng sanh trong cõi nước khác phát Bồ Đề tâm, và dấy niệm thanh tịnh đối với con, lại dùng thiện căn hồi hướng, nguyện sanh về Cực Lạc, khi người ấy sắp mạng chung, con và các vị tỳ-kheo sẽ hiện ra trước người ấy. Nếu chẳng như vậy, con chẳng giữ lấy Chánh Giác.
…
Tất cả chúng sanh trong các cõi Phật ở phương khác nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Như Lai, thậm chí có thể phát ra một niệm tin tưởng trong sạch, hoan hỷ, ưa thích, tất cả thiện căn đều hồi hướng, nguyện sanh vào cõi Vô Lượng Thọ, thuận theo ý nguyện đều được sanh về, đắc bất thoái chuyển, cho đến [chứng đắc] Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trừ những kẻ phạm tội Ngũ Vô Gián, phỉ báng, hủy báng chánh pháp, và báng bổ các bậc thánh nhân.
Này A Nan! Nếu có chúng sanh ở trong các cõi Phật khác phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật, và luôn gieo trồng khá nhiều thiện căn, phát tâm hồi hướng nguyện sanh về cõi ấy. Khi người ấy lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật và các vị tỳ-kheo vây quanh trước sau, hiện ra trước người ấy, người ấy liền theo Như Lai vãng sanh cõi kia, đắc bất thoái chuyển, sẽ chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Do vậy, A Nan! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, muốn thấy Vô Lượng Thọ Phật, hãy nên phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, lại nên chuyên niệm cõi nước Cực Lạc, tích tập thiện căn, hãy nên đem hồi hướng. Do vậy sẽ thấy Phật, sanh trong cõi ấy, đắc bất thoái chuyển cho đến Vô Thượng Bồ Đề.
Này A Nan! Nếu chúng sanh trong nước khác phát Bồ Đề tâm, tuy chẳng chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật, cũng chẳng luôn gieo nhiều loại thiện căn, thuận theo các công đức tốt lành do chính mình đã tu hành, hồi hướng về đức Phật ấy, nguyện mong vãng sanh. Khi người ấy sắp mạng chung, Vô Lượng Thọ Phật liền sai Hóa Thân và các vị tỳ-kheo vây quanh trước sau. Vị Hóa Phật ấy quang minh, tướng hảo chẳng khác vị chân Phật, hiện ra trước người ấy nhiếp thọ, hướng dẫn. Người ấy bèn theo Hóa Phật sanh về cõi ấy, đắc bất thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề.
Này A Nan! Nếu có chúng sanh trụ trong Đại Thừa, dùng tâm thanh tịnh hướng về Vô Lượng Thọ Như Lai, thậm chí mười niệm, niệm Vô Lượng Thọ Phật, nguyện sanh về cõi ấy, nghe pháp rất sâu liền sanh tín giải, tâm chẳng nghi hoặc, cho đến đạt được một niệm tịnh tâm, phát một niệm tâm, niệm Vô Lượng Thọ Phật. Khi người ấy sắp mạng chung, sẽ như trong mộng thấy Vô Lượng Thọ Phật, chắc chắn sanh về cõi ấy, đắc bất thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề.
Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh
Bồ Tát giới đệ tử Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập và kính chia thành chương mục
Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Lúc con thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu con chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi con, dẫu chỉ mười niệm, nếu chẳng được sanh thì chẳng lấy Chánh Giác. Chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng Chánh Pháp. (Nguyện mười tám: Mười niệm ắt vãng sanh)
Lúc con thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu con liền phát Bồ Ðề tâm, tu các công đức, phụng hành sáu Ba La Mật kiên cố bất thoái, lại đem các thiện căn hồi hướng nguyện sanh cõi con, nhất tâm niệm con, ngày đêm chẳng ngớt. Lúc lâm chung, con cùng các Bồ Tát chúng hiện đến đón trước mặt, trong khoảnh khắc liền sanh sang cõi con, thành bậc A Duy Việt Trí Bồ Tát. Chẳng thỏa nguyện này, chẳng lấy Chánh Giác. (Nguyện mười chín: Nghe tên phát tâm. Nguyện hai mươi: Lâm chung tiếp dẫn)
Lúc con thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu con, hệ niệm cõi con, phát Bồ Ðề tâm kiên cố bất thoái, gieo các cội đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về Cực Lạc thì không ai chẳng được toại nguyện. Nếu có nghiệp ác đời trước, nghe danh hiệu con liền tự hối lỗi, tu đạo làm lành, liền trì kinh giới, nguyện sanh cõi con, mạng chung chẳng đọa vào tam ác đạo nữa, liền sanh trong cõi con. Nếu chẳng được vậy chẳng lấy Chánh Giác. (Nguyện hai mươi mốt: Sám hối được vãng sanh)
…
Chư Phật trong Hằng sa thế giới ở bốn phương bàng, trên, dưới cũng khen ngợi như vậy. Vì sao thế? Muốn khiến cho tất cả chúng sanh trong các phương khác nghe danh hiệu đức Phật ấy, phát tâm thanh tịnh, ức niệm, thọ trì, quy y, cúng dường, cho đến phát sanh được một niệm tịnh tín, [đem] tất cả thiện căn chí tâm hồi hướng nguyện sanh cõi kia, tùy nguyện đều sanh, đắc Bất Thoái Chuyển, cho đến thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề.
