Nhẫn nhục tiêu Sân hận

Kinh Tuyển tập Đại Bảo Tích

PHÁP HỘI PHÚ LÂU NA

phẩm Bất thối

...

Thế nào là Bồ Tát hành từ chẳng sân chẳng não tất cả chúng sanh? Này Phú Lâu Na! Bồ Tát hành từ đối với chúng sanh phát khởi ý tưởng tôi thương mến cứu độ họ. Thấy chúng sanh thân khổ tâm khổ thì nghĩ rằng tôi phải siêng tu tinh tấn độ các chúng sanh ấy khỏi khổ sanh tử ban cho họ an vui. Bồ Tát phát tâm ấy rồi siêng tu tinh tấn, tu sáu Ba la mật: Bố thí (Đàn Na), trì giới (Thi la), nhẫn nhục (Sằn đề), tinh tấn (Tỳ lê gia), thiền định (thiền na) và trí huệ (Bát nhã).

phẩm Cụ Thiện Căn (Căn lành tròn đủ)

...

Nầy Phú Lâu Na! Thiện nam thiện nữ phát tâm Đại thừa gần gũi tu tập thật hành pháp nhẫn nhục. Lúc tu hành pháp nhẫn nhục như vậy, do vì như tâm bình đẳng thì được Bình đẳng Ba la mật, cũng được tất cả chúng sanh Bình đẳng Ba la mật. Bồ Tát ấy được tâm Bình đẳng Ba la mật, trí Bình đẳng Ba la mật, hoặc đi hoặc đứng hoặc ngồi hoặc nằm hoặc thức hoặc ngủ, bấy giờ có người mang bình phẩn hoặc bình độc, bình nước sôi, hoặc các thứ rác rưởi, hoặc than lửa tro nóng, hoặc cứt đái đến đổ trút lên đầu lên thân, đối với sự gia hại này, Bồ Tát chẳng nên sân hận mà tâm phải tán loạn, chẳng nên tự nói tôi có tội gì, cũng chẳng dùng ác tâm nhìn họ, chỉ nên nhứt tâm cầu pháp tự lợi, ở nơi sự đang tu tập chuyên tâm chẳng bỏ rời. Phải điều phục tâm mình thế này:

...

Người đó cớ chi mang các thứ ấy đổ trút lên đầu lên thân ta, thân ta chẳng vì các vật ấy mà phải đau khổ. Phải quan sát các pháp nhơn duyên như vầy:

Ai mang vật đến?

vật ấy đổ cho ai?

vật gì đổ cho người nào?

Suy gẫm như thiệt như vậy chẳng thấy có pháp nào là người mang cho, là người lãnh thọ, cái gì là vật. Chánh niệm quan sát suy gẫm như vậy vì nhận thấy đây kia đều bất khả đắc nên tất cả pháp cũng đều bất khả đắc đều chẳng thấy có được. Vì Bồ Tát chẳng được và chẳng thấy tất cả pháp nên chẳng sanh lòng sân hận.

Vẫn chưa nguôi giận thì xem tiếp!!!

...

Nếu lúc suy xét như trên mà vẫn còn có niệm sân hận khởi lên thì Bồ Tát lại phải chánh niệm suy xét thế này: Do chạm xúc gì khiến thân ta đau, các thứ chạm xúc ấy nó chạm xúc chỗ nào, chạm xúc nơi thân hay chạm xúc nơi tâm. Nếu nó chạm xúc nơi thân, thì thân như cỏ cây ngói đá bóng tượng không hay không biết chẳng phải đây chẳng phải kia. Nếu nó chạm xúc nơi tâm, thì tâm không hình sắc niệm niệm sanh diệt chẳng tạm dừng chẳng phải đây chẳng phải kia, chỉ do hư vọng ghi nhớ phân biệt mà nói là khổ là vui là chẳng khổ vui, nay ta chẳng nên sanh khởi ghi nhớ phân biệt hư vọng ấy, nay ta phải quán bình đẳng thiệt tướng, ta phải tu tập việc làm của hiền thánh, chẳng nên theo việc làm của phàm phu. Những gì là việc làm của hiền thánh, đó là xa rời giải thoát đối với các pháp, ta vì xa rời mà học chớ chẳng phải vì hòa hiệp mà học. Lòng ghi nhớ phân biệt hư vọng ấy đều là hòa hiệp. Là ai hòa hiệp, là tham dục sân hận ngu si hòa hiệp. Sao gọi là tham dục sân hận ngu si hòa hiệp, do vì thân si, thân kiến si, vì tham thân kiến nên lúc thân bị khổ thì giận thù người kia đây gọi là sân hận hòa hiệp, có người vì thân kiến si vì tham thân kiến, vì chẳng vừa ý mà sân hận người kia đây gọi là ngu si hòa hiệp. Nếu người bị ba độc trói buộc mà hoặc phát khởi những tội nghiệp như vậy thì chư Phật chẳng cứu được huống là người khác, ta phải khéo quán các pháp nhơn duyên, quán các pháp không.

