Bà bé báo thù xuyên 7 kiếp
Chúng con xin cung kính trích trong
Bộ Bản Duyên 7, số 208, Kinh Chúng Tuyển Tạp Thí Dụ, chuyện số 37
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng (http://daitangkinh.org/index.php/18-pdf/620-fbobanduyen)
Ngày xưa có một người đàn ông có hai vợ. Người vợ lớn không có con; người vợ nhỏ sinh được một người con trai rất xinh đẹp, dễ thương nên bà rất vui mừng.
Người vợ lớn trong tâm rất ganh ghét, nhưng bên ngoài giả mến thương như con ruột của mình. Chú bé khi được một tuổi, trong nhà ai cũng biết bà vợ lớn luôn tỏ vẻ thương mến chú bé, nên không ai còn nghi ngờ gì. Lúc ấy bà vợ lớn mới ra tay. Bà dùng một cây kim nhỏ đâm vào tai thật sâu, lấp dưới da thịt của chú bé. Đứa bé đau đớn kêu khóc, bỏ bú, nhưng mọi người trong nhà không ai biết lý do. Bảy ngày sau nó chết, bà vợ lớn cũng khóc. Riêng bà vợ nhỏ vì nghĩ nhớ thương con, buồn khóc suốt đêm không dứt, nằm dài không ăn uống.
Về sau bà nhỏ biết bà lớn làm hại chết con mình, liền tìm cách báo thù. Bà đi đến chùa, tháp hỏi thăm các thầy Tỳ-kheo:
–Thưa các Đại đức, người mong cầu thực hiện ý nguyện, nên tu công đức gì?
Các thầy dạy:
–Muốn đạt thành chí nguyện nên thọ trì giới Bát quan trai, chỗ mong cầu sẽ được như ý.
Cô ta cùng Phật tử khác, đến quý thầy xin thọ giới Bát quan trai. Khi đã xả giới trở về nhà, bảy ngày sau thì chết, đời sau thọ sinh làm con bà vợ lớn.
Bà lớn sau này, sinh được một người con gái rất dễ thương, nhưng chỉ được một tuổi đứa bé ấy chết. Bà lớn quá buồn thương, kêu khóc đau đớn còn hơn nỗi khổ của bà vợ nhỏ.
Như vậy bà nhỏ chết đi rồi trở lại làm con bà lớn tới bảy lần, hoặc sống chỉ hai năm, ba, bốn, năm, sáu, hoặc bảy năm. Mỗi lần sinh trở lại đều đoan chánh, tốt đẹp hơn lần trước. Sau cùng, bà lớn sinh một bé gái được mười bốn tuổi đã hứa hôn với người, chỉ bệnh trong một đêm, sáng ra đã chết. Bà lớn khóc lóc, buồn đau không thể tả bỏ ăn bỏ uống, suốt đêm kêu khóc, rơi lệ tiếc thương; cố giữ thây con ở trong hòm không cho đậy nắp, hàng ngày nhìn ngắm tiếc thương. Đặc biệt sắc mặt cô bé khi chết mà còn đẹp hơn lúc còn sống.
Hơn hai mươi ngày sau có một vị A-la-hán thấy tình cảnh như vậy, thương xót cố đến để hóa độ. Ngài đi đến nhà để khất thực. Bà sai người giúp việc đem cơm cúng dường. Ngài không chịu thọ nhận mà nói với người ở:
–Ta muốn gặp bà chủ của ngươi.
Người giúp việc vào nhà thưa:
–Vị ấy muốn gặp bà chủ.
Bà ấy nói:
–Ta buồn đau muốn chết, làm sao có thể ra gặp Sa-môn? Ngươi vì ta đem vật thực cúng, rồi mời họ đi.
Người giúp việc đem vật thực cúng Sa-môn, nhưng ngài vẫn cố không chịu đi. Sa-môn nói:
–Ta chỉ muốn gặp chủ nhân.
Cứ như vậy người giúp việc phải đi vào, đi ra vài ba lần, mà vị Sa-môn vẫn không chịu đi. Bà ấy sầu lo không biết tính sao.
Vị Sa-môn cứ đứng ở đấy, không chịu đi, làm loạn ý định của bà. Không còn nhẫn nại được, bà liền nói với người giúp việc:
–Hãy ra mời Sa-môn vào.
Khi vị Sa-môn đi vào, thấy bà ta nhan sắc tiều tụy, đầu tóc rối bù, rủ xuống che lấp cả mặt. Sa-môn nói:
–Bà vì sao mà phải như thế này?
Bà ấy nói:
–Tôi trước sau sinh được bảy người con gái, sáng suốt, dễ thương, nhưng đều chết yểu hết, còn riêng người con gái sau cùng này đã lớn, sắp đến tuổi cài trâm lại cũng vừa mới chết, khiến tôi quá buồn khổ.
Vị Sa-môn nói:
–Hãy sửa tóc, rửa mặt đàng hoàng, tôi sẽ nói chuyện cho bà nghe.