…
Bậc Thượng là hạng bỏ nhà, lìa dục, làm sa-môn, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật, tu các công đức, nguyện sanh sang cõi kia. Những chúng sanh ấy lúc tuổi thọ sắp hết, A Di Ðà Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt. Trong khoảnh khắc liền theo đức Phật ấy sanh về cõi kia, lại tự nhiên hóa sanh trong hoa bảy báu, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.
…
Bậc Trung là [những người] tuy chẳng thể thực hành hạnh sa-môn, tu các công đức lớn lao, nhưng phải phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật. Tùy sức mình tu hành các công đức lành, phụng trì trai giới, tạo dựng tháp tượng, đãi cơm sa-môn, treo phan, thắp đèn, rải hoa, đốt hương, đem những việc ấy hồi hướng nguyện sanh cõi kia. Lúc người ấy lâm chung, A Di Ðà Phật hóa ra thân có đủ quang minh, tướng hảo như đức Phật thật cùng các đại Bồ Tát vây quanh trước sau, hiện ra trước người ấy nhiếp thọ, dẫn dắt. Người ấy liền theo hóa Phật vãng sanh nước kia, trụ Bất Thoái Chuyển, Vô Thượng Bồ Ðề; công đức, trí huệ gần bằng bậc trên.
…
Bậc Hạ là [những người] giả sử chẳng thể làm các công đức thì nên phát tâm Bồ Ðề, một dạ chuyên niệm A Di Ðà Phật, hoan hỷ tin ưa, chẳng sanh ngờ vực, dùng tâm chí thành nguyện sanh cõi kia. Người ấy lâm chung mộng thấy đức Phật đó cũng được vãng sanh. Công đức trí huệ kém hơn bậc Trung.
Nếu có chúng sanh trụ trong Ðại Thừa, dùng tâm thanh tịnh hướng về Vô Lượng Thọ Phật, dẫu chỉ mười niệm nguyện sanh cõi kia, nghe pháp thậm thâm liền sanh tin hiểu; thậm chí đạt được một niệm tịnh tâm, phát nhất niệm tâm niệm đức Phật kia thì người ấy lúc mạng sắp dứt, giống như ở trong mộng, thấy A Di Ðà Phật, quyết định sanh trong cõi ấy, được chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Ðề.
…
Lại này A Nan! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh điển này, thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường liên tục ngày đêm, cầu sanh cõi kia, phát Bồ Ðề tâm, trì các cấm giới, giữ vững chẳng phạm, lợi lạc hữu tình, các thiện căn đã làm đều đem thí cho [hữu tình] khiến họ được an lạc, ức niệm A Di Ðà Phật ở phương Tây và cõi nước kia thì người ấy lúc mạng chung sẽ đắc sắc tướng như Phật, các thứ trang nghiêm, sanh trong cõi báu, chóng được nghe pháp, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển.
…
Lại này A Nan! Nếu có chúng sanh muốn sanh cõi ấy, nhưng chẳng thể đại tinh tấn Thiền Định, giữ trọn kinh giới, thì phải nên làm lành, nghĩa là: Một là chẳng sát sanh, hai là chẳng trộm cắp, ba là chẳng dâm dục, bốn là chẳng nói dối, năm là chẳng nói thêu dệt, sáu là chẳng ác khẩu, bảy là chẳng nói đôi chiều, tám là chẳng tham, chín là chẳng sân, mười là chẳng si. Ngày đêm tư duy như sau: Các thứ công đức, các thứ trang nghiêm của Cực Lạc thế giới và của A Di Ðà Phật, chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường. Người ấy lâm chung chẳng kinh, chẳng sợ, tâm chẳng điên đảo, liền được vãng sanh cõi nước Phật kia.
