Thế nào là niệm Phật Tam-muội
Chúng con xin cung kính trích trong
Bộ Chư Tông 11, An Lạc hạnh quyển hạ
Biên xoạn: Sa môn Thích Đạo Xước
Các kinh điển phần nhiều đều lấy niệm Phật Tam-muội làm tông. Trong đây có tám ý. Hai ý đầu nói về tướng Tam-muội; sáu ý sau chính là duyên y vào tướng mà rõ niệm Phật Tam-muội.
1) Căn cứ vào kinh Hoa Thủ.
Phật bảo Bồ-tát Kiên Ý: Tam-muội có hai loại:
- Nhất tướng Tam-muội.
- Chúng tướng Tam-muội.
Nhất tướng Tam-muội là có Bồ-tát nghe ở thế gian đó, có Đức Phật hiện nay đang thuyết pháp. Bồ-tát giữ lấy Phật tướng, ở trước mặt Phật, hoặc ngồi nơi đạo tràng, hoặc chuyển pháp luân, đại chúng cùng vây quanh. Giữ tướng như thế, thì thâu nhiếp hết các căn, tâm không tán loạn, chuyên niệm một vị Phật, không xả bỏ duyên. Bồ-tát như thế, đối với tướng Như Lai và tướng thế giới là hiểu, là không có tướng. Thường quán như thế, hành như thế không lìa, đó là duyên. Khi đó, Phật tượng đang hiện tiền ở trước mặt, liền vì đại chúng thuyết pháp.
Bồ-tát lúc này rất sinh lòng kính mộ, nghe giáo pháp đó, hoặc sâu hoặc cạn, càng thêm sự thâm trọng. Bồ-tát trụ vào Tam-muội, nghe thuyết các pháp đều là tướng hoại, nghe rồi liền thọ trì, từ Tam-muội khởi dậy, vì đại chúng mà diễn thuyết pháp đó.
Phật bảo Kiên Ý: Đó là Bồ-tát nhập vào Nhất tướng Tam-muội môn.
2) Căn cứ kinh Văn-Thù Bát-nhã để nói rõ Nhất hạnh Tam-muội. Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! vì sao gọi là Nhất hạnh Tam-muội?
Phật bảo: Nhất hạnh Tam-muội là nếu có thiện nam, thiện nữ ở nơi trống trải, xả hết loạn tưởng, tùy theo hướng của Phật, đoan thân chánh niệm, không giữ tướng mạo, chuyên tâm nhất niệm danh hiệu Phật không dừng nghỉ, thì trong niệm đó có thể thấy cả ba đời chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì sao? Vì công đức niệm một vị Phật là vô lượng vô biên, không khác với công đức niệm vô lượng chư Phật. Đó gọi là Bồ tát hành trì Nhất hạnh Tam muội.
3) Căn cứ vào kinh Niết-bàn.
Phật bảo: Nếu người thường luôn tu niệm Phật Tam-muội, thì chư Phật mười phương luôn luôn hiện ra trước mặt
Vì vậy, trong kinh Niết-bàn nói, Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, thường chí tâm chuyên niệm Phật, dù ở trong núi rừng hay trong thôn xóm; dù là ngày hay đêm, lúc ngồi hay nằm, chư Phật thường hiện ra trước mặt người này, hằng thọ thí của vị này.”
4) Căn cứ kinh quán và các kinh khác.