Bồ Tát tùy thuận quán các pháp nhơn duyên như vậy chẳng thấy pháp có, ai hại ai chịu dùng vật gì để hại.

Bấy giờ Bồ Tát nên suy nghĩ rằng: Tất cả các pháp từ nhiều duyên mà sanh vốn không tự tánh quyết định bất khả đắc, tại sao ta lại ở trong pháp hư vọng vô sở đắc mà có được pháp tác nghiệp để sanh sân hận phát khởi hành nghiệp. Nay ta phải sanh lòng không sân hận mà tu hành pháp vô tác vô khởi vô sanh, ta phải quán pháp không, chẳng chìu theo tâm ý chấp kiến. Nay ta phải quán pháp bất tác bất khởi vô sanh, chẳng nên y chỉ pháp tác khởi. Ta phải suy gẫm các pháp đúng như thiệt. Nay ta chẳng nên ở trong hư vọng vô sở hữu này mà cưỡng khởi tác, gì là cưỡng khởi tác, đó là sân hận. Tại sao, vì y chỉ nơi pháp thì có sân hận, nay ở trong các pháp thiệt tướng cứu cánh không, không có pháp bổn thể để có thể y chỉ được.

Bồ Tát suy gẫm các pháp như vậy thì tâm vắng bặt chẳng khởi sân hận.

...

Phải suy nghĩ rằng: Đối với các chúng sanh ta chẳng nên sân hận, chẳng nên thương nhớ, tại sao, vì ghét thương hai thứ đều là phiền não. Nay ở đây ta chẳng nên sanh lòng thương yêu, ta phải khéo thông đạt các pháp đúng thiệt. Ở trong các phiền não, chỗ hòa hiệp của ái duyên là tối trọng, phiền não này sâu đến xương tủy, nghĩa là ở trong pháp hay sanh kiết sử tâm ái nhiễm trước, đối với sự ái trước nếu chẳng vừa ý thì sanh sân hận. Mọi người đều tự có lòng dục nhiễm ái trước thân mình, có ai đến xâm não thì sanh sân hận. Do đây mà biết sân hận là quả của ái nhiễm, còn tham ái là quả của ngu si. Nay ta phải xa rời tâm ác ái nhiễm, đối với các pháp không hề tham trước.

...

Ta chẳng vì tham dục mà học, chẳng vì sân hận mà học, chẳng vì ngu si mà học. Ta phải rộng học các pháp chơn thiệt. Đối với các pháp tướng thì quan sát đúng như thiệt, theo đúng như lời mà tu hành như thiệt. Chỉ nên y chỉ nghiệp báo, đối với các sự bị hại và cúng dường đều phải biết đó là duyên hành của nghiệp nhơn thuở trước, vì thế nên ở trong sự tùy thuận chẳng sanh mừng thích, trong sự trái nghịch chẳng sanh sân hận, chỉ giữ lòng thanh tịnh không hề thương ghét chẳng để tâm mình theo các pháp ác tham sân si.

...

Bồ Tát tự nghĩ rằng

Nhẫn nhục lợi chúng sanh

Xô dẹp tâm cương cường

Mau được thành Phật đạo

Tôi phải tu tâm từ

Nhẫn nhục thương chúng sanh

Mà biết các pháp không

Do duyên sanh vô ngã

Cớ sao có các pháp

Pháp ấy khởi nơi tâm

Vọng tưởng sanh sân hận

Chẳng nhớ nó liền không

Vọng tưởng sanh tam giới

Thân nối nhau chẳng tuyệt

Chẳng vọng tưởng phân biệt

Thì không có lỗi ấy

Thường suy xét các pháp

Biết nó từ duyên sanh

Thường quán các pháp không

Mà hay độ mọi loài

Chúng sanh phá giới khổ

Bị kiêu mạn làm hại

Dạy họ pháp diệt khổ

Có nhiều lợi ích lớn

Nếu có kẻ phương Đông

Nam Tây Bắc bốn hướng

Tay cầm bình cứt đái

Đổ trút lên đầu tôi

Tôi chẳng sanh lòng giận

Ai hại ai chịu lấy

Cái gì gọi là ta

Siêng tinh tấn quan sát

Chẳng giận hờn nhìn họ

Tội gì mà hại tôi

Chỉ sanh lòng chánh niệm

Từ tâm thương xót họ

Biết là nghiệp thuở trước

Nay nhận quả báo này

Trả xong chẳng gây nữa

An trụ trong Phật đạo

Người khác không có sự

Khinh hủy làm khổ não

Đây tất là ác nghiệp

Dầu lâu mà chẳng mất

Chúng sanh tại thế gian

Luôn tạo nghiệp thiện ác

Nay tôi chịu khổ này

Nên biết do nghiệp trước

Nếu giận mắng hại họ

Sau lại thọ quả khổ

Đâu nên đem khổ hại

Mà hại lại người kia

Phải cầu pháp vô thượng

Cầu rồi dạy lại người

Độ thoát tất cả loài

Ra khỏi tất cả khổ

...

Giả sử có người đến

Chặt đứt rời thân tôi

Trọn chẳng sanh lòng giận

Biết do nghiệp thuở trước

Chúng sanh gây thiện ác

Theo nghiệp tự thọ quả

Chắc đời trước tôi ác

Nay phải chịu báo khổ

Nay chịu lấy khổ báo

Quán thân như bóng tượng

Bọt nước ảo hóa mộng

Là không tất cánh không

Nếu có người thành tâm

Giúp đỡ nuôi dưỡng tôi

Phải nhớ báo ơn họ

Mà chẳng sanh lòng mừng

Cúng dường chẳng vui mừng

Mắng hại chẳng giận hờn

Mừng giận đều chướng ngại

Chẳng phải đạo chơn chánh

Phải xa rời tất cả

Lòng tham ái sân hận

Thường phải tu không tịch

Dứt hết các chướng ngại

Nhẫn nhục gốc thập lực

Chư Phật thần thông nguyện

Trí vô ngại đại bi

Đều do nhẫn làm gốc

Tứ đế niệm chánh cần

Căn lực giác đạo phần

Đều dùng nhẫn làm gốc

Người trí nên tu nhẫn

Phật tại Ba La Nại

Chuyển pháp luân vô thượng

Cũng lấy nhẫn làm gốc

Chư Phật thường khen nhẫn

Các ông cũng phải tu

Không, nhẫn, vô sanh diệt

Các pháp tướng thường không

Thì được Phật công đức.

...

Nầy Đại Mục Kiền Liên! Thuở trước ta thật hành sâu về hạnh nhẫn nhục thế nào? Lúc làm Bồ Tát ta phát tâm như vầy: Bao nhiêu chúng sanh ở mười phương, hoặc có sắc hay không sắc, hoặc có tưởng hay không tưởng, hoặc phi hữu tưởng phi vô tưởng, giả sử các chúng sanh ấy đều được thân người đều đến chỗ ta mà nói rằng: Ông phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, chúng ta phần đông thiếu thốn ngũ dục lạc, thiếu những đồ cần để sống, nếu ông chẳng cung cấp đủ cả cho tất cả chúng tôi thì ông chẳng được Vô Thượng Bồ Đề.

Vì chẳng được vừa ý nên các chúng sanh ấy đều ác khẩu mắng nhiếc chửi rủa và dùng dao gậy ngói đá gia hại thân ta, lúc ấy ta chẳng nên giận hờn, chẳng nên hối hận. Ta phải tự điều phục tâm mình như vầy: Các chúng sanh ấy ngu si chẳng biết sanh khởi nghiệp ngu si. Nếu đối với các chúng sanh ngu si ấy mà ta khởi giận hờn thì có khác gì họ là chẳng nhập đạo.

Nay ta nhập đạo lành nơi các chúng sanh ấy lãnh nhận sự khổ chẳng khởi sân nghiệp, lòng ta phải như mặt đất bình đẳng hứng chịu các thứ tốt xấu.

Thuở trước ta sâu thật hành nhẫn nhục như vậy.

...

Ví như voi chúa điều phục lúc vào chiến trận lòng chẳng thối khuất có thể chịu được tiếng trống tiếng loa tiếng sừng tiếng hô to, nghe các thứ tiếng ghê rợn ấy chẳng kinh chẳng sợ, có thể chịu đựng được lạnh nóng muỗi mòng độc trùng gió mưa đói khát, có thể chịu được vết thương vì đao kiếm cung nỏ roi gậy mà xông thẳng vào trận chiến chẳng lui chẳng khuất. Voi lớn điều phục ấy chẳng có ý nghĩ ta chẳng xông vào được trận giặc mà nó chỉ nghĩ ta sẽ thắng giặc.

Nầy Đại Mục Kiền Liên! Lúc ta hành đạo Bồ Tát phát tâm nguyện lớn cũng như vậy, đối với các chúng sanh ta điều phục tâm mình. Nếu có ai ác khẩu chửi mắng ta chẳng mắng lại, họ giận thù đánh giết tranh giành ta đều chẳng báo oán. Ta luôn chẳng thối chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề cũng chẳng phân biệt sự này chịu được sự kia chịu chẳng được, đây nên thân cận, kia chẳng nên thân cận. Trong tất cả sự không lo sầu không hối hận không giận hờn. Lòng không hề chán rời đạo Bồ Tát, chẳng bao giờ có ý nghĩ ta chẳng vào được trận giặc lớn ma chướng phiền não, mà chỉ nghĩ rằng ta có thể phá tan trận giặc ác to lớn để được Vô Thượng Bồ Đề hầu cứu độ vô lượng chúng sanh trong tam giới sanh tử khổ. Này Đại Mục Kiền Liên! Thuở ta làm đạo Bồ Tát trước kia, ta tu hành nhẫn nhục, bao nhiêu sự từ bi đối với chúng sanh, nếu dùng lời để nói thì không thể hết được.

PHÁP HỘI VÔ TẬN PHỤC TẠNG

...

Thế nào gọi là Đại Bồ Tát sân hành phục tạng. Này Điện Đắc! Các chúng sanh tương ưng với kiêu mạn chấp ngã ngã sở ở trong tướng tự tha từ lâu xa đến nay chẳng tu từ nhẫn, giận thù nhiệt não tự phá hoại tâm họ, chẳng nhớ tưởng đến Phật Pháp và Tăng, sân độc che mờ nên họ mê hoặc nơi chánh pháp. Đối với các chúng sanh nhiều sân hận ấy chẳng hề sanh khởi tổn hại chỉ quan niệm rằng: chúng sanh rất lạ, họ ngu si mê hoặc bèn ở nơi các pháp bổn tánh tịch tịnh không cấu trược không hòa hiệp không vi tránh trong pháp viễn ly mà tương ưng với điên đảo vọng sanh sân hận. Quan niệm như vậy rồi, Bồ Tát an trụ tâm đại bi luôn thương xót chúng sanh, dầu cho bị họ chặt đứt thân thể cũng an trụ nhẫn nhục để điều phục sân hành chúng sanh ấy.

Nếu vô lượng chúng sanh sân hành ấy lẫn chống trái nhau, lòng họ giận hờn, nghiệp sân thành rồi sẽ đọa trong các loài rắn độc ác thú. Bồ Tát an trụ nhẫn nhục, dùng sức từ niệm hóa độ chúng sanh ấy có thể làm cho họ chẳng thọ ác báo quyết định chứng được bình đẳng.

Đây gọi là Bồ Tát phương tiện thiện xảo diệt trừ sân hành cho chúng sanh.

...

Lại nầy Điện Đắc! Nếu thấy chúng sanh sân não, Bồ Tát quan niệm rằng: tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh, các chúng sanh ấy theo tướng mà hành vọng sanh phân biệt, ở trong pháp bình đẳng không vi tránh mà họ khởi lòng sân hận, các chúng sanh ấy chẳng rõ biết được pháp giới tánh. Nếu họ thấy được pháp giới tánh thì họ trọn chẳng sanh giận hại nơi người khác. Vì chẳng rõ biết bổn tánh pháp giới nên họ sanh sân hận. Với các chúng sanh nhiều sân ấy, Bồ Tát sanh lòng từ bi gấp bội, an trụ đại bi hoàn thành nguyện xưa, Bồ Tát dùng trí vô công dụng khai thị diễn thuyết nhiều pháp môn để phá hoại sân hành cho chúng sanh, mà Bồ Tát chẳng hề quan niệm tôi vì chúng sanh thuyết pháp trừ sân. Tại sao, vì Bồ Tát khéo quan sát pháp giới tướng vậy. Đây là Bồ Tát an trụ pháp giới vô sai biệt tướng diệt trừ sân phiền não.

...

Nầy Điện Đắc! Ví như chẳng trừ đen tối mà được ánh sáng hiện ra cũng chẳng phải không cái hay trừ đen tối. Đen tối và ánh sáng ấy tánh như hư không không có sai khác. Cũng vậy, Bồ Tát y cứ nơi trí pháp giới vô sai biệt thiện xảo thuyết pháp dứt diệt các thứ sân hành chúng sanh, nơi pháp giới chẳng quan niệm sai biệt.

Nầy Điện Đắc! Ví như mặt nhựt phóng ra ánh sáng, chiếu đến đâu thì chỗ ấy đều nhiếp thuộc mặt nhựt. Cũng vậy, vì muốn điều phục diệt trừ sân hành nên lời nói của Bồ Tát đều là pháp luân mà ở nơi pháp giới chẳng quan niệm sai biệt.

Sân hành như vậy có hai vạn một ngàn và các hành kia tám vạn bốn ngàn, Bồ Tát thành tựu trí vô công dụng tùy theo các thứ sân hành của chúng sanh mà thuyết pháp cho họ, Bồ Tát chẳng quan niệm tôi vì chúng sanh hiện nay thuyết pháp đã thuyết sẽ thuyết.

Đây gọi là Đại Bồ Tát sân hành phục tạng. Bồ Tát chứng được phục tạng này rồi hoặc trong một kiếp hoặc quá một kiếp tùy theo các thứ ý lạc của các chúng sanh dùng các loại văn tự ngữ ngôn phương tiện thuyết pháp. Sân hành biên tế ấy bất khả đắc, trí huệ biện tài của Bồ Tát cũng bất khả tận.

Đây gọi là Bồ Tát khéo nói pháp giới vô sai biệt tướng được sân hành phục tạng như vậy.

Trí vô công dụng là gì?

...

“Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Đức Phật nói trí vô công dụng, nghĩa ấy thế nào?”.

Đức Phật dạy: “Này Nguyệt Tràng! Nếu có Bồ Tát ở trong pháp lành mà thân tâm tương ưng duyên theo tạo tác thì gọi là công dụng.

Nếu có Bồ Tát thân tâm điều nhu không niệm không y rời lìa tướng tu hành, do đã thành tựu nguyện trí thuở xưa, nơi ức thiên cõi Phật những chỗ nên ra làm các thứ thị hiện, mà đối với pháp giới không hề động chuyển, thường diễn thuyết pháp không có chút pháp tướng, dùng tứ nhiếp pháp thành thục chúng sanh, cũng không có chúng sanh được độ, nghiêm tịnh tất cả các Phật độ mà chẳng thấy Phật độ bất tịnh, thường niệm chư Phật chẳng xem sắc tướng, đi các cõi Phật chẳng lìa pháp giới. Đây gọi là Bồ Tát vô công dụng trí.

Vì thành tựu trí vô công dụng như vậy nên làm đầy đủ tất cả hi vọng cho các chúng sanh, mà ở nơi chỗ làm không hề nhiễm trước”.

PHÁP HỘI THIỆN TÝ BỒ TÁT

Nhẫn nhục Ba La Mật

...

Thế nào là đại Bồ Tát đầy đủ Sằn đề (Nhẫn nhục)Ba la mật?

Nầy Thiện Tý! Hoặc tự quyến thuộc hay chúng sanh khác đến đoạt mạng sống của Bồ Tát, trong sự ấy Bồ Tát trọn không có lòng giận thù. Hoặc có người đến đoạt tài vật của Bồ Tát nhẫn đến đoạt vợ con hay dùng các sự ác sự khổ hại Bồ Tát như ác khẩu lưỡng thiệt vọng ngôn ỷ ngữ khủng bố trói cột nhốt tù đánh đập hình lục, bấy giờ Bồ Tát cũng chẳng sanh lòng giận thù.

Ðối với các sự ác khổ làm hại mình như vậy, Bồ Tát suy nghĩ rằng: Ðây là nghiệp báo ác bất thiện của tôi, tôi tự gây tôi tự thọ, hoặc đời trước hoặc đời này đã làm rồi nên bây giờ thọ lấy quả báo, tại sao ở nơi quả báo của mình mà tôi lại giận người.

Nầy Thiện Tý! Bồ Tát suy nghĩ như vầy: Nếu có kẻ đến đoạt mạng sống của tôi cho đến đánh đập hình lục tôi, với trong các sự khổ ác ấy tôi chẳng nên giận hại lại người. Tại sao? Vì đời nay bị chút khổ não còn chẳng vui vẻ chịu đựng được sao trở lại giận hại người để rồi đời sau sẽ phải chịu lấy tội báo vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức nhiều sự khổ não hơn.

...

Nầy Thiện Tý! Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: Vì có mạng sống nên đoạn mạng sống, vì có tài vật nên đoạt tài vật, vì có vợ con nên đoạt vợ con, vì có nhĩ căn nên nghe ác khẩu lưỡng thiệt vọng ngôn ỷ ngữ, vì có thân thể nên có khủng bố bắt trói tù rạt đánh đập hình lục, nay tôi tự thọ lấy sự khổ của mạng sống của nhĩ căn và thân thể của mình tại sao lại giận hại người.

Nầy Thiện Tý! Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: Thân thể này tất cả sáu căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý tức là địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, tức là vật của mình là pháp giới là tự tánh, tức là pháp phá hoại pháp dứt diệt pháp hư mất, là pháp khổ, pháp khổ xúc là pháp thọ khổ, nay ở nơi pháp hoại pháp khổ này sao tôi lại sanh lòng giận thù hại người. Tại sao? Vì tức là vật của mình là pháp giới là tự tánh vậy.

Nầy Thiện Tý! Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: Nội nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý chẳng phải ngã chẳng phải ngã sở, ngoại nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý cũng chẳng phải ngã ngã sở, người có trí sáng suốt đâu nên ở nơi sáu căn nội ngoại chẳng phải ngã ngã sở nầy mà trang nghiêm ái nhiễm làm hại người.

...

Nầy Thiện Tý! Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: Trong loài người khổ ít, ngạ quỉ khổ nhiều, súc sanh khổ nhiều hơn, địa ngục khổ não vô lượng vô biên không thể kể hết. Còn chẳng muốn thọ khổ ít trong loài người, huống là thọ khổ vô lượng trong ba ác đạo, vì thế nên tôi không nên giận thù hại người.

Nầy Thiện Tý! Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: Nay tôi nếu có thể làm lợi ích cho một người còn chẳng nên có lòng giận thù hại người, huống là tôi sẽ đem pháp nghĩa lợi ích cho tất cả thế gian vô lượng chúng sanh mà phát đại trang nghiêm, đại trang nghiêm xong được Phật thọ ký thẳng lên Đại thừa được đầy đủ Phật pháp vô thượng. Trong Phật pháp ấy chẳng nên chẳng nhẫn chịu, chẳng nên giận thù hại người mà nên thật hành nhẫn nhục lợi ích cho người, khéo hòa giải tranh chấp chẳng hề ganh ghét.

Nầy Thiện Tý! Nếu thiện nam thiện nữ dầu bị khổ đau vô lượng như ở địa ngục vô gián, đối với oan gia còn chẳng nên giận thù trả oán huống là ở trong loài người bị khổ chút ít mà nên sanh lòng giận thù hại người. Ðối với kẻ đến gây hại mắng chửi bêu xấu, thiện nam thiện nữ nầy đều phải nhịn chịu phát khởi lòng từ bi thuần tịnh không cấu uế, vì muốn được Phật tâm vậy.

...

Nếu bị khủng bố bắt đánh giam tù, Bồ Tát đều phải nhịn chịu phát khởi lòng từ bi vì muốn trong một niệm phá vỡ vỏ trứng vô minh tối tăm vậy.

Bồ Tát chịu khổ thật hành tâm nhẫn nhục từ bi vì muốn tất cả chúng sanh dứt trừ sân ái vậy.

Lúc bị cắt tai, Bồ Tát hành tâm nhẫn nhục từ bi vì muốn tất cả chúng sanh nghe chánh pháp sanh lòng tin vậy.

Lúc bị xẻo mũi, Bồ Tát hành tâm nhẫn từ vì thọ giới hương đoan nghiêm vô thượng vậy.

Lúc bị chặt chân, Bồ Tát hành tâm nhẫn từ vì được bốn thần túc của Như Lai vậy.

Lúc bị chặt tay, Bồ Tát hành tâm nhẫn từ vì muốn nhiếp thủ tất cả chúng sanh được tịch tĩnh vậy.

Lúc bị xẻ rời thân thể, Bồ Tát hành tâm nhẫn từ vì muốn đầy đủ sáu Ba la mật vậy.

Lúc bị móc mắt, Bồ Tát hành tâm nhẫn từ vì muốn được huệ nhãn vậy. Lúc bị chặt đầu, Bồ Tát hành tâm nhẫn từ vì muốn được đầu trí huệ của Phật vậy.

...

Bồ Tát suy nghĩ nhẫn nhục như vậy nguyện cho chúng sanh được độ được giải thoát, vì được Nhứt thiết trí được tất cả Phật pháp. Nhẫn nhục như vậy chẳng thiếu khuyết chẳng phá hoại chẳng hoang dật.

Nếu không lực thế chẳng thể học tập như vậy, Bồ Tát nầy nên suy nghĩ rằng: Nay tôi nên siêng tinh tiến thêm luôn luôn lần lần xa dứt tâm chẳng nhẫn nhục mà học tập nhẫn nhục lần lần, khiến tâm nhẫn nhục của tôi thêm rộng lớn đầy đủ, cho đến trọn đời chẳng hề giải đãi ưu sầu.

Ðại Bồ Tát như vậy phát tâm Bồ đề nhớ tâm Bồ đề tu tâm Bồ đề hy vọng Bồ đề nguyện cầu Bồ đề, Bồ Tát nầy phát khởi chánh hạnh vô lượng vô biên a tăng kỳ thiện căn nhẫn nhục như vậy muốn cho tất cả thế gian chúng sanh phát khởi vô lậu nhẫn nhục phát khởi vô học nhẫn nhục sanh vô lậu nhẫn nhục sanh vô học nhẫn nhục.

Ðại Bồ Tát hành nhẫn nhục như vậy chẳng lấy làm khó mà là vui thích mau đầy đủ Sằn đề Ba la mật.


Nguyện công đức dịch thuật này khiến cho tất cả chúng sanh đồng vãng sanh A Di Đà Phật Quốc Độ.


THAM KHẢO: https://daotrangtayphuong.net/

Forbearance neutralizes anger

Under construction


May all the translation works benefit all sentient beings to be reborn in the Buddha Amitabha's Pureland.


REFERENCE: https://daotrangtayphuong.net/dharma-in-english/

L'abstention neutralise la colère

En construction


Puissent toutes les œuvres de traduction bénéficier à tous les êtres sensibles de renaître dans la Terre Pure du Bouddha Amitabha.


REFERENCE: https://daotrangtayphuong.net/dharma-in-english/