Nếu [người] lắm sự vật, chẳng thể lìa nhà, chẳng rảnh rỗi để rộng tu trai giới, nhất tâm thanh tịnh, thì hễ có lúc rảnh rỗi liền đoan chánh thân tâm, tuyệt dục, bỏ lo, từ tâm tinh tấn, chẳng nên sân nộ, ghen ghét, chẳng được tham ăn, keo tiếc, chẳng nên giữa chừng hối hận, chẳng nên hồ nghi, phải nên hiếu thuận, chí thành, trung tín, nên tin lời kinh Phật sâu xa, nên tin làm lành được phước. Phụng trì những pháp như vậy chẳng được thiếu sót, suy nghĩ kỹ càng, muốn được độ thoát. Ngày đêm thường niệm, nguyện muốn vãng sanh cõi Phật thanh tịnh của A Di Ðà Phật. Trong mười ngày mười đêm cho đến một ngày một đêm chẳng đoạn tuyệt thì lúc tuổi thọ hết, đều được vãng sanh cõi ấy. Hành Bồ Tát đạo, những người vãng sanh đều đắc A Duy Việt Trí, đều đầy đủ sắc vàng ba mươi hai tướng, đều sẽ thành Phật. Muốn làm Phật ở cõi nước Phật phương nào, đều như sở nguyện, tùy theo người ấy tinh tấn sớm hay chậm. Cầu đạo chẳng ngơi thì sẽ đạt được, chẳng bị thất vọng.
…
Nếu có chúng sanh dùng tâm nghi hoặc tu các công đức, nguyện sanh cõi ấy, chẳng hiểu rõ Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Ðại Thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí. Ðối với các trí ấy, nghi hoặc chẳng tin, nhưng vẫn tin tội phước, tu tập cội lành, nguyện sanh cõi ấy. Lại có chúng sanh tích tập thiện căn, mong cầu Phật trí, phổ biến trí, oai đức quảng đại bất tư nghị trí; đối với thiện căn của chính mình chẳng thể sanh nổi lòng tin nên đối với việc vãng sanh cõi Phật thanh tịnh, ý chí do dự, chẳng thể chuyên chú nơi chỗ y cứ, nhưng do liên tục niệm Phật chẳng ngớt, kết thiện nguyện ấy thành căn bản, nên vẫn được vãng sanh.
Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh
Tống Tây Vực Tam Tạng Cương Lương Da Xá phụng chiếu dịch
Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Muốn sanh về cõi ấy, hãy nên tu tam phước: Một là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp. Hai là thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi. Ba là phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả. Ba sự như thế gọi là Tịnh nghiệp.
…
Nếu là người chí tâm muốn sanh về Tây Phương, hãy nên quán tượng cao một trượng sáu ở trên mặt nước trong ao.
Vô Lượng Thọ Phật như đã nói trên đây, thân lượng vô biên, tâm lực của phàm phu chẳng thể tưởng nổi. Nhưng đức Như Lai ấy do nguyện lực từ xưa, hễ có ai tưởng nhớ Ngài, ắt được thành tựu. Chỉ tưởng tượng Phật, đã đạt được phước vô lượng, huống hồ còn quán trọn đủ thân tướng của đức Phật. A Di Đà Phật thần thông như ý, biến hiện tự tại trong mười phương cõi nước, hoặc hiện thân lớn đầy ắp hư không, hoặc hiện thân nhỏ, cao một trượng sáu hay tám thước. Hình tướng do Ngài hiện ra đều có màu sắc vàng ròng, viên quang, Hóa Phật [xuất hiện trong viên quang và thân quang] cùng với hoa sen báu đều như đã nói trong phần trước. Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát ở hết thảy các nơi, thân giống như chúng sanh. Chỉ quán tướng đầu, bèn biết là Quán Thế Âm, hay là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ Tát này giúp A Di Đà Phật giáo hóa trọn khắp hết thảy. Đây là Tạp Tưởng Quán, gọi là phép Quán thứ mười ba. Quán tưởng như thế thì gọi là Chánh Quán; nếu quán khác đi thì gọi là Tà Quán.
