Site Overlay

Công đức nghe danh hiệu Phật

Công đức nghe danh hiệu Phật

Chúng con xin cung kính trích trong

Bộ Pháp Hoa 2, SỐ 268 – KINH PHẬT THUYẾT QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN, Quyển 4

Việt dịch: daitangkinh.org

Phật bảo A-nan:
–Ông hãy nhất tâm khéo lắng nghe, bây giờ ta sẽ giải thích. A-nan nên biết nếu có chúng sinh đã nghe, đang nghe, hay sẽ nghe danh hiệu Phật Thích-ca Mâu-ni, thì các chúng sinh không còn thoái chuyển trên đường tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì sự giác ngộ của các Đức Phật không hề luống dối, cũng không có tham dục, tức giận.
Này A-nan! Chỉ được nghe tên thôi mà còn được như vậy, huống chi hiện tại đang ở trước Phật rải một bông hoa lên cúng dường Phật. Cho nên sau khi ta nhập Niết-bàn, nếu có chúng sinh nào đối với hình tượng hay xá-lợi Phật mà cầm một cành hoa cúng dường thì chúng sinh ấy cũng không còn thoái chuyển trên đường tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
A-nan bạch Phật:
–Nếu như loài súc sinh được nghe danh hiệu Phật Thích-ca Mâu-ni thì loài súc sinh ấy đã gieo trồng hạt giống nhân duyên đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải chăng?
Phật bảo A-nan:
–Nếu có súc sinh nghe danh hiệu Phật Thích-ca Mâu-ni thì đó là súc sinh ấy đã gieo trồng hạt giống nhân duyên đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì chúng sinh ấy đã được nghe danh hiệu các Đức Phật Như Lai, thì việc nghe ấy không hề luống dối, cho nên các Đức Phật, Như Lai không nói hai lời.
Này A-nan! Ví như cây Ni-câu-đà cành lá um tùm, có thể che bóng mát cho trăm người đến năm trăm người. Vậy theo ý ông thì cây con ấy lúc mới đem trồng lớn hay nhỏ?
A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Cây con đó rất nhỏ.
Phật bảo A-nan:
–Cây Ni-câu-đà này lúc mới đem trồng tuy nhỏ, nhưng nhờ các duyên như đất, nước, gió, sức nóng, hư không nên được lớn lên và dần dần trở nên cao lớn.
Này A-nan! Như vậy thì các chúng sinh kia gieo trồng hạt giống Bồ-đề cũng dần dần lớn lên, cho đến sẽ đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và sự vun trồng hạt giống Bồ-đề ấy không thể bị mục nát, không thể bị hư hoại. Vì sao? Vì không trụ trong tất cả pháp mà gieo trồng hạt giống, cho nên không thể bị mục nát, không thể bị hư hoại.
Bấy giờ, A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đó là nhờ năng lực bản nguyện của các Đức Phật hay nhờ pháp của các Đức Phật mà được như vậy?
Phật bảo A-nan:
–Đó là do bản nguyện của ta: Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu ta thì chắc chắn không còn lui sụt trên đường tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Mà cũng nhờ pháp của các Đức Phật mà được như vậy. Vì sao? Vì tất cả pháp của các Đức Phật đều bình đẳng.
A-nan bạch Phật:
–Nếu pháp của các Đức Phật là bình đẳng thì vì sao còn phải lập thệ nguyện?
Phật bảo A-nan:
–Khi các Đức Phật, Thế Tôn giảng nói các pháp, thì các Đại Bồ-tát trong chúng hội nghe Phật nói pháp liền lập thệ nguyện: Rằng mình về sau cũng thành Phật, nói pháp, thấy nghe không luống dối cũng như thế.
Bấy giờ, A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thật kỳ diệu thay, đã thành tựu được pháp ít có như vậy, lại dùng pháp ấy để làm lợi ích cho chúng sinh.
Phật bảo A-nan:
–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông vừa nói! Ta vì làm lợi ích cho các chúng sinh, nên đã ở khắp các cõi Phật cúng dường các Đức Phật không hề tiếc rẻ thân mạng mình, xả bỏ tất cả mọi vật không chút tiếc bỏn xẻn, siêng tu tinh tấn, chứa nhóm các pháp khó được và đạo Bồ-đề không chỗ nương tựa, đối với tất cả pháp không hề chấp đắm, để nhiếp phục chúng sinh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *