Niệm Phật 6 chữ và kinh chú
Chúng con xin cung kính trích trong
Ấn Quang Văn Sao Tam Biên quyển 1
180. Thư trả lời cư sĩ Trần Phi Thanh (thư thứ tư)
Niệm Phật nên niệm sáu chữ, hoặc trước hết phải niệm sáu chữ, đến lúc sắp xong niệm bốn chữ. Từ đầu đến cuối niệm bốn chữ, hơi không hợp lẽ, bởi hai chữ Nam Mô có nghĩa là Quy Y, Cung Kính, Đảnh Lễ, Cứu Độ Con v.v… Người ta thường mong lẹ, mong nhiều, nên phần nhiều có kẻ niệm bốn chữ. Thường nghe nói có người chủ trương lợi ích do “chuyên tu”, chỉ dạy người khác niệm bốn chữ, phát nguyện, lễ Phật đều bảo là không cần, tức hoàn toàn là một gã ở ngoài cửa: Chỉ biết chính mình thực hiện công phu, chẳng biết cầu sức từ bi của Phật! Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông, họ chỉ xét trên mặt Hạnh, nhưng trên mặt Hạnh lại gạt bỏ lễ bái, Hạnh ấy khó thể mười phần khẩn thiết; lâu ngày sẽ thành hờ hững, hời hợt! Xin hãy y theo Văn Sao, đừng y theo lời họ nói. Bọn họ chỉ dựa vào ý kiến của chính mình, chứ không y theo tông chỉ Tịnh Độ. Tâm chúng sanh cần phải dùng đủ mọi pháp lành để điều trị, ví như ăn cơm cần phải kèm theo thức ăn. Chỉ định kỳ đả thất để có thể chuyên trì một câu Phật hiệu. Hết thảy kinh chú đều chẳng cần phải trì tụng, nhưng cũng chớ nên hoàn toàn phế trừ lễ bái và phát nguyện. Trừ khi đả thất ra, vẫn cứ chiếu theo thường lệ trì tụng, đều chẳng trở ngại gì. Người tu hành sợ nhất là thuận theo cái tâm [ức đoán của chính mình] tự lập [ra một đường lối riêng]. Thường nghe nói có những kẻ thiên tư, bẩm tánh vốn tốt đẹp, nhưng kiến thức lệch lạc! Chuyên niệm một đức Phật còn được, nhưng phế bỏ lễ bái, phát nguyện v.v… là lầm lẫn lớn lắm!