…
Phàm là người sanh về Tây Phương thì có chín phẩm. Thượng Phẩm Thượng Sanh là nếu có những chúng sanh nguyện sanh về cõi đó, phát ba thứ tâm liền được vãng sanh. Những gì là ba? Một là chí thành tâm, hai là thâm tâm, ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Có đủ ba tâm ấy, ắt sanh về cõi kia.
Lại có ba loại chúng sanh, sẽ được vãng sanh. Những gì là ba? Một là từ tâm chẳng giết, đủ các giới hạnh. Hai là đọc tụng kinh điển Đại Thừa Phương Đẳng. Ba là tu hành lục niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh về cõi kia. Trọn đủ công đức này, từ một ngày cho đến bảy ngày, liền được vãng sanh.
…
Thượng Phẩm Trung Sanh là chẳng cần thọ trì, đọc tụng kinh điển Phương Đẳng, khéo hiểu nghĩa thú. Đối với Đệ Nhất Nghĩa, tâm chẳng kinh động, tin sâu nhân quả, chẳng báng Đại Thừa. Dùng công đức này để hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc.
…
Người Thượng Phẩm Hạ Sanh cũng tin nhân quả, chẳng báng Đại Thừa, chỉ phát Vô Thượng đạo tâm. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về nước Cực Lạc.
…
Trung Phẩm Thượng Sanh là nếu có chúng sanh thọ trì Ngũ Giới, trì Bát Quan Trai Giới, tu hành các giới, chẳng tạo Ngũ Nghịch, chẳng có các lỗi lầm, sai trái. Dùng thiện căn ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Khi hành giả lâm chung, A Di Đà Phật và các vị tỳ-kheo, quyến thuộc vây quanh, phóng quang minh sắc vàng, tới chỗ người ấy, diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, tán thán xuất gia, được lìa các nỗi khổ. Hành giả đã thấy rồi, tâm đại hoan hỷ, tự thấy thân mình ngồi trên đài hoa sen, quỳ thẳng, chắp tay, kính lễ đức Phật. Trong khi chưa ngẩng đầu lên, liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc, hoa sen liền nở.
…
Trung Phẩm Trung Sanh là nếu có chúng sanh, hoặc một ngày một đêm trì Bát Quan Trai Giới, hoặc một ngày một đêm trì Sa Di Giới, hoặc một ngày một đêm trì Cụ Túc Giới, chẳng khuyết oai nghi. Dùng công đức này hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc, giới hương huân tu.
…
Trung Phẩm Hạ Sanh là nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hiếu dưỡng cha mẹ, làm những chuyện nhân từ trong thế gian. Người ấy khi sắp mạng chung, gặp thiện tri thức, vì người ấy rộng nói những chuyện vui sướng trong cõi nước của A Di Đà Phật, cũng nói bốn mươi tám nguyện của tỳ-kheo Pháp Tạng. Đã nghe chuyện ấy rồi, ngay khi đó liền mạng chung.
…
Hạ Phẩm Thượng Sanh là nếu có chúng sanh tạo các ác nghiệp. Tuy chẳng phỉ báng kinh điển Phương Đẳng, kẻ ngu như thế tạo nhiều ác pháp, chẳng hề hổ thẹn! Khi mạng sắp hết, gặp thiện tri thức, vì người ấy nói danh xưng tựa đề của mười hai bộ loại trong kinh Đại Thừa. Do nghe tên của các kinh, trừ được ác nghiệp hết sức nặng nề trong ngàn kiếp. Người trí lại dạy hãy chắp tay trước ngực, xưng “Nam-mô A Di Đà Phật”. Do xưng danh nên tiêu trừ tội sanh tử trong năm mươi ức kiếp.
…
Hạ Phẩm Trung Sanh là nếu có chúng sanh, hủy phạm năm giới, tám giới, và Cụ Túc Giới. Kẻ ngu như thế, trộm vật của Tăng-kỳ, ăn trộm vật của hiện tiền Tăng, bất tịnh thuyết pháp, chẳng hề hổ thẹn. Dùng các ác nghiệp để tự trang nghiêm. Tội nhân như thế, do vì ác nghiệp, đáng đọa địa ngục. Khi mạng sắp hết, các thứ lửa trong địa ngục cùng lúc ùa tới. Gặp thiện tri thức, vì lòng đại từ bi, liền vì người ấy khen ngợi, giảng nói oai đức nơi mười lực của A Di Đà Phật, ca ngợi rộng rãi quang minh và thần lực của đức Phật ấy, cũng ca ngợi Giới, Định, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến. Người ấy nghe xong, trừ tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp.
