Site Overlay

KINH PHÁP VỊ CAM LỒ

Bộ: Bản Duyên VII

Kinh tăng nhất A-hàm, Bảy pháp, phẩm 40

Nghe như vầy:

Một thời, Phật ở vườn Ni-câu-lâu thuộc nước Ca-tỳ-la-vệ của dòng họ Thích, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị.

Bấy giờ, sau khi ăn, Thế Tôn từ vườn Ni-câu-lâu đến trong xóm Tỳ-la-da-trí[1] và ngồi dưới một gốc cây. Lúc ấy, Chấp Trượng, người họ Thích[2], ra khỏi thành Ca-tỳ-la việt, đến chỗ Thế Tôn, rồi đứng im lặng.

Sau đó, Chấp Trượng Thích hỏi Thế Tôn rằng: “Sa-môn dạy dỗ điều gì? Bàn luận những gì?

Thế Tôn bảo:

–Phạm chí nên biết, điều mà Ta luận thì trời rồng, quỷ thần không thể theo kịp chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian[3]. Điều mà Ta luận là như vậy.

Khi ấy, Chấp Trượng Thích lắc đầu, thở dài, rồi bỏ đi. Sau đó, Như Lai đứng dậy trở về tinh xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Vừa rồi, khi Ta đang ngồi trong vườn, có Chấp Trượng Thích đến gặp Ta và hỏi Ta rằng: “Sa-môn luận những gì?” Ta đáp: “Điều mà Ta luận chẳng phải là điều mà chư Thiên và thế gian có thể theo kịp, cũng chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian. Điều mà Ta luận là như vậy.” Lúc ấy, Chấp Trượng Thích nghe xong liền bỏ đi.

Lúc ấy, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

–Thế nào là không dính mắc thế gian cũng không trụ ở thế gian?

Thế Tôn bảo:

–Điều mà Ta luận hoàn toàn không dính mắc thế gian, cũng như nay được giải thoát khỏi tham dục, dứt trừ sự nghi ngờ của dòng họ Thích[4], không có các tưởng. Điều mà Ta luận là như vậy.

Nói xong, Thế Tôn liền đi vào tịnh thất.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo nói với nhau:

–Vừa rồi, Thế Tôn nói tóm lược ý nghĩa của luận ấy, mà ai có thể giảng rộng nghĩa này?

Rồi các Tỳ-kheo nói với nhau:

–Thế Tôn thường ca ngợi Tôn giả Đại Ca-chiên-diên. Chỉ có Ca-chiên-diên có thể giảng rộng ý nghĩa này.

Sau đó, các Tỳ-kheo nói với Ca-chiên-diên rằng:

–Vừa rồi Như Lai đã giảng tóm tắt ý nghĩa ấy. Cúi xin Tôn giả hãy giảng rộng thêm, phân biệt rõ ràng từng việc cho mọi người được hiểu.

Ca-chiên-diên đáp:

–Ví dụ như có một người đi ra khỏi làng để tìm lõi cây. Vừa thấy cây to, người ấy liền đốn ngã lấy cành lá mang đi mà bỏ cây lại. Hôm nay các vị cũng như vậy. Các vị đã bỏ Như Lai mà đi tìm lõi cây nơi cành lá. Nhưng Như Lai nhìn thấy tất cả, không đâu không cùng khắp. Ngài soi sáng thế gian, là Đạo sư của trời, người. Như Lai là chủ chân thật của pháp. Các vị phải tùy theo thời gian thích hợp, tự nhiên sẽ được Như Lai giải thích cho ý nghĩa này.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo đáp:

–Tuy Như Lai là chủ chân thật của pháp, sẽ diễn rộng nghĩa ấy. Nhưng Tôn giả đã được Thế Tôn ghi nhận, có khả năng nói rõ nghĩa ấy.

Ca-chiên-diên nói:

–Vậy các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, tôi sẽ giảng nói phân biệt nghĩa ấy.

Các Tỳ-kheo đáp:

–Thưa vâng.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Ca-chiên-diên nói:

–Luận mà hôm nay Như Lai nói đến, không phải là điều mà trời rồng, quỷ thần có thể theo kịp, không dính mắc, cũng không trụ thế gian, nhưng ta được giải thoát đối với chúng, dứt sạch nghi ngờ không còn do dự. Như chúng sinh ngày nay ưa thích tranh đấu, kiện tụng, khởi các loạn tưởng. Lại nữa, Như Lai nói, Ta không sinh tâm đắm nhiễm trong đó; đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi, kết sử vô minh và do đó đưa đến đau khổ vì dao gậy, mà tranh đấu kiện tụng với người, phát sinh bao nhiêu hành vi bất thiện, phát sinh loạn tưởng.

Khi mắt thấy sắc mà sinh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc[5]. Do có xúc nên có thọ. Do có thọ nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng[6]. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp mà sinh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc. Do có xúc nên có thọ. Do có thọ nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng. Đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi ngờ, kết sử vô minh, gây ra tai biến đao gậy và bao nhiêu tai biến khác không thể tính hết.

Nếu có ai nói không có mắt, không có sắc mà lại có xúc, điều đó không đúng. Nếu có ai nói không có xúc mà có thọ thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói không có tai, không có tiếng; không có mũi, không có mùi; không có lưỡi, không có vị; không có thân, không có sự xúc chạm; không có ý, không có pháp, mà nói là có thức, thì cũng không có lý. Nếu có ai nói không có xúc mà có thọ thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói, có mắt, có sắc và ở trong đó phát sinh ra thức, điều đó hợp lý. Nếu nói có tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, sự trơn láng; ý, pháp và ở trong đó phát sinh ra thức, điều đó hợp lý. Các vị nên biết, do nhân duyên này nên Thế Tôn nói: “Điều mà Ta luận, không phải là điều mà trời, người, ma, thiên ma có thể theo kịp; không chấp trước thế gian, không trụ ở thế gian, nhưng Ta lại giải thoát khỏi tham dục, chấm dứt nghi ngờ, không còn do dự.” Vì lý do này Thế Tôn nói nghĩa ấy. Nếu ai chưa thông suốt thì hãy đến gặp Thế Tôn hỏi lại nghĩa ấy. Như Lai có dạy điều gì, hãy ghi nhớ mà phụng hành.

Nghe Ca-chiên-diên giảng xong, các Tỳ-kheo không nói là đúng, cũng không nói là sai, mà tức thời đứng dậy, nói với nhau:

–Chúng ta hãy đem ý nghĩa này đến hỏi Thế Tôn. Thế Tôn có dạy điều gì, sẽ theo đó mà phụng hành.

Rồi thì số đông các Tỳ-kheo đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, rồi ngồi qua một phía, đem việc lúc nãy bạch với Thế Tôn.

Bấy giờ, Như Lai nói với các Tỳ-kheo rằng:

–Tỳ-kheo Ca-chiên-diên thông minh, biện tài, đã giảng rộng nghĩa ấy. Nếu các ông đến hỏi Ta điều đó, thì Ta cũng giảng cho các ông như vậy mà thôi.

Lúc ấy, A-nan đang đứng sau Như Lai. A-nan liền bạch Phật rằng:

–Ý nghĩa của kinh này rất sâu sắc. Giống như có người đi đường gặp cam lồ[7] liền lấy ăn. Thật hết sức thơm ngon, ăn không biết chán. Ở đây cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nghe kinh này sẽ không hề biết chán.

A-nan lại hỏi:

–Kinh này tên là gì và phụng hành ra sao?

Phật bảo A-nan:

–Kinh này tên là: “Pháp vị cam lồ”[8]. Hãy ghi nhớ và phụng hành.

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


[1] Tỳ-da-la-trí tụ. Pàli: Beluvalaỉỉhikàya mùle, (ngồi) dưới gốc cây beluvaỉỉhika, một loại trúc.Trung 28: Trong một ngôi chùa của họ Thích, trong rừng trúc

[2] Chấp Trượng Thích chủng. Pàli: Daịđapàịipi Sakko.

[3]Dịch sát bản Hán. Có lẽ từ Phạm văn tương đương Pàli: Na kenaci loke viggayha tiỉỉhati: “Không tồn tại để tranh chấp (viggayha) với bất cứ ai trong thế gian”, nhưng bản Hán đọc là na kenaci loke vigayha tiỉỉhati, “không tồn tại để đắm chìm (vigayha) trong thế gian.”  

[4] “của dòng họ Thích”, cụm từ này có thể được chép dư trong bản Hán. Xem cht. trên.

[5] Nguyên Hán: Cánh lạc. Đây là định nghĩa về xúc. Định cú Pàli: Cakhuĩca… paỉicca rùpe ca uppajjati cakkhuviĩĩàịaư tiịịaư saíati phasso, duyên nơi mắt và sắc, thức con mắt khởi lên. Tổ hợp ba này (gồm mắt, sắc, và thức) là xúc.

[6]Pàli: Yaư vitakketi taư papaĩceti, do tầm mà có hý luận.

[7] Trung 28: Mật hoàn, cục mật ong. Pàli: Madhupiịđikaư.

[8] Cam lộ pháp vị. Trung 28: Mật hoàn dụ. Pàli: Madhupiịđika-pariyàyo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *