Căn và Nghiệp
Chúng con xin cung kính trích trong
Bộ Đại Tập 1, số 397, Quyển 5, Phẩm 3: Bảo Nữ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (daitangkinh.org)
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Nghe thuyết chánh pháp gọi là căn
Diễn giảng pháp mầu gọi là nghiệp
Suy xét pháp lành gọi là căn
Giảng nghĩa sâu xa gọi là nghiệp.
An trụ như pháp gọi là căn
Tùy cơ thuyết giảng gọi là nghiệp
Tu Xa-ma-tha gọi là căn
Đủ ba trí tuệ gọi là nghiệp.
Bốn pháp Niệm xứ gọi là căn
Bốn pháp Chánh cần gọi là nghiệp
Tín, tấn năm Căn gọi là căn
Tín, tấn năm Lực gọi là nghiệp.
Bảy phần Bồ-đề gọi là căn
Tám con đường Chánh gọi là nghiệp.
Không y câu chữ gọi là căn
Nương tựa nghĩa lý gọi là nghiệp
Chẳng tựa nơi người gọi là căn
Nương tựa nơi pháp gọi là nghiệp
Không y “bất liễu” gọi là căn
Y chỉ “liễu nghĩa” gọi là nghiệp.
Không nương tựa thức gọi là căn
Nương tựa trí tuệ gọi là nghiệp.
Hiểu pháp không làm gọi là căn
Thông đạt không sinh gọi là nghiệp.
Từ bi có duyên gọi là căn
Từ bi không duyên gọi là nghiệp
Không hề lo sợ gọi là căn
Thuyết giảng chánh pháp gọi là nghiệp.
Sáu pháp niệm xứ gọi là căn
Nghĩa lý sáu niệm gọi là nghiệp
Tự lợi cho mình gọi là căn
Tự lợi lợi tha gọi là nghiệp.
Thọ trì chánh pháp gọi là căn
Thuyết giảng cho người gọi là nghiệp
Một đời thành Phật gọi là căn
Đạt thân tối hậu gọi là nghiệp.
Bồ-tát thành tựu tâm bất thoái
Hiểu rõ tuệ căn và tuệ nghiệp
Chứng đạt thượng pháp Nhẫn vô sinh
Mở cửa Bồ-đề đạo Vô thượng.