…
Hạ Phẩm Hạ Sanh là nếu có chúng sanh, tạo nghiệp chẳng lành, Ngũ Nghịch, Thập Ác, đủ các điều bất thiện. Kẻ ngu như thế, do vì ác nghiệp, đáng đọa ác đạo trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng. Kẻ ngu như thế, khi lâm chung, gặp thiện tri thức an ủi mọi lẽ, nói diệu pháp cho người ấy, truyền bảo niệm Phật. Người đó bị sự khổ bức bách, chẳng rảnh rang để niệm Phật. Bạn lành bảo rằng: ‘Nếu ông không thể niệm đức Phật ấy, hãy nên xưng danh Vô Lượng Thọ Phật’. Chí tâm như thế, khiến cho tiếng niệm chẳng dứt, trọn đủ mười niệm, xưng Nam-mô A Di Đà Phật. Do xưng danh hiệu Phật, trong mỗi niệm, trừ tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp.
Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương
Trung Thiên Trúc Sa Môn Bàn Lạt Mật Đế phụng chiếu dịch
Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
…
Mười phương Như Lai nghĩ thương chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn đi, dù nhớ, làm gì được? Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng trái xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, [sẽ trong] hiện tại hay trong tương lai, nhất định thấy Phật. Cách Phật chẳng xa, chẳng nhờ đến phương tiện, tâm được tự khai. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm. Đó gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Nhân địa của con, dùng tâm niệm Phật, nhập Vô Sanh Nhẫn. Nay trong cõi này, nhiếp người niệm Phật quay về Tịnh Độ. Phật hỏi viên thông, con không chọn lựa. Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất.
Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Bà Tẩu Bàn Đậu Bồ Tát tạo
Nguyên Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi phụng chiếu dịch
Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
…
Luận rằng: – Bài Nguyện Sanh Kệ này nêu rõ những ý nghĩa nào? Nhằm chỉ rõ: Quán thế giới An Lạc, thấy A Di Đà Phật, nguyện sanh về cõi ấy.
Quán như thế nào? Sanh tín tâm như thế nào? Nếu thiện nam tử,
thiện nữ nhân tu ngũ niệm môn hạnh thành tựu, rốt ráo sẽ được sanh về cõi nước An Lạc, thấy đức A Di Đà Phật.
Những gì là ngũ niệm môn? Một là lễ bái môn; hai là tán thán
môn; ba là tác nguyện môn; bốn là quan sát môn; năm là hồi hướng
môn.
Lễ bái là như thế nào? Thân nghiệp lễ bái A Di Đà Như Lai Ứng
Chánh Biến Tri do ý nghĩa “vì sanh về cõi ấy”.
Tán thán là như thế nào? Khẩu nghiệp tán thán, xưng danh hiệu
của đức Như Lai ấy, tướng quang minh và trí huệ của đức Như Lai ấy; đúng như danh nghĩa của Ngài, vì muốn như thật tu hành hòng tương ứng.
Tác nguyện là như thế nào? Tâm thường phát nguyện, nhất tâm
chuyên niệm, rốt cuộc vãng sanh cõi nước An Lạc, vì muốn như thật tu hành Chỉ.
Quan sát như thế nào? Trí huệ quan sát. Chánh niệm quán cõi kia
vì muốn như thật tu hành Quán. Sự quan sát ấy có ba loại, những gì là ba loại? Một là quan sát công đức trang nghiêm của cõi Phật ấy, hai là quan sát công đức trang nghiêm của A Di Đà Phật, ba là quan sát công đức trang nghiêm của các vị Bồ Tát trong cõi ấy.
Hồi hướng là như thế nào? Chẳng bỏ hết thảy chúng sanh khổ
não, tâm thường phiền não hồi hướng làm đầu, vì để thành tựu tâm đại bi.
Quan sát công đức trang nghiêm của cõi nước Phật ấy như thế
nào? Công đức trang nghiêm nơi cõi nước Phật ấy là do thành tựu sức chẳng thể nghĩ bàn, như tánh của chất báu ma-ni như ý vì pháp tương tự, tương đối.