Bà ấy cứ khóc không chịu dừng. Sa-môn gọi bà ấy nói:
–Người vợ nhỏ của nhà này nay ở đâu? Người con trai của bà ta vì sao mà phải chết?
Bà ấy khi nghe hỏi như vậy mới suy nghĩ: “Vị Sa-môn này vì sao mà biết được?”. Trong lòng bà hơi sợ hãi, e ngại. Sa-môn nói tiếp:
–Hãy mau sửa soạn cho đàng hoàng, ta sẽ vì ngươi nói rõ cho mà nghe.
Sau đó bà đã chịu vén dọn đầu tóc gọn gàng xong, vị Sa-môn lại hỏi lại:
–Bà biết con trai của bà vợ nhỏ vì sao mà chết?
Bà vợ lớn khi nghe hỏi thế, chỉ biết im lặng, không trả lời được, trong lòng hổ thẹn, không dám thưa.
Vị Sa-môn nói tiếp:
–Ngươi giết con trai người ta. Bà mẹ của nó buồn rầu áo não mà phải chết, cho nên nó cố đến làm con của ngươi trước sau bảy lần, đó là kẻ oan gia. Bà nhỏ muốn dùng việc ưu phiền, khổ độc, để giết hại ngươi. Bà bây giờ thử đến xem người con gái đã chết ở trong quan tài, để biết cô con gái cưng của ngươi bây giờ như thế nào?
Bà ấy đến xem, thấy thân con hư hoại, rã rời, hôi hám không thể đến gần. Sa-môn hỏi:
–Bà đã thấy và hiểu chưa? Vì sao bà còn cố tâm nghĩ đến?
Bà vợ lớn rất hổ thẹn, liền sai người khiêng thây thối chôn gấp. Lúc ấy bà tỉnh ngộ, theo thầy Sa-môn cầu xin thọ giới. Thầy Sa-môn dạy:
–Sáng ngày mai, hãy vào chùa làm lễ.
Người con gái đã chết liền thọ thân rắn độc, biết bà vợ lớn đang đi xin thọ giới, nó nằm sẵn ở đường để đợi cắn chết bà ấy. Bà vợ lớn sáng mai đi đến chùa, con rắn bò ra chận đường không cho bà đi. Trời đã sáng, bà ấy rất sợ, suy nghĩ: “Ta muốn đến chùa gặp Sa-môn, ngài đã hứa cho thọ giới, con rắn này vì sao ngăn cản, không cho ta đi?”
Vị Sa-môn biết được việc đó, liền đi đến chỗ ấy. Khi đã thấy ngài đến, bà rất mừng, liền tới trước làm lễ. Thầy Sa-môn nói với con rắn:
–Ngươi nhiều đời làm vợ nhỏ của người khác, cùng nhau tạo nghiệp ác độc không thể cùng tận. Nay ngươi sinh ra ở đời bị bà lớn giết con, nhưng bà ấy đã khổ não vì bảy lần mất con. Những lỗi lầm của ngươi từ trước đều có thể độ được. Bây giờ bà ấy phát tâm đi thọ giới mà ngươi có ý xấu ác cố chận đường. Việc làm này của ngươi nếu không ăn năn sẽ đời đời đọa vào địa ngục, không có ngày ra khỏi. Nay ngươi bị làm thân rắn độc, là loài súc sinh, so ra đâu bằng bà này đang được thân người?
Con rắn khi nghe được Sa-môn dạy như thế, mới sực nhớ đời trước của mình, phiền não oán hận mới được dẹp bớt, gục đầu trên đất không dám thở, suy nghĩ lời của Sa-môn vừa dạy. Thầy Sa-môn chú nguyện:
–Nay hai ngươi nhiều đời đã làm khổ não cho nhau, lỗi lầm ấy đến nay nên chấm dứt. Từ nay về sau đừng dùng ác ý mà hại nhau nữa.
Người và rắn đều tỏ lòng ăn năn, sám hối. Con rắn liền chết, được sinh trở lại làm người. Bà lớn khi nghe thầy Sa-môn dạy như vậy, tâm được khai ngộ, ý hiểu rõ, rất vui mừng, liền được đạo quả Tu-đà-hoàn, theo thầy Sa-môn vào chùa thọ giới, làm vị Ưu-bà-di.
Do đây chúng ta nên biết: Con người đối với nhau nếu sinh ác ý, tạo tội, tạo ác nghiệp thì oan gia sẽ trở lại đối đầu với nhau mãi mãi, chúng ta không thể không cẩn thận.
Bởi vậy mới nói, nếu ta nguyển rủa ai cay cú như thế nào thì rất có thể ta sẽ là nạn nhân chịu đựng chính lời nguyền rủa đó trong kiếp tương lai. Vì vậy hãy cẩn thận lời nói và ý tưởng, chớ cay cú với ai.
Hãy xin cầu vãng sanh mà thường niệm Nam mô A Di Đà Phật.