Y vào Kinh quán Vô lượng Thọ Phật và các bộ khác thì nói, muôn hạnh đã tu ấy, hễ luôn hồi hướng phát nguyện, thì không ai là không vãng sinh. Nhưng một hạnh niệm Phật mới là con đường chính yếu. Vì sao? Vì xét lường trong Thánh giáo thì nó có lợi ích cả trước và sau. Nếu muốn sinh thiện khởi hạnh, thì phải tu hết các độ. Như muốn diệt ác tiêu tai, thì tổng trị hết các chướng. Cho nên trong kinh nói, chúng sinh niệm Phật thì nhiếp tâm không buông xả, khi lâm chung ắt được vãng sinh. Đây chỉ mới là lợi ích ban đầu. Căn cứ y vào kinh Quán Âm Thọ Ký nói: “Phật A-di-đà trụ thế rất lâu, đến muôn kiếp, rồi cũng diệt độ. Khi Phật nhập Niết-bàn, duy chỉ có Quán Âm, Thế Chí trụ trì cõi An lạc để tiếp dẫn chúng sinh mười phương. Thời gian Phật đó khi diệt độ, cũng đồng như trụ thế. Tất cả chúng sinh ở trước Phật kia đều không nhìn thấy Phật; chỉ có ai một lòng chuyên niệm A-di-đà Phật, cầu vãng sinh thì mới thường thấy Phật A-di-đà hiện tiền, không hề diệt độ.” Đây chính là lợi ích chung cuộc vậy. Nếu tu các hạnh môn khác, hồi hướng thì cũng được vãng sinh, nhưng khi Phật diệt độ sẽ có được gặp hay không gặp. Còn tu môn niệm Phật thì luôn luôn gặp Phật, cho dù đức Phật diệt độ. Cho nên khuyên người đời sau cân nhắc mà tu khiến cho được lợi ích lâu dài.
5) Căn cứ vào kinh Ban Chu.
Bấy giờ có Bồ-tát Bạt-đà-hòa, nghe ở cõi nước này có Phật A-di-đà, nên thường nghĩ niệm đến Phật. Do sự niệm này nên thấy Phật A-di-đà hiện ra trước mắt, Bồ-tát nhìn thấy Phật liền hỏi:
Nên hành pháp gì để được sinh về Cực lạc? Bấy giờ Phật A-di-đà nói với Bồ-tát: - Muốn sinh về cõi nước ta, thì nên niệm danh hiệu ta chớ cho dứt đoạn, nên niệm thân Phật có ba mươi hai tướng hảo, đầy đủ đức tướng, ánh sáng tỏa chiếu rực rỡ, đoan chánh không gì bằng.
6) Dựa vào Đại Trí độ luận có ba cách giải thích:
a) Phật là Đấng Pháp Vương Vô Thượng, còn Bồ-tát là Pháp thân. Sự tôn trọng hơn hết, duy chỉ có Đức Phật, cho nên thường phải niệm Phật vậy.
b) Có các Bồ-tát tự nói lên rằng: - Con từ vô thỉ kiếp đến nay, được nhờ Phật trưởng dưỡng nên có Pháp thân này, cùng với trí thân, đại Từ bi thân, mọi thiền định, trí tuệ, vô lượng hạnh nguyện, cũng đều do Phật mà được thành tựu. Để báo ân đó, nên chúng ta luôn nguyện được gần Phật. Cũng như chư đại thần được nhờ ân sủng của vua, thường nghĩ về chủ nhân của mình vậy.
c) Có các Bồ-tát lại nói thế này: - Chúng ta trong nhân địa tu hành gặp phải ác tri thức, nên đã phỉ báng Bát-nhã, đọa vào ác đạo. Trải qua vô lượng kiếp, tuy tu các hạnh khác, mà vẫn chưa ra được. Cuối cùng, được gặp với Thiện tri thức, còn được dạy cho hành trì niệm Phật Tam-muội, tức liền lúc ấy có thể tiêu trừ các hoặc chướng, được giác ngộ giải thoát. Có được sự lợi ích này, cho nên con nguyện không rời xa Phật.
7) Căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm.
Dựa theo kinh Hoa Nghiêm nói: “Thà ở trong vô lượng kiếp, chịu đủ mọi điều thống khổ, ta quyết trọn không xa rời Đức Thế Tôn, không thấy được lực tự tại.”
Lại nói: “Niệm Phật Tam-muội nhất định thấy Phật. Sau khi mạng chung được sinh về cõi Phật. Cho nên, thấy người lâm chung, phải khuyên họ niệm Phật, chỉ cho họ tôn tượng Phật để cung kính chiêm ngưỡng.
Lại Đồng tử Thiện Tài đi các phương cầu Thiện tri thức. Ngài đi đến chỗ Tỳ-kheo Công Đức Vân, mà thưa rằng:
Bạch Đại sư! Thế nào là tu Bồ-tát đạo, rồi quy về hạnh nguyện Phổ Hiền?
Tỳ-kheo Công Đức Vân bảo Thiện Tài rằng: - Tôi ở trong biển trí tuệ của Đức Như Lai, duy chỉ biết có một pháp, đó là niệm Phật Tam-muội môn. Vì sao? Ở trong Tam-muội môn này thấy đều có thể quán thấy tất cả chư Phật và quyến thuộc, cõi Phật nghiêm tịnh, có thể khiến cho chúng sinh xa lìa hết điên đảo. Pháp môn niệm Phật Tam-muội đó, ở trong cảnh giới vi tế thấy tất cả cảnh giới tự tại của chư Phật, muôn kiếp không bị điên đảo. Niệm Phật Tam-muội môn đó, có thể khởi lên tất cả Quốc độ của Phật không hề bị hoại diệt. Thấy được tất cả chư Phật, được ba đời không điên đảo.
Lại nói: Phật pháp sâu xa, rộng lớn vô biên, chỗ tôi biết đó, chỉ có một môn niệm Phật Tam-muội; còn vượt qua hết mọi cảnh giới vi diệu khác, thì ta chưa thể biết vậy.
8) Căn cứ vào kinh Hải Long Vương. - Bấy giờ Hải Long vương bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử cầu sinh về cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà, cần nên tu hạnh gì?
Phật bảo Long vương:
Nếu muốn sinh về nước Cực Lạc kia, nên hành trì tám pháp. Đó là:
1) Thường niệm chư Phật.
2) Cúng dường Như Lai.
3) Tán thán Thế Tôn.
4) Tôn tạo hình tượng Phật, tu các công đức.
5) Hồi hướng nguyện vãng sinh.
6) Tâm không khiếp nhược.
7) Nhất tâm tinh tấn.
8) Cầu đạt được trí tuệ chân chánh của Phật.
Phật bảo Long Vương:
- Nếu tất cả chúng sinh có đầy đủ tám pháp này thì thường không xa rời Phật.
Hỏi: Nếu không đủ tám pháp, có được sinh về cõi Phật không?
Đáp: Nhất định được sinh, không nghi ngờ. Vì sao lại biết? Như khi Phật nói kinh Bảo Vân, “Cũng có nói mười hạnh đầy đủ thì được sinh về Tịnh độ, thường không lìa Phật.”
Bấy giờ có Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: - Không tu đủ mười hạnh, thì được vãng sinh không?
Phật bảo: Được vãng sinh. Chỉ cần ở trong mười hạnh ấy, hành trì không gián đoạn một hạnh, thì chín hạnh khác cũng được thanh tịnh, chớ có nghi ngờ!
Lại như trong kinh Đại Thọ Khẩn-na-la Vương có nói: - Bồ-tát thực hành bốn loại pháp thì thường không lìa Phật. Bốn pháp đó là gì? Đó là:
1) Tự tu pháp thiện, cùng khuyến hóa chúng sinh đều muốn vãng sinh thấy Phật.
2) Tự khuyên và khuyên mọi người cùng vui thích nghe chánh pháp.
3) Tự khuyên và khuyên người phát tâm Bồ-đề.
4) Nhất tâm chuyên chí niệm Phật Tam-muội. Có đầy đủ bốn hạnh này, thì tất cả những nơi sinh ra đều gặp Phật hiện tiền.
Lại trong kinh nói: “Phật nói hành pháp của Bồ-tát có ba mươi hai loại khí: Bố thí là đại phú khí; Nhẫn nhục là đoan chánh khí, Trì giới là Thánh thân khí; ngũ nghịch bất hiếu là núi đao cây kiếm dầu sôi khí; phát tâm Bồ-đề là thành Phật khí; thường niệm Phật vãng sinh Tịnh độ là kiến Phật khí.”
Lược nêu ra sáu thứ, còn các thứ khác không cần thuật ra. Thánh giáo đã chỉ như thế, hành giả nguyện sinh về, tại sao không thường niệm Phật?
Lại y theo kinh Nguyệt Đăng Tam-muội nói: “Niệm tướng hảo và đức hạnh của Phật, có thể khiến cho các căn bất loạn, tâm phù hợp với pháp không bị mê hoặc, được đa văn trí tuệ như biển. Trí trụ ở trong Tam-muội, nhiếp niệm hành trì, ở chỗ kinh hành, có thể thấy được ngàn ức Đức Như Lai, cũng gặp được vô lượng hằng sa Phật.”