Trích trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 4,
6. Đáp lời hỏi của Huyễn Tu Học Nhân [pdf]
Hỏi: Chuyên tu trì danh, nguyện được Niệm Phật tam-muội, cầu sanh Tịnh Độ thì dụng công ra sao?
Đáp: Dùng tín nguyện sâu để niệm Phật. Niệm Phật tam-muội cũng chẳng dễ gì đạt được, nhưng phải thường nên phát cái tâm ấy. Đấy gọi là “noi theo pháp bậc thượng, chỉ đạt được bậc trung”.
Hỏi: Có kẻ nói niệm ra tiếng, trì danh theo lối Truy Đảnh1, có người bảo niệm Kim Cang trì, có người nói niệm thầm, có người bảo nhớ số, có người nói “tùy tức” v.v… Muốn đắc nhất tâm bất loạn thì có nên
chuyên trì một pháp hay không?
Đáp: Truy Đảnh dễ bị bệnh. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm Kim Cang hay thầm niệm, đều tùy theo tinh thần của chính mình mà điều chỉnh để dùng. Há nên chấp chết cứng một pháp đến nỗi bị bệnh ư? Tùy Tức chẳng bằng Tịnh Thính (lặng lẽ lắng nghe), bởi lẽ Tùy Tức không khéo thì cũng bị bệnh, còn Tịnh Thính thì chẳng bị bệnh!
Hỏi: Có lúc Kim Cang trì, có lúc niệm thầm, có lúc nhớ số, có lúc niệm theo lối Tùy Tức v.v… chẳng biết [niệm như vậy] có gây trở ngại cho nhất tâm hay không?
Đáp: Nhất tâm là do niệm, chứ không phải do âm thanh niệm Phật, sao lại bảo là trở ngại? Nhớ số cũng chỉ là nhớ khi động, chứ khi ngồi tịnh tọa chỉ nên niệm thầm, đừng nên lần chuỗi. Nếu lần chuỗi ắt bị tổn thương.
Hỏi: Hiện thời trong khi tịnh tọa, học nhân niệm ra tiếng bốn chữ hồng danh, nhiếp tâm niệm thiết tha, áp dụng phương pháp “tâm – miệng [niệm Phật] phân minh, rõ ràng để chấp trì, dùng tai lắng nghe”, hơi cảm thấy khinh an (nhẹ nhàng, dễ chịu). Con muốn tu sao cho đạt đến nhất tâm bất loạn thì có thể chuyên hành pháp ấy hòng đạt được hay không?
Đáp: Pháp ấy rất hay! Lúc tịnh tọa nên niệm thầm, niệm ra tiếng cũng được. Nhất tâm bất loạn là do tâm chuyên chú và khẩn thiết vậy!
Hỏi: Trong bộ Văn Sao cao quý của thầy, pháp Tùy Tức được cực lực đề xướng, nhưng chưa nói rõ cách niệm như thế nào? [Niệm Phật Tam Muội] Bảo Vương Luận ghi: “Có thể nương cậy lớn lao vào pháp này”, nhưng cũng chỉ nói: “Xưng danh hiệu Phật theo hơi thở”, con vẫn chưa hiểu rõ cách niệm như thế nào? Chỉ có sách Sức Chung Tân Lương
ghi: “Tùy Tức Niệm Phật dùng khi thở ra chứ không dùng khi hít vào. Cứ mỗi một hơi thở ra là một câu, hoặc hai chữ đều được”. Học nhân nghi rằng: Khi hít vào chẳng niệm, há chẳng phải là gián đoạn ư? Con
thường thử luyện mỗi hơi thở ra là một câu, cảm thấy rất phí sức, mà niệm cũng chẳng rõ ràng cho lắm! Chỉ có khi hít vào niệm A Di, thở ra niệm Đà Phật thì đã không gián đoạn, mà còn được rõ ràng, lại chẳng tốn sức. Chẳng biết cách niệm như vậy có được hay chăng? Hay là lúc hít vào thì chẳng được niệm?
Đáp: Khi hít vào chẳng niệm, trong khi ấy sao lại nói là gián đoạn? Thở ra niệm một câu, hít vô bèn chẳng niệm; chứ khi hít vô lẫn thở ra đều niệm ắt sẽ bị tổn khí. Nếu chỉ niệm hai chữ thì trong một hơi hít vô
thở ra niệm một câu Phật hiệu sẽ chẳng trở ngại chi!
Hỏi: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, hành trì như thế nào?
Đáp: Tông chỉ của Niệm Phật là sanh lòng tin chân thật (tức Tín), phát nguyện thiết tha (tức Nguyện), chuyên trì Phật hiệu (tức Hạnh). Ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh là tông chỉ của Niệm Phật. Phương pháp dụng công Niệm Phật hay nhất là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. “Nhiếp trọn sáu căn” là cái tâm niệm Phật chuyên chú nơi danh hiệu Phật, tức là nhiếp Ý Căn. Miệng phải niệm sao cho rõ ràng rành rẽ, tức là nhiếp Thiệt Căn. Tai nghe cho rõ ràng rành rẽ tức là nhiếp Nhĩ Căn. Ba căn ấy được nhiếp trong Phật hiệu thì mắt quyết chẳng thể nhìn ngó loạn xạ. Khi niệm Phật nên buông rèm mắt xuống, tức là hạ thấp mí mắt xuống, chớ nên mở banh mắt. Mắt đã nhiếp rồi thì mũi cũng chẳng thể ngửi loạn được, tức là mũi cũng được nhiếp! Thân phải cung kính tức là thân cũng bị nhiếp. Sáu căn đã nhiếp, chẳng tán loạn thì tâm không vọng niệm, chỉ nghĩ đến Phật; đấy mới là tịnh niệm.
Hễ sáu căn không nhiếp thì tuy niệm Phật trong tâm vẫn có vọng tưởng tơi bời, khó đạt được lợi ích thật sự. Nếu có thể nhiếp trọn sáu căn để niệm thì gọi là “tịnh niệm tiếp nối”. Tịnh niệm đã có thể thường tiếp
nối thì nhất tâm bất loạn và Niệm Phật tam-muội sẽ đều có thể dần dần đạt được. Xin chú ý chỉ mong đạt được “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì nghiệp sẽ tiêu, trí sẽ rạng, tâm địa sẽ khai thông, lo gì chẳng hiểu rõ nghĩa kinh nữa! Xin hãy gắng sức!
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng,
54. Thư trả lời cư sĩ Trầm Di Sanh (năm 1931) [pdf]
…
Niệm Phật nhắm mắt dễ bị hôn trầm. Nếu không khéo dụng tâm rất có thể gặp cảnh ma! Chỉ buông hờ mí mắt (tức là như mắt các tượng Phật vậy) thì
tâm sẽ lặng xuống, chẳng sôi động, cũng chẳng bị hỏa bốc lên đầu. Nếu ông niệm Phật mà trên đầu [dường như] có vật gì rờ đụng, hoặc lôi kéo v.v… là
vì suy tưởng trong lúc niệm Phật khiến cho sóng tâm thức dâng trào đến nỗi tâm hỏa bốc lên. Nếu buông rủ mí mắt và hướng tâm suy tưởng xuống phía dưới thì tâm hỏa chẳng bốc lên, bệnh ấy sẽ mất đi. Chớ nên lầm tưởng [hiện tượng] ấy là công phu [đã đạt đến mức], cũng đừng sợ đấy là ma cảnh, chỉ
chí thành nhiếp tâm mà niệm, và tưởng bản thân đang ngồi hoặc đứng trên hoa sen, nhất tâm tưởng ta đang ngồi hay đứng trên hoa sen thì hiện tượng
ấy sẽ tự nhanh chóng biến mất (Nếu chẳng dám tưởng đang ngồi hay đứng trên hoa sen, sợ rằng có thể gặp ma sự, hãy chỉ nghĩ đến phía dưới bàn chân thì tâm hỏa lẫn hơi nóng trên đầu đều chẳng phát sanh nữa). Hiện nay tà ma ngoại đạo rất nhiều, chớ
nên ôm lòng thăm dò, tu thử chút nào! Nếu có cái tâm ấy, ắt sẽ bị chúng dụ dỗ. Hễ lọt vào tròng của chúng, ắt sẽ đến nỗi mất trí phát cuồng. Nghe nói
một vị pháp sư rất có tiếng tăm nay đã tự mình ăn thịt, dạy người khác ăn thịt, lại còn dạy người khác hủy hoại tượng Phật, ông ta đã hiện rõ tướng ma
rồi đấy!