Site Overlay

Ý nghĩa Đại Thừa

Ý nghĩa Đại Thừa,

Chúng con xin cung kính trích trong

Bộ Đại Tập 1, SỐ 397 – Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, quyển 6

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng (daitangkinh.org)

Bấy giờ, Bảo Nữ bạch Phật:

–Thế Tôn! Vì chướng ngại gì chúng sinh không sớm đạt Đại thừa?

Phật nói:

–Có ba mươi hai sự việc là nhân duyên tạo nên chướng ngại: Thích thừa Thanh văn; thích thừa Duyên giác; thích thân Đế Thích; thích thân Phạm thiên, thọ trì giới cấm vì hoan lạc nơi thế gian; thích tu một pháp lành; luôn ghen ghét; tham chấp của cải; không thích khuyên người tu pháp lành; kiêu mạn; không cầu tâm Bồ-đề; sợ Bồ-đề; chấp pháp; không tư duy kỹ, không gần gũi sư trưởng, hòa thượng, Thiện tri thức; phỉ báng bộ khác; không thanh tịnh nghiệp thân, khẩu, ý; không thể hộ trì pháp Vô thượng; không nói pháp đã đạt, dù ít; kiêu mạn khi hiểu được một tý nghĩa pháp; trừ bốn Nhiếp pháp; không tôn trọng người cùng học; không nghĩ về sáu pháp Ba-la-mật; xa lìa ba tụ; không phát nguyện; ít căn lành; hiểu sai nghĩa; không tán thán Tam bảo; hủy báng việc Bồ-đề Đại thừa; không hiểu nghĩa lại chê bai lời giảng của người khác; không biết việc ma; thích sinh tử. Đó là ba mươi hai việc chướng ngại làm cho chúng sinh không sớm đạt Đại thừa.

Bảo Nữ! Việc chướng ngại thì nhiều vô kể, Như Lai chỉ lược nêu. Công đức của Đại thừa thật vô lượng, chướng ngại của Niết-bàn cũng không lường. Lỗi sinh tử vô lượng, vô biên, chướng ngại Đại thừa cũng thế.

Bảo Nữ! Người nào đoạn trừ vô số pháp ác như thế sẽ sớm đạt Đại thừa.

Bảo Nữ! Bồ-tát nào làm thanh tịnh tâm là đạt được Đại thừa.

–Thế Tôn! Làm sao chúng sinh sớm đạt Đại thừa vô thượng?

–Bảo Nữ! Có ba mươi hai việc giúp chúng sinh sớm đạt Đại thừa vô thượng: chúng sinh không mời nhưng đến gần gũi; không ganh ghét phước đức của người; chuyên tâm tu tập vô lượng căn lành; xây dựng sự nghiệp cho người; không buồn khổ; thanh tịnh thân, khẩu, ý; không vì lợi dưỡng đổi bốn oai nghi; an trụ đúng pháp; tâm luôn thanh tịnh trước mọi người; không bỏ tâm Bồ-đề; thanh tịnh trang nghiêm Thí ba-la-mật; thanh tịnh Giới ba-la-mật, thương xót kẻ phá giới; thanh tịnh Nhẫn ba-la-mật không tiếc thân mạng; thanh tịnh Tinh tấn ba-la-mật đạt mười Lực vô úy; thanh tịnh Thiền ba-la-mật, trừ phiền não; thanh tịnh Trí ba-la-mật, trừ tập khí phiền não; tu định mạnh mẽ, trừ nghiệp ma; chuyên tâm độ chúng sinh; biết đền ân; hộ trì chánh pháp; trừ kiêu mạn; cúng dường Tam bảo; không tranh chấp pháp; hiểu rõ nghĩa sâu xa của mười hai duyên sinh; đủ bảy tài; tự tại trong tất cả pháp; tu sáu Thần thông; tu tập định tuệ. Đó là ba mươi hai việc giúp chúng sinh sớm đạt Bồ-đề. Khi giảng nói pháp này, có bảy vạn hai ngàn chúng sinh phát tâm Bồ-đề vô thượng, một vạn hai ngàn Bồ-tát đạt pháp Nhẫn vô sinh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *